'Mọi người Việt có thể tiếp cận vaccine Covid-19'

Ông David Tick, Tổng giám đốc Sanofi Pasteur Việt Nam và Campuchia, khẳng định sẽ cung cấp các loại vaccine Covid-19 ở mức giá hợp lý, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận.

Tròn một năm đến Việt Nam và điều hành khối ngành hàng vaccine của Sanofi Pasteur tại khu vực Việt Nam và Campuchia, ông David Tick chia sẻ với Zing về ngành công nghiệp dược phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

- Việc nghiên cứu và thử nghiệm các loại vaccine phòng Covid-19 tại Sanofi đang được tiến hành như thế nào, thưa ông? Dự kiến bao giờ các loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng?

- Tôi nghĩ Sanofi Pasteur đã có những phản ứng khá nhanh với đại dịch Covid-19 khi bắt đầu nghiên cứu từ rất sớm 2 ứng viên vaccine.

Đầu tiên là vaccine tái tổ hợp có tá dược bổ trợ, được phát triển từ sự hợp tác với hãng dược GSK. Công nghệ này đã được chúng tôi sử dụng từ nhiều năm trước, trong một số loại vaccine khác, đến nay được tận dụng để nghiên cứu cho vaccine Covid-19.

Ứng viên vaccine thứ hai được nghiên cứu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại mRNA. Chúng tôi bắt tay cùng Translate Bio để phát triển loại vaccine này.

Thực tế, hiện có nhiều loại vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm trên toàn thế giới, với tiến độ dự kiến khác nhau. Đa phần các loại vaccine đều đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tại Sanofi Pasteur, chúng tôi vừa bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 cho ứng cử viên vaccine Covid-19 tái tổ hợp có tá dược bổ trợ. Mọi nguồn lực được tập trung để có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng pha 3 vào tháng 12 năm nay. Nếu quá trình thử nghiệm và đăng ký giấy phép diễn ra đúng kế hoạch, chúng tôi có thể đưa vaccine này ra thị trường từ giữa năm 2021.

Còn vaccine dùng công nghệ mRNA phức tạp hơn nên cần nhiều thời gian nghiên cứu hơn. Chúng tôi mong có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 vào tháng 11 sắp tới.

- Với 2 ứng viên vaccine này, Sanofi có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới như thế nào?

- Dân số toàn cầu hiện nay lên đến 7,8 tỷ người, do đó có thể nói không có một công ty riêng lẻ nào có thể một mình giải quyết được đại dịch này. Tôi rất vui khi thấy nhiều tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đang cùng nghiên cứu vaccine. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 180 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu.

Hiện Chính phủ Mỹ và Ủy ban châu Âu (EC) đã thương lượng với Sanofi và GSK để cung cấp vaccine cho công dân ở khu vực này, với số lượng 300 triệu liều cho EC và 100 triệu liều cho Mỹ.

Đại dịch Covid-19 rất khó lường, do đó bất kỳ vaccine phòng Covid-19 nào chứng minh được tính an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng và sau đó được cấp phép sản xuất ở các quốc gia trên thế giới đều cần được sản xuất với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của toàn cầu.

Riêng về Sanofi, chúng tôi đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất để có thể nhanh chóng cung cấp lượng lớn vaccine trong tương lai. Theo ước tính hiện tại, chúng tôi có thể sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 tái tổ hợp và khoảng 90-360 triệu liều vaccine mRNA mỗi năm.

- Nhưng liệu người dân các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận những vaccine này hay không?

- Thực tế, Sanofi và GSK, cùng một số công ty điều chế vaccine khác, cam kết sẽ làm việc với các chính phủ và cơ quan, tổ chức để đảm bảo vaccine Covid-19 được cung ứng một cách công bằng trên toàn thế giới.

Sanofi và GSK cũng có kế hoạch cung cấp một phần đáng kể vaccine Covid-19 trong tổng nguồn cung sẵn có vào năm 2021/2022 cho sáng kiến COVAX, trụ cột của chương trình ACT-Accelerator, nhằm thúc đẩy sự tiếp cận với vaccine Covid-19.

Đây là sáng kiến được khởi xướng dưới sự hợp tác toàn cầu của các nhà lãnh đạo của các chính phủ, tổ chức y tế, doanh nghiệp và nhà hảo tâm. COVAX tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine đến các quốc gia tham gia theo cách hiệu quả và công bằng tối ưu, bất kể tình trạng phát triển.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với WHO, GAVI và các đối tác theo thời gian tương ứng với giai đoạn phát triển vaccine và tình hình của đại dịch.

Giá thành các loại vaccine Covid-19 của Sanofi chưa được xác định, bởi chúng tôi vẫn chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng. Còn nhiều chi phí có thể phát sinh từ nay đến khi đưa vaccine ra thị trường, chủ yếu những chi phí này được phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Mặc dù vậy, Sanofi cam kết sẽ mang đến những loại vaccine an toàn, hiệu quả với mức giá hợp lý cho tất cả công dân toàn cầu. Nói cách khác, chúng tôi mong muốn tất cả người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận với vaccine phòng SARS-CoV-2.

- Ở góc độ khác, Covid-19 có phải là thời cơ cho một công ty nghiên cứu vaccine như Sanofi Pasteur?

- Cũng như các tập đoàn khác, có thể nói Sanofi trên toàn cầu và tại Việt Nam đã trải qua một thời kỳ thách thức trong nửa đầu năm nay. Nhưng may mắn, mảng vaccine, đặc biệt là tại Việt Nam, vẫn có thể duy trì hoạt động hiệu quả.

Điều này xuất phát từ bản chất của ngành vì vaccine là để bảo vệ sức khỏe con người. Covid-19 cũng khiến người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe khỏi các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đồng thời, Việt Nam và Campuchia có dân số trẻ và ngày một gia tăng. Nhưng ở khía cạnh khác, phần lớn dân số cũng bắt đầu có dấu hiệu già hóa. Chính vì vậy, vaccine ngày càng trở nên cần thiết.

Mặt khác, Covid-19 được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam, nếu so với nhiều quốc gia khác, do đó có ít gánh nặng lên nền kinh tế hơn.

Tuy nhiên, rất khó để dự đoán được tương lai trong thời buổi còn nhiều điều chưa chắc chắn ở phía trước như hiện nay. Nếu nói Covid-19 là thời cơ cho Sanofi thì không chính xác, bởi lẽ hàng loạt ngành nghề, kể cả ngành công nghiệp dược phẩm, cũng đã và đang chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch này. Chỉ có thời gian cùng với sự nỗ lực mới có thể giúp chúng ta đưa ra câu trả lời phù hợp.

- Vậy ông và đội ngũ Sanofi Pasteur đã đương đầu với những khó khăn, thách thức nào trong giai đoạn đại dịch vừa qua?

- Hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với một số loại thuốc và vaccine cũng bị gián đoạn trong thời gian qua. Tính đến quý II, phần lớn nghiên cứu của chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc tạm dừng đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng của các tình nguyện viên.

Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực rút ngắn thời gian trì hoãn và duy trì thu thập dữ liệu theo cách thức phù hợp, tối ưu, nhằm đảm bảo các nghiên cứu có thể tiếp tục vào cuối năm nay.

Còn về vấn đề chuỗi cung ứng, vốn được cho là sẽ gặp khó khăn, thì may mắn là Sanofi lại không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc thù ngành vaccine là mất khoảng vài năm để sản xuất. Do đó, nếu không dự đoán đúng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào tình trạng thừa hoặc thiếu nguồn cung.

Trong những năm qua, Sanofi Pasteur đã luôn cố gắng đủ số lượng vaccine cần thiết cho thị trường Việt Nam và Campuchia.

Đến nay, mạng lưới sản xuất của chúng tôi vẫn hoạt động tốt. Sự đa dạng nguồn cung và việc tập trung nguồn lực cho sản xuất tại tất cả nhà máy trong suốt đại dịch cho phép chúng tôi duy trì cung ứng liên tục ở tất cả dòng sản phẩm. Sản lượng hiện tại đạt khoảng 90% so với thời điểm kinh doanh bình thường. Tôi cho là không có khả năng thiếu hụt nguồn cung thuốc và vaccine.

Từ năm 2018, Sanofi Pasteur có 2 nhà phân phối chính thức tại Việt Nam là Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) cho thị trường miền Trung, miền Nam và Công ty Dược phẩm - Thiết bị y tế (Hapharco) ở khu vực phía Bắc.

Chúng tôi có một thỏa thuận về chất lượng với các chi nhánh và nhà phân phối, đảm bảo tất cả vaccine cung cấp cho thị trường Việt Nam đều được giám sát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển từ nhà sản xuất đến nhà phân phối rồi đến người dùng cuối với các yêu cầu đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn và nhất quán.

Do đó, kể cả trong bối cảnh Covid-19, không có sự thỏa hiệp nào về chất lượng vaccine cũng như thuốc tại Sanofi, dù nguyên liệu đầu vào hay quá trình vận chuyển gặp thách thức gì.

- Với kinh nghiệm lâu năm, ông đánh giá ra sao về ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam hiện nay?

- Có thể thấy rõ, Việt Nam là một đất nước nhiều tiềm năng để đầu tư và có sự phát triển kinh tế liên tục mạnh mẽ trong những năm qua. Từ đó, nhận thức của người dân về sức khỏe cũng được nâng cao. Người Việt Nam ngày càng đầu tư nhiều hơn cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi phí đầu tư vào sức khỏe ở Việt Nam chiếm 5,7% GDP, cao hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Đồng thời, để thực hiện cam kết Bao phủ sức khỏe toàn dân (UHC) vào năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90% dân số.

Bởi vậy, đương nhiên là sẽ có sự cạnh tranh trong ngành dược phẩm ở Việt Nam, với sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty dược phẩm nội địa lẫn nước ngoài.

Nhưng điều này sẽ giúp thúc đẩy sự nỗ lực của tất cả công ty tham gia sân chơi để cùng Chính phủ phát triển ngành dược phẩm trong nước, và giúp nâng cao năng lực điều trị, chăm sóc y tế của cộng đồng y khoa. Hơn nữa, sự cạnh tranh lành mạnh sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân Việt Nam.

Trong suốt 6 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, Sanofi luôn nỗ lực nâng cao khả năng tiếp cận của bệnh nhân với danh mục thuốc và vaccine tiên tiến, đa dạng của mình, nhằm phục vụ hàng nghìn bệnh nhân khắp Việt Nam và Campuchia.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với các bệnh viện, hiệp hội y khoa và đại học y dược để thực hiện rất nhiều buổi đào tạo mỗi năm nhằm cập nhật thông tin khoa học về chăm sóc y tế cộng đồng.

Chúng tôi cũng đầu tư 75 triệu USD cho một nhà máy hiện đại ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Sản lượng tại đây đạt khoảng 90 triệu hộp mỗi năm, đảm bảo người Việt có thể tiếp cận các sản phẩm dược phẩm chất lượng cao.

Thậm chí, 20% sản lượng này còn được xuất khẩu sang các nước châu Á và Australia, đóng góp tích cực cho thặng dư thương mại của Việt Nam.

- Xét rộng ra, ông nhận xét thế nào về sự tương đồng và khác nhau của thị trường vaccine ở Việt Nam và Campuchia?

- Quả là một vinh dự cho tôi khi được đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc khối ngành hàng vaccine của Sanofi ở Việt Nam và Campuchia.

Hai nước này cùng có khí hậu nhiệt đới, bởi vậy cả hai đều có sự xuất hiện của một số loại bệnh đặc trưng như viêm não Nhật Bản, hay 2 đợt cúm mùa mỗi năm. Hai nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn phát triển, ngày càng nhiều người mong muốn và sẵn sàng chi trả cho việc tiêm chủng hơn để bảo vệ sức khỏe. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành công nghiệp vaccine.

Tuy nhiên, mức độ phát triển của hai nước có sự khác nhau, dẫn đến chênh lệch trong cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt ở phân khúc vaccine OOP (tự chi trả - PV). Bên cạnh đó, các quy định và chính sách về vaccine ở 2 nước cũng có sự khác biệt.

Do đó, chúng tôi phải đối mặt với những thách thức khác nhau khi hoạt động ở 2 thị trường này. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, khu vực này còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển vaccine nói riêng và dược phẩm nói chung.

- Gần đây một số người có tâm lý tẩy chay vaccine? Sanofi đã làm gì để nâng cao nhận thức của người dân?

- Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả những nước phát triển, vẫn còn tồn tại quan điểm này. Không may là trong những năm gần đây, có một số trường hợp nguy hiểm khi sử dụng vaccine tại Việt Nam và các nước láng giềng, khiến người dân ngần ngại hoặc sợ tiêm vaccine.

Nhưng trên thực tế, nhiều số liệu và nghiên cứu cho thấy tiêm chủng là cần thiết. Khoảng 2,5 triệu cái chết có thể được ngăn ngừa mỗi năm nhờ tiêm chủng, theo ước tính từ WHO.

Những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng thông qua các sự kiện, hoạt động hợp tác với các hiệp hội. Trong đó, các dữ liệu y khoa về tiêm chủng, bệnh học được trình bày chi tiết và sinh động để mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận hơn.

- Sau nhiều vị tríkhác nhau ở Sanofi tại thị trường châu Âu, tầm nhìn của ông cho Sanofi Pasteur Việt Nam là gì?

- Là người đứng đầu khối ngành hàng vaccine ở Việt Nam và Campuchia, tôi mong muốn cùng đội ngũ của mình vượt qua mọi rào cản khiến người dân tại hai quốc gia này không thể tiếp cận đầy đủ với các loại vaccine để bảo vệ sức khỏe và sự sống cho họ.

Đó không chỉ là việc giải quyết nhu cầu vaccine ở Việt Nam và Campuchia, mà còn là kỳ vọng có thể mang đến những vaccine tiên tiến trong cả tương lai gần lẫn dài hạn.

Bên cạnh đó, tôi ở đây để tạo điều kiện cho sự phát triển của đội ngũ Sanofi Pasteur tại Việt Nam và Campuchia, hỗ trợ các bạn trên con đường phát triển sự nghiệp. May mắn là tôi đang có những đồng nghiệp rất xuất sắc.

Tôi tin rằng một đội ngũ làm việc vui vẻ, phối hợp ăn ý thì sẽ thành công. Vậy nên tôi hy vọng có thể tạo nên một môi trường làm việc như vậy tại đây.

- Sau 1 năm rời châu Âu đưa gia đình sang sống và làm việc ở Việt Nam, cảm nhận của ông như thế nào?

- Vừa rồi là tròn một năm tôi và gia đình sống tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sống xa châu Âu, nhưng chúng tôi rất yêu Việt Nam. Không chỉ là thời tiết, ẩm thực, mà còn là văn hóa và con người.

Dù chỉ mới ở đây một năm, nhưng chúng tôi đã có dịp đi du lịch và công tác ở Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An và các vùng biển như Hồ Tràm, Mũi Né… Còn rất nhiều nơi để chúng tôi khám phá và hiểu hơn về Việt Nam.

Tôi thực sự nghĩ sinh sống và làm việc tại Việt Nam là cơ hội tốt cho tôi và gia đình, đặc biệt là hai con gái của tôi. Chúng tôi như được mở ra một chân trời mới, khám phá một đất nước mới, một nền văn hóa mới.

- Điều gì làm ông ấn tượng nhất về Việt Nam?

- Đó là con người Việt Nam. Các bạn rất thân thiện và luôn sẵn lòng giúp đỡ. Thậm chí, tôi còn được chia sẻ về cách sống như người dân bản địa trong cuộc sống hàng ngày. Thật thú vị!

Thực ra trước khi đến đây, tôi không thể hình dung được những điều như vậy. Ở châu Âu và các khu vực phát triển, tôi thấy người dân vẫn có rất nhiều vấn đề bất cập, và không lạc quan nhiều. Nhưng ở Việt Nam thì không. Tôi cảm nhận người dân Việt Nam tận hưởng cuộc sống với thái độ lạc quan, tích cực, hạnh phúc hơn nhiều nơi khác trên thế giới.

Thời tiết ở Việt Nam cũng rất ấm áp và tuyệt vời, không mưa suốt ngày đêm hay đến mức -20 độ C như ở châu Âu. Có lẽ bởi vậy mà người dân cảm thấy hạnh phúc, yêu đời hơn, từ đó dễ dàng chia sẻ niềm vui với mọi người xung quanh hơn.

- Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ này!

Lan Anh
Ảnh: Duy HiêụĐồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nguoi-viet-co-the-tiep-can-vaccine-covid-19-post1139713.html