Mối quan hệ giữa hỗ trợ xã hội, nhận thức năng lực và ý định khởi sự kinh doanh xã hội

THS. BÙI NGỌC TUẤN ANH (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực hiện dựa trên nền lý thuyết hành vi hoạch định (TPB) để giải thích ý định khởi sự kinh doanh xã hội thông qua hai yếu tố: Nhận thức hỗ trợ xã hội và Nhận thức năng lực khởi sự. Kết quả khảo sát từ mẫu gồm 329 sinh viên cho thấy, thái độ và nhận thức năng lực được xác nhận là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ý định khởi sự kinh doanh xã hội. Trong khi đó, nhận thức hỗ trợ xã hội chỉ là yếu tố tác động mạnh mẽ lên nhận thức năng lực, còn mối quan hệ đến ý định và thái độ không được xác nhận bởi kết quả nghiên cứu này. Kết quả bất ngờ này có thể yêu cầu các nhà giáo dục khởi nghiệp xã hội cần có những chính sách phù hợp hơn nếu muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh xã hội từ đối tượng sinh viên.

Từ khóa: ý định khởi sự, kinh doanh xã hội, năng lực khởi sự, nhận thức hỗ trợ xã hội, lý thuyết hành vi hoạch định.

1. Đặt vấn đề

Các doanh nghiệp xã hội (DNXH) được hình thành nhằm cung cấp các giải pháp kinh tế xã hội, đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt lịch sử (Fairbairn, 2001). Các DNXH theo đuổi sứ mệnh là giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội (Stephenson & Mace, 2009). Vai trò của DNXH được chứng minh khi thể hiện khả năng giải quyết linh hoạt, sáng tạo các vấn đề kinh tế, môi trường và cải thiện cộng đồng. Họ lấp đầy các khoảng trống mà Chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thương mại chưa đáp ứng đầy đủ.

Ở Việt Nam, DNXH được nhìn nhận có vai trò quan trọng khi chính thức được công nhận là một loại hình tổ chức riêng biệt theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2014. Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực từ khởi sự KDXH, theo thống kê của Hội đồng Anh năm 2019, số DNXH Việt Nam đăng ký với Chính phủ là 80 (CIEM và c.s., 2019). Số lượng DNXH thấp đối với một quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có thể là một vấn đề vì bỏ qua một con đường mới để hỗ trợ công dân của mình Bikse và c.s. (2015). Thậm chí phong trào khởi sự KDXH được coi là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của một quốc gia (Lacap, 2018; Mair & Noboa, 2006). Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách hay từ cộng đồng là làm thế nào để các hoạt động khởi sự KDXH được cải thiện, nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Theo Krueger (2003), một loại hình kinh doanh chỉ có thể phát triển nếu chất lượng và số lượng doanh nhân của loại hình đó tăng lên và ý định là chỉ số tốt nhất cho hành vi khởi nghiệp. Do đó, để có thể có những chính sách hỗ trợ hợp lý trong việc khuyến khích thành lập các DNXH, cần phải phân tích và nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển biến từ ý định hành vi của các cá nhân. Nghiên cứu này được định hướng để khám phá các yếu tố hữu ích trong việc thúc đẩy các hoạt động KDXH ở Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu 2.1. Ý định khởi sự kinh doanh xã hội (SEI)

Ý định khởi sự kinh doanh là biến số quan trọng nhất để dự đoán hành vi khởi sự, là một quá trình được chuẩn bị kỹ lưỡng và tự nguyện trên sự suy xét cẩn trọng (Krueger và c.s., 2000). Những lập luận trên dẫn đến sự thống nhất khởi sự kinh doanh có thể được coi là hành vi có kế hoạch (Krueger và c.s., 2000). Ý định khởi sự KDXH đề cập đến ý định bắt đầu một DNXH và được coi là một hành vi tâm lý khuyến khích một cá nhân tiếp thu kiến thức, thúc đẩy các ý tưởng mới lạ và thực hiện các kế hoạch KDXH, để cuối cùng trở thành một doanh nhân xã hội (Mair và c.s., 2006). Lý thuyết hành vi hoạch định (TPB) của Ajzen (1991) đã được chứng mình là một lý thuyết phù hợp và tin cậy trong việc giải thích ý định khởi sự KDXH (Zaremohzzabieh và c.s., 2019). Các nghiên cứu mới gần đây thường tập trung vào việc mở rộng TPB (Hockerts, 2015). Nghiên cứu này sử dụng TPB làm lý thuyết nền để giải thích cho các tác động đến ý định khởi sự KDXH.

2.2. Thái độ (ATB)

Trong lĩnh vực khởi nghiệp xã hội, Ernst (2011) tiên phong kiểm tra tác động của thái độ đối với việc trở thành một doanh nhân xã hội đối với ý định khởi sự KDXH. Ernst (2011) định nghĩa thái độ đối với việc trở thành một doanh nhân xã hội, như là mức độ mà một người có đánh giá tích cực hoặc tiêu cực đối với DNXH như là một lựa chọn nghề nghiệp. Ernst tìm thấy một mối quan hệ có ý nghĩa tích cực giữa những người mong muốn trở thành một doanh nhân xã hội và ý định khởi sự KDXH. Dựa trên các lập luận trên, tác giả đề xuất giả thuyết:

H1: Thái độ có tác động tích cực đến các ý định KDXH.

2.3. Nhận thức năng lực khởi sự kinh doanh xã hội (social entrepreneurial self-efficacy - SEF)

Nhận thức năng lực được Bandura giới thiệu trong lý thuyết học tập xã hội (Bandura, 1993). Khái niệm này không phải là một đặc điểm thụ động, tĩnh, mà được xem như một tập hợp năng lực của niềm tin như trong quan điểm nhận thức xã hội (Bandura, 1993). Theo Armitage & Conner (2001), nhận thức năng lực có khả năng thay thế cho kiểm soát hành vi cảm nhận khi giải thích ý định hành vi. Trong bối cảnh KDXH, năng lực bản thân với khởi sự KDXH được định nghĩa là nhận thức của một cá nhân về khả năng đóng góp của họ vào sự thay đổi xã hội trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội và được xem như là một động lực của sự hình thành ý định KDXH (Hockerts, 2015). Bên cạnh đó, mặc dù trong nghiên cứu của Ernst (2011), nhận thức năng lực không cho thấy mối liên hệ với chuẩn chủ quan nhưng cho thấy mối quan hệ tích cực có ý nghĩa với thái độ đối với việc trở thành một doanh nhân xã hội. Các lập luận trên đưa đến 2 giả thuyết sau:

H2: Nhận thức năng lực khởi sự KDXH ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi sự KDXH.

H3: Nhận thức năng lực khởi sự KDXH ảnh hưởng tích cực đến thái độ khởi sự KDXH.

2.4. Nhận thức hỗ trợ của xã hội (perceived social support - PSS)

Hỗ trợ xã hội được định nghĩa là “những tương tác hoặc mối quan hệ xã hội cung cấp cho các cá nhân sự trợ giúp thực sự hoặc nhúng các cá nhân vào một hệ thống xã hội được cho là cung cấp tình yêu, sự quan tâm hoặc cảm giác gắn kết với một nhóm xã hội có giá trị (Hobfoll, 1988). Lý thuyết hỗ trợ xã hội (Social support theory) giải thích rằng sự hỗ trợ nhận được từ các mối quan hệ giữa các cá nhân có ảnh hưởng tích cực đến cách một người ứng phó với căng thẳng hoặc thay đổi cuộc sống. Trong bối cảnh khởi sự KDXH, có thể giả định rằng các cá nhân sẽ bị tác động bởi mức độ mà họ sẽ được ủng hộ và hỗ trợ trong nỗ lực bản thân, từ những người trong mạng lưới cá nhân của họ. Sự hỗ trợ của môi trường gần (những người thân cận, đáng tin và có sức ảnh hưởng) khiến mọi người tin rằng họ có nhiều khả năng phù hợp và khả thi hơn cho sự nghiệp kinh doanh (Linã́n & Chen, 2009). Do đó, tác giả đề xuất các giả thuyết nghiên cứu sau:

Giả thuyết 4: Nhận thức hỗ trợ xã hội có liên quan tích cực đến các ý định khởi sự KDXH.

Giả thuyết 5: Nhận thức hỗ trợ xã hội có liên quan tích cực đến thái độ đối với KDXH.

Giả thuyết 6: Nhận thức hỗ trợ xã hội có liên quan tích cực đến nhận thức năng lực khởi sự KDXH.

3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Chọn mẫu và thang đo

Thang đo Likert 7 mức độ được sử dụng để đo lường các khái niệm nghiên cứu. Cụ thể, thang đo ý định khởi sự KDXH (SEI) gồm 6 biến quan sát và thái độ (ATB) gồm 5 biến quan sát được kế thừa từ Linã́n & Chen (2009). Năng lực khởi sự KDXH (SEF) gồm 3 biến quan sát, nhận thức hỗ trợ xã hội (PSS) gồm 4 biến quan sát sử dụng thang đo của Hockerts (2015). Nghiên cứu sử dụng hạn ngạch và lấy mẫu có chủ đích, nhắm mục tiêu đến sinh viên các trường đại học có tham gia vào các hoạt động xã hội do các tổ chức hỗ trợ DNXH tổ chức. Đối tượng sinh viên được lựa chọn vì họ có ý thức hơn khi suy nghĩ về nghề nghiệp của mình và các hoạt động KDXH thường gắn liền với giới trẻ (Hockerts, 2015). Việc thu thập dữ liệu nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp khảo sát phân phối qua Google Biểu mẫu dưới sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020. Kết quả khảo sát thu được 329 bảng khảo sát hợp lệ, được sử dụng trong phân tích định lượng. Kỹ thuật phân tích PLS-SEM áp dụng, phần mềm sử dụng SmartPLS 3.2.8.

Bảng 1 trình bày kết quả đánh giá thang đo cho các biến. Theo đó, độ tin cậy tổng hợp (CR) của các biến đều cao hơn 0,70 (từ 0,883 đến 0,953) và hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,70 (từ 0.834 đến 0.940), chứng tỏ thang đo có độ tin cậy cao. Giá trị hội tụ cũng được đảm bảo vì kết quả phân tích cho thấy hệ số tải của tất cả các biến quan sát đều nằm trong khoảng từ 0.716 đến 0.910 lớn hơn ngưỡng 0,7 (Götz và c.s., 2010). Phương sai trích bình quân (AVE) cao hơn ngưỡng tối thiểu 0,50 (từ 0.602 đến 0.810) (Hair và c.s., 2019). Tính phân biệt của các khái niệm được đảm bảo khi AVE của mỗi cấu trúc trong mô hình nghiên cứu và bình phương tương quan với các cấu trúc còn lại Fornell & Larcker (1981). (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả đánh giá thang đo

Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Độ phù hợp của mô hình được đảm bảo khi không có vấn đề đa cộng tuyến giữa các biến độc lập vì giá trị của hệ số phóng đại phương sai (VIF) nằm trong khoảng từ 1.604 đến 2.044, thấp hơn 5 (Hair và c.s., 2019). Bên cạnh đó, giá trị R2 điều chỉnh của các biến phụ thuộc đều lớn hơn ngưỡng tối thiểu 0,10 (từ 0.348 đến 0.623), và hệ số SRMR (=0.052) < 0,08 (Henseler và c.s., 2015), chứng tỏ mô hình nghiên cứu phù hợp với dữ liệu được thu thập. (Bảng 2)

Bảng 2. Đánh giá độ phù hợp của mô hình

Nguồn: Kết quả nghiên cứu

3.2. Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật PLS Bootstrapping với cỡ mẫu lặp lại là 5000 được khuyến nghị bởi Henseler và c.s. (2015) để kiểm định các giả thuyết. Các giả thuyết H1, H2, H3, H6 đều được chấp nhận do đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (giá trị t đều lớn hơn 2,58). Hai giả thuyết còn lại H4, H5 không có ý nghĩa thống kê, do đó không được chấp nhận. Tiếp theo, để đánh giá sự liên quan mang tính dự báo của mô hình đường dẫn, thủ tục dò tìm (blindfolding) được áp dụng để tính hệ số Q². Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị Q² ATB=0.194, Q² SEF=0.275, Q² SEI=0.438 đều lớn hơn 0, do đó các biến ngoại sinh tính dự báo cho các biến nội sinh trong mô hình (Hair và c.s., 2019). (Bảng 3, Hình 1)

Bảng 3. Kết quả kiểm định hệ số tác động và giả thuyết nghiên cứu

Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Hình 1: Kết quả kiểm định các giả thuyết về mối quan hệ trực tiếp

4. Kết luận

Nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra các mối quan hệ giữa nhận thức hỗ trợ của xã hội, nhận thức năng lực khởi sự, thái độ và ý định khởi sự KDXH với đối tượng là sinh viên có quan tâm đến các hoạt động xã hội. Kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy. nhận thức hỗ trợ của xã hội có tác động rất mạnh đến nhận thức năng lực khởi sự KDXH (β=0.613, p-value=0.000), trong khi không thấy có sự tác động trực tiếp đến thái độ và ý định khởi sự KDXH. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã góp phần khẳng định kết quả các nghiên cứu trước đây khi cho thấy lần lượt thái độ (β=0.459, p-value=0.000) và nhận thức năng lực (β=0.421, p-value=0.000) có tác động quan trọng đến việc hình thành ý định khởi sự KDXH. Sự tác động mạnh mẽ của nhận thức năng lực lên thái độ đối với khởi sự KDXH cũng được xác nhận từ kết quả nghiên cứu (β=0.534, p-value=0.000), kết quả này đồng nhất với các nghiên cứu trước đây (Hockerts, 2015; Mair & Noboa, 2006). Điều này lần nữa khẳng định rằng sự hiện diện của nhận thức năng lực khởi sự trong KDXH trong sinh viên đại học sẽ kích hoạt ý định KDXH của họ.

Ngược lại, việc cung cấp hỗ trợ xã hội thường được coi là nền tảng cho việc hình thành các ý định KDXH và được xác nhận trong các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ này (Hockerts, 2017). Tuy nhiên kết quả cho thấy, nhận thức hỗ trợ xã hội khác biệt với kết quả của Hockerts (2017). Sự khác biệt này có thể lý giải rằng đối tượng sinh viên trong mẫu khảo sát chưa nhận thức được các sự hỗ trợ cần thiết, họ chỉ xem đó là những hỗ trợ cho năng lực chứ không là yếu tố thúc đẩy ý định KDXH. Do đó, các nhà giáo dục KDXH nên khuyến khích sinh viên xây dựng và duy trì vốn xã hội, gia tăng các sự tương tác với các vấn đề xã hội.

Tuy vậy, nghiên cứu này vẫn tồn tại một số hạn chế cần được lưu ý khi khái quát hóa kết quả nghiên cứu cho các trường hợp khác. Đầu tiên, quy mô mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp thuận tiện, do vậy, có thể không đại diện hoàn toàn cho tổng thể. Tiếp đó, nghiên cứu được thực hiện tại một thời điểm, có thể chưa phản ánh sự biến động các mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu. Vấn đề này có thể được cải thiện qua việc thu thập dữ liệu ở nhiều thời điểm khác nhau.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 502.02-2019.03.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Armitage, C. J., & Conner, M. (2001). Efficacy of the theory of planned behaviour: A meta‐analytic review. British journal of social psychology, 40(4), 471-499.
Bandura, A. (1993). Perceived self-efficacy in cognitive development and functioning. Educational psychologist, 28(2), 117-148.
Bikse, V., Rivza, B., & Riemere, I. (2015). The Social Entrepreneur as a Promoter of Social Advancement. Procedia - Social and Behavioral Sciences.
CIEM, British Council, & CSIP. (2019). Social Enterprise in Vietnam.
Ernst, K. (2011). Heart over mind-An empirical analysis of social entrepreneurial intention formation on the basis of the theory of planned behaviour. Universität Wuppertal, Fakultät für Wirtschaftswissenschaft/Schumpeter.
Fairbairn, B. (2001). Social movements and co-operatives: Implications for history and development. Review of International Cooperation, 94(1), 24-34.
Götz, O., Liehr-Gobbers, K., & Krafft, M. (2010). Handbook of partial least squares, Springer, Berlin.
Hair, J. F., Risher, J. J., Sarstedt, M., & Ringle, C. M. (2019). When to use and how to report the results of PLS-SEM. European Business Review.
Henseler, J., Ringle, C. M., & Sarstedt, M. (2015). A new criterion for assessing discriminant validity in variance-based structural equation modeling. Journal of the academy of marketing science, 43(1), 115-135.
Hobfoll, S. E. (1988). The ecology of stress, Taylor & Francis, New York.
Hockerts, K. (2015). The social entrepreneurial antecedents scale (SEAS): A validation study. Social Enterprise Journal.
Hockerts, K. (2017). Determinants of Social Entrepreneurial Intentions. Entrepreneurship Theory and Practice, 41(1), 105-130. https://doi.org/10.1111/etap.12171
Krueger, N. F. (2003). Handbook of entrepreneurship research, Springer, Boston.
Krueger, N. F., Reilly, M. D., & Carsrud, A. L. (2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of business venturing, 15(5-6), 411-432.
Lacap, J. P. G. (2018). Social Entrepreneurial Intentions of University Students in Pampanga, Philippines. Journal of Entrepreneurship and Business, 6(1), 1-16. https://doi.org/10.17687/JEB.0601.01
Linã́n, F., & Chen, Y. (2009). Development and cross-cultural application of a specific instrument to measure entrepreneurial intentions. Entrepreneurship theory and practice, 33(3), 593-–617.
Mair, J., & Noboa, E. (2006). Social entrepreneurship, Palgrave Macmillan, London.
Mair, J., Robinson, J., & Hockerts, K. (2006). Social Entrepreneurship, New York: Palgrave Macmillan.
Stephenson, H., & Mace, D. L. (2009). Partnering with an NGO to start a microloan program in a Ghanaian village: A global organic triple-bottom-line social enterprise in the making. Journal of the International Academy for Case Studies, 15(8), 101.
Zaremohzzabieh, Z., Ahrari, S., Krauss, S. E., Abu Samah, A., Meng, L. K., & Ariffin, Z. (2019). Predicting social entrepreneurial intention: A meta-analytic path based on the theory of planned behavior. Journal of Business Research, 96, 264–276. https://doi.org/10.1016/j.jbusres.2018.11.030

The relationship among the perceived social support, perceived entrepreneurship competencies and social entrepreneurship intention

Master. Bui Ngoc Tuan Anh

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study is based on the theory of planned behavior to explain the social entrepreneurship intention through the two important factors named the perceived social support and the social entrepreneurial self-efficacy. The study’s survey of 329 students indicates that the attitude towards the social entrepreneurship and the social entrepreneurial self-efficacy were confirmed as important factors affecting the social entrepreneurship intention. The study’s findings show that the perceived social support factor has a strong impact on the social entrepreneurial self-efficacy. However, the relationship between the social entrepreneurship intention factor and the attitude towards the social entrepreneurship is not confirmed. This surprising result may require adjustments to training programs that promote social entrepreneurship intention of students.

Keywords: entrepreneurship intention, social entrepreneurship, entrepreneurial self-efficacy, perceived social support, theory of planned behavior.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/moi-quan-he-giua-ho-tro-xa-hoi-nhan-thuc-nang-luc-va-y-dinh-khoi-su-kinh-doanh-xa-hoi-78699.htm