Mỗi quản lý ngành đường sắt thu nhập 44 triệu đồng/tháng

Tính ra mức thu nhập bình quân mỗi tháng của một quản lý Tổng công ty Đường sắt là 44,4 triệu đồng. Riêng lãnh đạo cao nhất của tổng công ty nhận 532 triệu đồng trong năm 2017.

Năm 2017, Tổng công ty Đường sắt đón khoảng 11 triệu hành khách, tăng 10% so với năm 2016.

Năm 2017, Tổng công ty Đường sắt đón khoảng 11 triệu hành khách, tăng 10% so với năm 2016.

Theo nội dung báo cáo quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng tạm tính của doanh nghiệp năm 2017 (VnEconomy dẫn lại mới đây), Tổng công ty Đường sắt trong năm qua đã chi 5,81 tỉ đồng để trả lương và 39 triệu đồng thù lao cho 11 vị trí quản lý doanh nghiệp.

Tính ra mức thu nhập bình quân mỗi tháng của một quản lý Tổng công ty Đường sắt là 44,4 triệu đồng. Riêng lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty này nhận về 532 triệu đồng trong năm 2017, tăng nhẹ so với năm 2016.

Tổng công ty Đường sắt đang có 7.624 lao động, đã giảm 501 lao động so với kế hoạch đề ra và giảm gần 300 lao động so với năm 2016. Năm qua, tổng công ty chi 742 tỉ đồng trả tiền lương cho cán bộ nhân viên. Trung bình, lương người lao động đạt 8,1 triệu đồng một tháng, tăng 4% so với năm 2016.

Năm 2017, Tổng công ty Đường sắt đã đón khoảng 11 triệu hành khách, tăng 10%; lợi nhuận đạt 154 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2016. Trong khi vào năm liền trước ngành đường sắt chứng kiến sự sụt giảm mạnh về cả số lượng khách và doanh thu.

So với năm 2015, sản lượng vận chuyển hành khách đường sắt năm 2016 đạt 9,8 triệu lượt, giảm 1,4 triệu. Khối lượng hàng hóa xếp dỡ giảm gần 22%, đạt hơn 5 triệu tấn. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.665 tỉ đồng, giảm 12%.

Nguyên nhân là lượng khách đi tàu giảm do sự cạnh tranh của hãng hàng không giá rẻ, các hãng ô tô chất lượng cao và đặc biệt là khi đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng đi vào khai thác.

Trong năm 2018, tổng công ty thực hiện thoái vốn theo chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải tại các công ty liên kết nhưng vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ vốn góp tại 25 công ty con có vốn góp trên 51% vốn điều lệ, bao gồm: 20 công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt, 2 công ty cổ phần xe lửa và Công ty cổ phần Đá Đồng Mô.

Cổ phần hóa cũng là vấn đề từng được Tổ công tác của Thủ tướng "nhắc nhở" Tổng công ty Đường sắt trong lần làm việc năm trước, do đã tiến hành khá sớm nhưng việc thoái vốn chưa đạt yêu cầu, mặc dù có thể do sự hấp dẫn do thị trường nhưng phải đẩy mạnh thực hiện.

Theo đó, ngành đường sắt hiện nay trong mắt hành khách đã trở nên kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng đến sự an toàn, thị phần cũng giảm dần qua các năm. Hạ tầng đường sắt được đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng đã lâu đời, các vấn đề về khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe còn ít được quan tâm. Việc đầu tư kho bốc xếp, cảng bốc xếp, kết nối đường sắt với ga hàng không, đường biển, các khu công nghiệp cũng ít được quan tâm...

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt tính toán để nâng sức cạnh tranh, bỏ tư tưởng bao cấp, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có thì cần kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài tham gia khai thác, triển khai nhất là về kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… nếu không thì không thể cạnh tranh.

Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho hay, để kéo hành khách quay lại, năm 2017 ngành đã đóng mới và đưa vào khai thác 6 đoàn tàu chất lượng cao; cải thiện loạt dịch vụ, chuyển hướng mục tiêu từ rút ngắn thời gian chạy tàu sang tăng năng lực thông quan; cải tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ tại tàu; tập trung khai thác các tuyến trung bình hiệu quả như Hà Nội - Vinh; Sài Gòn - Nha Trang…

A.Thư

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/moi-quan-ly-nganh-duong-sat-thu-nhap-44-trieu-dong-thang-86420.html