Mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ: 13 cuộc chiến ân oán

Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là một mối quan hệ 'đã trải qua nhiều thăng trầm'.

I. Vắn tắt về các cuộc chiến tranh Nga-Thổ

Kể từ nửa sau thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ thứ XX, Nga (quốc gia Moscow, sau đấy là Đế quốc Nga) và Đế chế Ottaman (sau là Thổ Nhĩ Kỳ) đã tiến hành 13 cuộc chiến tranh chống lại nhau.

Có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu: từ nửa cuối thế kỷ XVII đến năm 1774, các cuộc chiến tranh được thực hiện với mục đích chủ yếu là (Nga) giành quyền kiểm soát Vùng lãnh thổ trên bộ phía Bắc Biển Đen đồng thời Nga tìm cửa ra Biển Đen. Giai đoạn thứ hai (từ cuối thế kỷ XVIII) – Đế quốc Nga tìm cách mở rộng lãnh thổ sang khu vực Caucasus.

Những cuộc chiến tranh Nga-Thổ có ý nghĩa lớn đối với lịch sử thế giới và lịch sử của riêng Châu Âu bởi vì hai đế chế lớn nhất Châu Âu đánh nhau vì những lợi ích của mình và cùng với đó là sự can thiệp của các nước Châu Âu khác, đặc biệt là Pháp, Anh và Áo- Hung.

Lãnh thổ Đế chế Ottoman từ năm 1359 đến 1856

Các nước Caucasus hiện nay (Osetia, Georgia, Armenia, Azerbaijan – trước là thuộc Đế chế Ottaman – trên bản đồ) được sát nhập vào Đế quốc Nga trong thế kỷ XVIII)

Nga lấy được Crimea và vùng Kubăng (thủ phủ là Krasnodar –trên bản đồ) rộng lớn và màu mỡ hiện nay từ tay Đế quốc Ottoman trong cuộc chiến tranh 1774 đồng thời cũng đánh thông đường ra Biển Đen.

Do khuôn khổ một bài báo, chỉ xin trình bày rất vắn tắt về một số cuộc chiến tranh Nga - Thổ từ thế kỷ XVIII.

1. Chiến tranh 1710-1713 (dưới thời trị vì của Piot Đại đế). Không bên nào giành thắng lợi quyết định, nhưng có thể nói là Nga thua vì đã để mất thành phố Azov chiếm được trước đó của Thổ.

2. Chiến tranh 1735-1739 (dưới thời trị vì của Anna Ioanovna). Kết quả: Nga lấy lại Azov, nhưng không được quyền cho hạm đội của mình hoạt động trên Biển Đen.

3. Chiến tranh 1768-1774 (dưới thời trị vì của Nữ hoàng Ekacherina Đệ nhị). Kết quả: Nga giành thắng lợi lớn trong cuộc chiến tranh này. Nga chiếm được phần phía Nam Ukraine và Bắc Caucasus. Thổ Nhĩ Kỳ mất đồng minh Crimea, tuy Hầu quốc này chính thức không được sáp nhập vào Nga như Nam Ukraine và Bắc Caucasus nhưng được đặt dưới sự bảo hộ của Nga. Các tàu buôn của Nga có đặc quyền trên Biển Đen.

4. Chiến tranh 1787 – 1791 (cùng dưới quyền trị vì của Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị). Nga chiếm Ochalov (trên bờ Biển Đen, phía Tây Crimea), Crimea chính thức sáp nhập vào Nga, Nga chiếm vùng Kubăng, biên giới Nga – Thổ bị đẩy đến tận sông Nistru (bắt nguồn từ dãy Karpat chảy qua lãnh Thổ Ukraine và Moldova ra Biển Đen). Thổ buộc phải từ bỏ các đặc quyền của mình ở Gruzia.

5. Cuộc chiến tranh 1806-1812 (dưới thời Alexander Đệ nhất). Nga chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Theo Hiệp ước hòa bình ký giữa hai bên, Nga sát nhập Bessarabia (Moldova).

6. Chiến tranh 1828-1829 (dưới thời trị vì của Nikolai đệ nhất). Cuộc đối đầu này xảy ra trong cuộc chiến tranh Hy Lạp giành độc lập. Kết quả: Nga xác lập chủ quyền đối với phần lớn vùng bờ phía Đông Biển Đen (kể cả các thành phố Anapa (nay thuộc Nga), Sujuk-Kale (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), Sukhum (nay là Sukhumi thuộc Cộng hòa Abkhazia ly khai khỏi Gruzia). Đế chế Ottaman thừa nhận quyền bảo hộ của Nga đối với Gruzia và Armenia. Serbia hưởng quy chế tự trị, Hy Lạp trở thành quốc gia độc lập.

7. Cuộc chiến tranh Crimea 1853-1856 (dưới thời Nikolai Đệ nhất). Thời kỳ đầu, Nga thắng Thổ. Anh và Pháp ra tối hậu thư đòi Nga chấm dứt việc xâm chiếm lãnh thổ Ottoman. Nga Hoàng bác bỏ đòi hỏi trên nên Pháp và Anh tham gia cuộc chiến tranh chống Nga cùng với Đế chế Ottoman.

Sau đó Áo- Hung cũng tham gia Liên quân. Liên quân giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này. Kết quả Nga phải trả lại cho Thổ Nhĩ Kỳ tất cả các khu vực lãnh thổ chiếm được trong thời kỳ đầu chiến tranh, trao trả một phần đất Bessarabia cho Thổ Nhĩ Kỳ, mất quyền bố trí hạm đội trên Biển Đen. (Nga lấy lại quyền cho Hải quân của mình hoạt động trên Biển Đen sau khi Phổ đánh bại Pháp trong cuộc chiến tranh 1870-1871).

8. Chiến tranh 1877-1878 (dưới thời Alexander đệ nhị). Kết quả: Nga chiếm các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ như Kars (nay lại thuộc Thổ), Ardahan (nay lại thuộc Thổ) – xin nói rõ hơn ở phần sau và Batum (nay là Batumi – thuộc Gruzia), lấy lại khu vực lãnh thổ Bessarabia bị mất trong cuộc chiến tranh trước.

Đế chế Ottoman mất gần như gần hết các khu vưc lãnh thổ có người Thiên chúa giáo và người Slavian sinh sống ở Châu Âu. Serbia, Chernogoria, Bosnia, Romania và một phần Bulgaria giành độc lập từ Đế chế Ottoman.

II. Hiệp ước bất lợi cho Nga đầu thế kỷ XX

Ngày 16/3/1921, nước Nga Xô Viết mới thành lập và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Moscow. Đến ngày 22/9/1921, hai bên đã trao đổi công hàm phê chuẩn Hiệp ước nói trên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/moi-quan-he-nga-tho-nhi-ky-13-cuoc-chien-an-oan-3293847/