Mỗi sản phẩm OCOP phải trở thành 1 câu chuyện đầy thú vị

Quan tâm chăm sóc sản phẩm để đạt tiêu chí trở thành sản phẩm OCOP là sự nỗ lực của nhiều địa phương, song mỗi nơi cũng cần có kế hoạch để duy trì, bảo vệ và phát triển nâng cao giá trị sản phẩm.

Sau 5 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đã thu được những kết quả đáng kể, khi góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân, phù hợp với phòng trào xây dựng nông thôn mới cũng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tính đến tháng 8/2022 cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 0,2% sản phẩm 5 sao với 4.351 chủ thể OCOP. Chương trình đã có tác động lan tỏa hết sức rộng lớn và sâu sắc, được phát triển ở hầu hết các địa phương, vùng miền trong cả nước, giúp cho nhiều sản vật hàng hóa của nhiều vùng miền đã định hình được chỗ đứng trên thị trường nội địa và bắt đầu vươn ra xuất khẩu.

Cả nước phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Có điều đáng tiếc là mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận OCOP đối với 25 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được cấp Chứng nhận từ năm 2019. Nguyên nhân là do những chủ thể của các sản phẩm này không tham gia đánh giá lại theo quy định, hoặc có tham gia đánh giá lại nhưng không đáp ứng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý trong số những sản phẩm bị tỉnh Đồng Tháp thu hồi Giấy chứng nhận OCOP với tình huống chủ quan, như HTX Quýt hồng Lai Vung không tham gia đánh giá lại năm 2022 theo quy định. Cùng với đó, sản phẩm xoài cát chu Cao Lãnh của HTX Xoài Mỹ Xương dù có tham gia đánh giá lại nhưng lại không đáp ứng theo quy định. Ngoài ra, còn một số loại khô, nông sản sấy, nước ép, trà trái cây cũng bị thu hồi Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Sự việc kể trên sẽ là bài học cho những chủ thể của sản phẩm OCOP, nhưng qua đây cũng là lời cảnh báo để Chương trình khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Bởi thực tế những năm qua, phong trào phát triển sản phẩm OCOP dù phát triển nhanh nhưng thực sự vẫn chưa đi vào chiều sâu. Công tác đánh giá và đánh giá lại tiêu chí sản phẩm có lúc, có nơi còn lơ là thiếu được theo dõi quan tâm. Sản phẩm làm ra dù có lúc đúng thời vụ song muốn tiêu thụ nhanh vẫn còn gặp khó khăn. Giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm OCOP đem lại cho người nông dân còn thấp so với một số nước trong khu vực và thế giới.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, toàn quốc phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.

Bàn về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các chủ thể sản phẩm OCOP cần được sự hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, cũng như giảm bớt các chi phí trong hoạt động bao gồm chi phí sản xuất và gia nhập thị trường, vận chuyển dự trữ,… Bởi đa phần các đơn vị sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP đều là các hộ, các HTX, DN nhỏ nên bị hạn chế về tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm quýt Lai Vung không tham gia đánh giá lại năm 2022 theo quy định.

Đặc biệt, công tác liên doanh liên kết giữa các DN, địa phương phải ngày càng chặt chẽ hơn để phong trào ngày càng có chất lượng, luôn luôn đổi mới cả về tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên các thị trường trong và ngoài nước.

“Phát triển phong trào OCOP phải luôn đi đôi với giữ gìn bản sắc các vùng miền, địa phương. Công tác bảo vệ môi trường luôn phải coi trọng để phát triển một cách bền vững. Mỗi 1 sản phẩm OCOP phải trở thành 1 câu chuyện đầy thú vị với các khách hàng gần xa nhưng phải luôn được làm mới, bằng cách đưa khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tận dụng các ưu điểm của công nghệ thời đại 4.0 để nâng cao năng suất lao động trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ của từng sản phẩm”, ông Phú nói.

Ngoài ra ông Phú cũng lưu ý, các sản phẩm OCOP nói riêng và hàng hóa nói chung muốn phát triển bền vững điều tiên quyết là phải được bảo vệ, thông qua công tác kiểm soát thị trường chống buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn lậu thuế một cách thường xuyên, liên tục…

Có như vậy phong trào OCOP trong những năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thêm nhiều sản phẩm được chứng nhận, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn, từng bước phát triển kinh tế một cách vững chắc./.

Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng: Hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 - 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu. Hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 - 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao.

Sản phẩm OCOP hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 - 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 - 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao. Sản phẩm OCOP hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Quyết định 1048 cũng quy định rõ, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: Cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/moi-san-pham-ocop-phai-tro-thanh-1-cau-chuyen-day-thu-vi-post1003175.vov