Mới nhất vụ san lấp di tích làm chuồng trại ở Quảng Bình

Liên quan đến vụ một hộ dân san lấp sông Lũy và Lũy Thầy (thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) để làm chuồng trại, trước đó các cơ quan chức năng cấp tỉnh đã có kết luận sai phạm nhưng chính quyền địa phương không xử lý.

Được biết, năm 2020, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã có kết luận thanh tra về việc vi phạm quản lý đê điều của hộ ông Nguyễn Văn Dương.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, người ký văn bản kể trên cho biết: Ông Dương được UBND huyện Quảng Ninh cho thuê 4.000m2 đất và mặt nước, cách chân đê Lũy Thầy 20m, để phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Chuồng trại và bờ đê lấn sông Lũy

Chuồng trại và bờ đê lấn sông Lũy

Ông Nguyễn Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh cam kết: Địa phương đã ra “tối hậu thư” đối với ông Dương. Đến ngày 30/5/2022, ông ấy phải tháo dỡ hoàn toàn công trình xây dựng và san lấp trái phép. Quá hạn mà không thực hiện, chính quyền mới xử lý hành chính, sau đó sẽ cưỡng chế theo quy định.

Trên thực tế, ông Dương đã chở hàng ngàn khối đất đá, xà bần san lấp 2/3 mặt sông và đắp thêm hàng trăm mét đê mới để chăn nuôi heo, trâu và vịt.., xả thải ra môi trường tự nhiên không qua hệ thống xử lý chất thải.

“Kết luận thanh tra của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu UBND huyện Quảng Ninh xử lý dứt điểm, không để trở thành điểm nóng, nhưng cho đến nay UBND huyện chưa xử lý là trách nhiệm địa phương” - ông Mai Văn Minh khẳng định.

Trong khi đó, Sở Văn hóa tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngày 26/4/2022, sở này nhận được đơn của một số hộ dân ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, phản ánh hộ ông Nguyễn Văn Dương san lấp di tích để làm chuồng trại. Ngay sau đó, Sở Văn hóa đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế.

Theo đó, việc ông Dương lấn chiếm, san lấp Lũy Thầy và sông Lũy là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện trường ông Dương lấn chiếm không nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt về di tích. Việc xử lý vi phạm thuộc các cơ quan quản lý sông ngòi, đê điều và chính quyền địa phương.

Còn chính quyền xã Lương Ninh và huyện Quảng Ninh cho rằng, họ đã làm thất lạc kết luận thanh tra của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình mấy năm qua và... mới tìm lại được. Trên cơ sở kết luận của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, chính quyền xã và huyện sẽ kiên quyết xử lý vụ việc.

Gia cố lấn chiếm mặt nước bằng những ống bê tông hình trụ và bồi đắp mặt bằng nuôi vịt

Như Tiền Phong đã thông tin, năm 2003, ông Nguyễn Văn Dương được UBND huyện Quảng Ninh cho thuê đất bãi bồi ven sông Lũy với diện tích 4.000m2 để chăn nuôi vịt. Từ đó đến nay, ông Dương đã tập kết hàng ngàn khối đất, đá, xà bần đổ lấn chiếm sông Lũy, san phẳng pháo đài trên đê Lũy Thầy. Diện tích lấn chiếm đã gấp 10 lần diện tích cho thuê nhưng không một cơ quan chức năng nào xử lý.

Lũy Thầy (còn có tên khác là lũy Đào Duy Từ) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1992. Hệ thống lũy thuộc công trình quân sự, được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng bắt đầu từ năm 1630 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài. Lũy Thầy được bắt đầu từ núi Đầu Mâu, huyện Quảng Ninh, chạy dọc theo các con sông hoặc được đào hào phía bên ngoài lũy về đến TP. Đồng Hới, nhằm mục địch phòng vệ khi quân địch tấn công.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/moi-nhat-vu-san-lap-di-tich-lam-chuong-trai-o-quang-binh-post1439147.tpo