Mối quan hệ Keynes – Leontief trong nền kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, câu hỏi đặt ra là các nhân tố của cầu cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư, xuất khẩu) lan tỏa thế nào đến giá trị sản xuất và đặc biệt là giá trị tăng thêm?

Công nghiệp nặng là ngành phụ thuộc vào nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2022, tăng mạnh khoảng 22%, cao hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 7%. Ảnh: HÙNG LÊ

Mối quan hệ Keynes – Leontief cho rằng một sự gia tăng của các yếu tố cầu sẽ kích thích sản xuất, và sau đó lan sang thu nhập. Trong các yếu tố bên cầu (cầu trung gian và cầu cuối cùng) sẽ bao gồm cả sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Đề xuất của OECD liên quan đến vấn đề này cung cấp một phương pháp định lượng giá trị gia tăng trong thương mại. Khái niệm về vấn đề này được Robert Kopman và cộng sự (2008) đưa ra khi nghiên cứu về Trung Quốc trong bài báo nghiên cứu “Bao nhiêu hàng xuất khẩu của Trung Quốc thực sự được sản xuất tại Trung Quốc?”.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, câu hỏi đặt ra là sự lan tỏa từ các nhân tố của cầu cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư, xuất khẩu) lan tỏa thế nào đến giá trị sản xuất và đặc biệt là giá trị tăng thêm?

Trên thực tế, tác động từ phía cầu trong ngắn hạn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nền kinh tế: Nếu khả năng cung hạn chế hoặc yếu kém thì việc tăng tổng cầu cuối cùng dù vì bất kỳ lý do gì về cơ bản chỉ làm tăng giá và nhập khẩu mà thôi, và thu nhập thực tế sẽ không thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu tiềm năng ở phía cung dồi dào và được cải thiện, sự gia tăng tổng cầu cuối cùng sẽ thực sự làm tăng sản lượng và thu nhập.

Khi xem xét và đề xuất các chính sách kích cầu, cần hiểu rằng quan hệ Keynes – Leontief không chỉ lượng hóa tác động của cầu cuối cùng đối với sản lượng mà còn lượng hóa ảnh hưởng của cầu cuối cùng đối với tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Sử dụng hệ thống Leontief tính toán mối quan hệ của nhu cầu cuối cùng với giá trị sản xuất, thu nhập và nhập khẩu để xem sự lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng trong nước đến phía cung sẽ là cơ sở quan trọng cho các đề xuất chính sách nêu trên.

Về tiêu dùng cuối cùng: Giả sử rằng bảng cân đối liên ngành năm 2012 đại diện cho giai đoạn 2010-2015 và bảng cân đối liên ngành năm 2019 đại diện cho giai đoạn 2016-2022. Tính toán từ mô hình đầu vào – đầu ra cho thấy tác động lan tỏa từ tiêu dùng cuối cùng lên giá trị sản xuất bị giảm mạnh (giảm 14,1%), lên thu nhập cũng đã giảm 20,4 điểm phần trăm giữa hai giai đoạn (2010-2015 và 2016-2022).

Về đầu tư: Tính toán cho thấy, mức độ lan tỏa của đầu tư đến giá trị sản xuất cũng giảm mạnh (giảm 17,1%), nhưng tỷ lệ lan tỏa đến việc giảm giá trị gia tăng chỉ vào khoảng 5,6% trong hai giai đoạn. Đặc biệt là:

– Đầu tư của khu vực FDI lan tỏa kém nhất đến thu nhập trong nước;

– Đầu tư của khu vực nhà nước giai đoạn 2016-2022 làm giá trị sản xuất và thu nhập giảm chút ít so với giai đoạn 2010-2015;

– Đầu tư tư nhân làm tăng cả giá trị sản xuất và thu nhập trong giai đoạn 2016-2022 so với giai đoạn 2010-2015.

Về xuất khẩu: Giai đoạn 2016-2022, xuất khẩu lan tỏa mạnh đến giá trị sản xuất (11,7%), nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (giảm 13,3%) so với giai đoạn 2010-2015; nhưng mặt khác, xuất khẩu lại có tác động mạnh đến nhập khẩu (so sánh giữa hai thời kỳ tăng 52%). Điều này khẳng định xuất khẩu hiện nay về cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, nhưng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu mạnh của khu vực kinh tế trong nước.

Đáng chú ý là xuất khẩu của khu vực FDI lan tỏa đến thu nhập và giá trị gia tăng ngày càng thấp. Trong giai đoạn 2010-2015, xuất khẩu của khu vực FDI được 100 đồng thì lan tỏa đến giá trị tăng thêm 28 đồng, đến giai đoạn 2016-2022 xuất khẩu của khu vực này chỉ lan tỏa đến giá trị tăng thêm 18 đồng.

Hơn nữa, 100 đồng xuất khẩu của khu vực này giai đoạn 2010-2015 chỉ lan tỏa đến thu nhập của trong người lao động trong nước 20 đồng, đến giai đoạn 2016-2022 thì 100 đồng xuất khẩu của khu vực này chỉ còn lan tỏa đến thu nhập của người lao động trong nước 15 đồng.

Về nhập khẩu: Kết quả tính toán cho thấy nhu cầu nhập khẩu phát sinh trong giai đoạn 2016-2022 có vẻ tương đối cao hơn những giai đoạn trước. Đáng chú ý nhất là việc tiêu thụ một đơn vị thành phẩm nhập khẩu trong giai đoạn này lan tỏa đến 2,204 đơn vị nhập khẩu. Tích lũy gộp các sản phẩm dù là sản xuất trong nước có tác động lan tỏa lớn nhất tới nhập khẩu (1,639 đơn vị nhập khẩu cần thiết cho mỗi đơn vị tích lũy sản phẩm được sản xuất trong nước).

Có thể thấy qua tính toán từ bảng cân đối liên ngành, sản xuất một số lĩnh vực như hàng tiêu dùng khác, vật liệu công nghiệp, công nghiệp nặng và xây dựng lan tỏa đến nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh đáng kể trong những năm qua.

Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp nặng, ngành này là một ngành phụ thuộc vào nhập khẩu, tổng nhu cầu nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp của ngành này giai đoạn 2010-2015 là 1,488 (0,343 + 1,145) đơn vị trên mỗi đơn vị nhu cầu cuối cùng, và đã tăng lên 1,822 (0,463 + 1,359) đơn vị trong giai đoạn 2016-2022, tăng mạnh khoảng 22%, cao hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 7%. Giai đoạn 2016-2022 so với giai đoạn 2010-2022 nhu cầu nhập khẩu trực tiếp tăng 35%, nhu cầu nhập khẩu gián tiếp tăng 19%.

Như vậy, có thể thấy việc quản lý cầu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất cần cân nhắc với rủi ro lạm phát, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước ngày càng tăng và cấu trúc kinh tế lệch lạc. Cách tốt nhất để lấy lại sự cân bằng cho nền kinh tế là giảm thiểu tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giảm thuế, phí và lạm thu các loại.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/moi-quan-he-keynes-leontief-trong-nen-kinh-te-viet-nam/