Mối quan hệ giữa âm nhạc và Haruki Murakami

Murakami không được đào tạo chính quy về viết văn, nhưng ông học cách viết văn qua âm nhạc.

Khi người người nhà nhà đọc sách của Haruki Murakami, tôi cũng đọc nhưng chưa đọc được nhiều. Dẫu vậy, tôi vẫn nhận ra (giống mọi người đều nhận ra) rằng Murakami rất yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển và jazz.

Với ông, âm nhạc và văn chương có mối quan hệ chặt chẽ. Hàng loạt bản nhạc cổ điển của Chopin, Beethoven, Haydn, Debussy… hay nhạc của The Beatles, Nat King Cole, The Rolling Stones, Bob Dylan được nhắc đến trong các tiểu thuyết của Murakami. Âm nhạc mạnh mẽ đến mức nếu không có nó, bạn sẽ phải hiểu tác phẩm của ông theo một chiều hướng hoàn toàn khác.

Sẽ không ít người phải mở bài Norwegian Wood của The Beatles để nghe khi đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy, hoặc bật thử South of the Border của Nat King Cole để thử cảm nhận thế giới của nhân vật chính trong Phía Nam biên giới, phía Tây Mặt Trời.

Thay vì thẩm thấu “gu” âm nhạc của Murakami qua những tiểu thuyết, giờ đây bạn có thể biết những gì ông thật sự suy nghĩ về âm nhạc qua cuốn sách Bàn về âm nhạc - trò chuyện cùng Seiji Ozawa, tuy tác phẩm chỉ bàn về nhạc cổ điển.

Seiji Ozawa là nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật, từng là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Boston và giám đốc nhà hát Opera Vienna trong nhiều năm. Bàn về âm nhạc ghi lại những lần phỏng vấn Ozawa mà Murakami đã thực hiện.

Cả hai gặp nhau vài lần trong khoảng thời gian 2 năm, cùng trò chuyện về bản chất âm nhạc, đào sâu những sáng tác của Brahms, Beethoven, Mahler, hay về các buổi trình diễn của Karajan, Bernstein, Glenn Gould và đương nhiên là của cả Seiji Ozawa.

 Sách Bàn về âm nhạc của Haruki Murakami. Ảnh: Thi Ân.

Sách Bàn về âm nhạc của Haruki Murakami. Ảnh: Thi Ân.

Từ lời của nhạc trưởng Seiji Ozawa, tôi hiểu nhiều hơn về các dàn nhạc giao hưởng, cách họ hoạt động, cách các nhạc trưởng làm công việc chỉ huy, cũng như những khó khăn lẫn niềm vui của họ.

Một người tài năng như Ozawa cũng từng bị khán giả la ó khi biểu diễn tại một nhà hát ở Italy. Từ lời của nhà văn Murakami, tôi hiểu tại sao ông có thể viết văn hay như vậy. Murakami không được đào tạo chính quy về viết văn, nhưng ông học cách viết văn qua âm nhạc.

Nghe nhạc giúp ông viết tốt hơn, trong khi viết văn nhiều giúp ông nghe nhạc giỏi hơn. Theo Murakami, điều quan trọng khiến văn chương cuốn hút đó chính là tính nhịp điệu, điều luôn luôn có trong âm nhạc.

Là hai người xuất chúng trong lĩnh vực của mình, nhưng những chia sẻ của Ozawa lẫn Murakami đều không quá hàn lâm. Mọi người đều có thể hiểu được. Từ trước đến giờ tôi chỉ nghe những đoạn nhạc cổ điển ngắn, vì không đủ kiên nhẫn cũng như không hiểu hết được bản nhạc.

Nhưng khi bước vào thế giới âm nhạc của Ozawa và Murakami, tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần toàn bộ concerto số 1 của Beethoven, với các phiên bản biểu diễn của các nhạc trưởng - nghệ sĩ piano khác nhau. Dù cũng không thể hiểu hết bản nhạc, nhưng tôi đã được khai sáng ít nhiều.

Nếu bạn yêu âm nhạc và thích văn chương, Bàn về âm nhạc này là cuốn sách nên đọc. Sách mang đến cái nhìn rất mới về âm nhạc từ những suy nghĩ và nhận xét của hai bậc thầy, đồng thời đưa bạn đến gần hơn với cuộc sống của các nhạc trưởng và giới nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc.

Thi Ân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-quan-he-giua-am-nhac-va-haruki-murakami-post1425567.html