'Mời quan chức đi nước ngoài dễ biến thành hối lộ'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phần lớn các doanh nghiệp tài trợ cho quan chức đi nước ngoài xem đây là một cách đầu tư cho mối quan hệ. Nếu không cẩn thận, điều này có thể biến thành một cách tham nhũng, một hình thức đưa và nhận hối lộ.

Quan chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Quan chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Bình Thuận hoãn đưa cán bộ đi nước ngoài học tập

Ngày 17.7, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc dừng chuyến tham quan nước Cộng hòa liên bang Đức đợt 2.

Theo công văn, Công ty TNHH Phúc Trường Hải có công văn báo cáo và xin điều chỉnh thời gian của chuyến tham quan tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư biển, tìm hiểu công nghệ, thiết bị đầu tư dự án phục vụ dự án "Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP.Phan Thiết" tại Đức.

Trước đó, ngày 11.6, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký nhiều quyết định về việc đồng ý để công chức đi nước ngoài việc riêng. Kinh phí chuyến đi do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải, doanh nghiệp được giao một dự án lấn biển tại Bình Thuận đài thọ.

Cụ thể Công ty Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải được tỉnh Bình Thuận giao hơn 1,2 triệu mét vuông đất tại vị trí rất đẹp ở TP.Phan Thiết để làm dự án lấn biển Hamu Bay. Dự án này cũng đang bị người dân phản ứng.

Chuyến đi được chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 1-15.7 và đợt 2 từ ngày 16-31.7.

Theo các quyết định này thì những cán bộ đã đi đợt 1 gồm có ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Trương Khương Hải, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ; ông Đỗ Văn Thái, Phó giám đốc Sở TN-MT; ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Đương Thành, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; bà Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, ông Huỳnh Đa Trung, Bí thư Huyện ủy Đức Linh…

Đợt 2 (từ ngày 16 đến 31.7, nhưng đã tạm dừng) gồm thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an Bình Thuận; ông Trần Đức Minh, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Lê Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh…

4 năm, hàng vạn cán bộ đi nước ngoài

Được biết, tình trạng quan chức đi công tác, học tập nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp tài trợ không hiếm. Báo Dân Trí dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2016 chuyến đi "Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama) kéo dài 12 ngày của một số cán bộ thuộc Bộ Công Thương và 2 cán bộ của cơ quan khác hết hơn 2 tỉ đồng. Kinh phí do các đơn vị thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) chi trả.

Năm 2013, Vinataba cũng đã tài trợ kinh phí cho 3 cán bộ của Bộ Công Thương đi Hà Lan, Pháp, Bỉ 9 ngày để "tìm hiểu về công tác chống buôn lậu". Năm 2014, cũng tổng công ty này đã chi tiền cho 3 người của Bộ Công Thương đi Úc với thời gian lên tới 30 ngày để "nghiên cứu quản lý, quản trị doanh nghiệp". Cũng trong năm này, Vinataba cũng chi tiền cho 4 người khác của Bộ Công Thương sang Úc 8 ngày để "nghiên cứu, khảo sát". Năm 2016, Vinataba tiếp tục chi tiền cho 1 người của Bộ Công Thương đi Mỹ, Bỉ 7 ngày để dự một cuộc triển lãm.

Trong danh sách các doanh nghiệp phải chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài trong các năm qua còn rất nhiều: Tổng công ty Máy và động lực, Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào Cai; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội... và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2016, các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin-Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài; các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.

Các đơn vị này đã cử hơn 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỉ đồng.

Theo đó, hầu hết các bộ ngành, địa phương đều có lãnh đạo đi nước ngoài quá 2 lần mỗi năm, vẫn có đoàn bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng bộ, địa phương đi chung đoàn; có đoàn số lượng trên 10 người đi, thời gian hơn 10 ngày; nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân).

Theo kết quả thanh tra, các bộ ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp.

Một dạng tham nhũng, hối lộ

Chỉ thị số 21 ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã yêu cầu chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Theo đó, việc đi nước ngoài cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lặp với các đoàn đi trước; trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của một bộ ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài.

Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt của bộ ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn nhiều đơn vị vi phạm điều này.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài có nhiều mục đích, nhưng mục đích chính là xây dựng các mối quan hệ và đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp.

“Từ việc xây dựng các mối quan hệ với các quan chức, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có thể trở thành những doanh nghiệp “cánh hẩu”, thân hữu, thậm chí là “sân sau” của các nhóm lợi ích. Có thể họ sẽ được chỉ định thầu trong việc nhận thầu các dự án, tăng khống các chi phí đầu vào, được giảm trừ các khoản chi phí, giảm nghĩa vụ đóng thuế…”, ông Thịnh nói và cho rằng việc này là trái quy định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với phóng viên Một Thế Giới rằng phần lớn các doanh nghiệp tài trợ cho quan chức đi nước ngoài cũng là một cách đầu tư cho mối quan hệ với quan chức. Đây cũng có thể xem là một cách tham nhũng, một hình thức nhận hối lộ.

Để các chuyến công cán ở nước ngoài không biến tướng, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần công khai, minh bạch trong các chính sách, quá trình đấu thầu dự án, tiếp cận thị trường, nguồn lực… đối với các doanh nghiệp.

Sơn Lam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/moi-quan-chuc-di-nuoc-ngoai-de-bien-thanh-hoi-lo-92692.html