Mỗi người dân là một người lính cứu hỏa ở khu dân cư

Người chữa cháy hiệu quả nhất không phải là lính cứu hỏa chuyên nghiệp, mà là người phát hiện lửa sớm nhất khi còn nhen nhóm. Để mỗi người dân khi phát hiện hỏa hoạn mà xử lý được hiệu quả, cần phải có kỹ năng và phương tiện chữa cháy.

CAQ Thanh Xuân hướng dẫn người dân tổ liên gia PCCC tại phường Thanh Xuân Bắc sử dụng bình chữa cháy dập lửa an toàn, hiệu quả

Nước xa không cứu được lửa gần

Đó là câu chuyện theo đúng quy luật tự nhiên, người ở xa dù có phương tiện hiện đại đến mấy, dù có tinh nhuệ đến mấy thì cũng không thể bằng người hàng xóm ngay cạnh bước 1 bước qua nhà nhau. Trong mọi tình huống nào cũng vậy, sự hỗ trợ của láng giềng luôn là số 1 trong lúc nguy cấp, không thể đợi người thân ở xa chạy đến thì mọi sự đều đã muộn.

Nhất là trong hỏa hoạn, với những người lính cứu hỏa, dù có chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm với trang thiết bị đầy đủ hiện đại đến mấy, nếu ngọn lửa đã bùng phát lớn rồi mới nhận được thông tin và chạy đến thì khi đó chỉ trông chờ vào sự may mắn, bởi sức chịu đựng của con người chỉ tính bằng phút trong biển khói, lửa bao trùm.

Hỏa hoạn xảy ra gần đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH thì còn may mắn, nếu sự cố xảy ra với khoảng cách một con phố thì sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy, bởi thực trạng ùn tắc giao thông cản trở không nhỏ các phương tiện đến điểm hỏa hoạn, chưa nói đến việc lính cứu hỏa dù có chuyên nghiệp và tinh nhuệ đến mấy thì ít nhất cũng phải từ 7 đến 10 phút mới có thể triển khai được các phương tiện tại hiện trường.

Do đó, trong công tác PCCC, vấn đề cốt lõi cho mọi phương châm hành động phòng ngừa, chữa cháy vẫn là “4 tại chỗ”. Đó là, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình PCCC tại khu dân cư như: Khu liên gia an toàn PCCC, Khu dân cư an toàn PCCC, Tổ xung kích PCCC… Đây chính là lực lực trực tiếp có vai trò quan trong công tác phòng ngừa, xử lý, dập tắt ngay sự cố hỏa hoạn từ ban đầu khi ngọn lửa còn chưa phát sinh. Đồng thời, đây cũng là lực lượng kiềm chế hỏa hoạn bùng phát để Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp tiếp quản nhiệm vụ nhanh và hiệu quả hơn.

“Xây dựng mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư, Khu liên gia, Tổ dân phố… là biện pháp xây dựng thế trận PCCC trong lòng mỗi người dân, thường xuyên huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng chữa cháy thoát nạn là cách để mỗi người dân là một chiến sỹ cứu hỏa, qua đó phát huy hiệu quả nhiệm vụ PCCC sẽ giảm thiểu các vụ cháy lớn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ…” – Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng CAQ Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.

CAQ Thanh Xuân ra mắt tổ liên gia an toàn PCCC tại phường Thanh Xuân Bắc

Tầm quan trọng của lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà

Trong phòng ngừa hỏa hoạn, kỹ năng chữa cháy tốt và phải có phương tiện, thiết bị PCCC như bình chữa cháy, thiết bị báo cháy, báo khói, báo hở khí gas…, ở mỗi gia đình là rất quan trọng. Ngoài ra, “bí kíp” để tự cứu mình khi xảy ra hỏa hoạn là vận động các hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà. Nhiệm vụ này được CAQ Thanh Xuân làm tốt và lan tỏa như một điểm sáng trên địa bàn Hà Nội, cũng như trên cả nước và được Bộ Công an đánh giá cao, biểu dương khen thưởng mô hình mở lối thoát nạn thứ 2 và vận động được nhiều khu dân cư tự nguyện làm theo.

Trong thời gian qua, CAQ Thanh Xuân đã làm tốt và lan tỏa như điểm sáng trên địa bàn TP Hà Nội cũng như trên cả nước về việc vận động mở lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà và tháo dỡ chuồng cọp

Cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội nhiều khu dân cư, hộ gia đình đều được tuyên truyền, hướng dẫn mở lối thoát nạn thứ 2. Tác dụng to lớn của mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả không chỉ ở quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai mà đã có nhiều gia đình tự cứu mình qua việc mở lối thoát nạn quan trọng thứ 2 trong ngôi nhà.

Điển hình là vụ cháy trong ngõ 51 phố Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội xảy ra ngày 12-1. Khi đó “người hùng” Trung Văn Nam, một thợ sửa chữa điều hòa đã dũng cảm lao vào khói lửa cứu cháu gái 14 tuổi đang bị hỏa hoạn đe dọa tính mạng ra ngoài bằng lối thoát nạn thứ hai.

Hành động dũng cảm của anh Nam đã người dân ghi nhận, điều đó đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong vụ cháy này cũng phải kể đến giá trị của lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn. Khung cửa sổ anh Nam cứu nạn nhân ra ngoài mái nhà lân cận là lối thoát nạn thứ 2 do gia đình tự mở nhờ có hướng dẫn, tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai vận động trước đó.

Sự chấp hành của chủ nhân ngôi nhà, kèm theo hành động đúng đắn, làm ngay sau khi được các chiến sỹ cứu hỏa khuyến cáo đã cứu sống chính người thân trong gia đình. Đó cũng là lý do bao năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC bền bỉ tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho người dân bằng nhiều hình thức với biện pháp đa dạng như đến tận khu dân cư tuyên truyền, hoặc xây dựng các mô hình an toàn PCCC để phát huy sức mạnh tổng hợp của mỗi người dân trong công tác PCCC.

Để mỗi người dân hiểu được sự nguy hiểm của cháy, nổ và thấy được tác dụng của việc biết thoát nạn, xử lý dập lửa an toàn… là cả một hành trình không ngừng nghỉ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Đức Trí

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-nguoi-dan-la-mot-nguoi-linh-cuu-hoa-o-khu-dan-cu-post514511.antd