Mỗi tác phẩm-một tấm lòng sắt son với Đảng

Tối 25-1, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ 3, năm 2018. Đây là giải báo chí mang tầm vóc lớn, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến dự và phát biểu tại lễ trao giải (toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đăng trên số báo hôm nay). Dự lễ trao giải còn có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí “Búa liềm vàng”; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương…

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ trao giải. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đối mặt với lĩnh vực khó

Nhóm tác giả Bích Ngọc, Thùy Trang, Hiếu Công (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) là nhóm tác giả trẻ tuổi nhất có tác phẩm xuất sắc dự Giải Búa liềm vàng năm 2018. Dù mới ở tuổi 20, nhưng họ dám lăn xả vào cuộc sống, dày công tìm tòi, phát hiện để làm nên bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân”. Bộ phim phản ánh tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên ngày càng tinh vi, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới của đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Phóng viên Bích Ngọc chia sẻ: “Việc chống tham nhũng là đúng theo kỷ luật Đảng, thuận lòng dân, không chỉ cần sự quyết tâm của những người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương mà còn cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân. Đảng ta đã làm cho nhân dân nhận thức được trách nhiệm quan trọng của mình trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”.

Ở tuổi 83, ông Nguyễn Bội Đông đã quyết tâm thực hiện ước mơ được đặt chân đến vùng đất Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ xa ngái, núi non mênh mông, trùng điệp thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để chứng kiến những đổi thay của người anh em các dân tộc Tày, Dao, Thái, Mông và cho ra đời tác phẩm “Người cầm cờ trên đỉnh núi”, (đăng trên báo Yên Bái). Bài đã đoạt giải tác giả cao tuổi nhất có tác phẩm xuất sắc của mùa Giải Búa liềm vàng năm nay.

Nhóm tác giả của Báo QĐND đoạt giải chụp ảnh cùng các lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên Giáo và Quân đội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Ông Nguyễn Bội Đông chia sẻ: “Bây giờ Phong Dụ Thượng vẫn thế, vẫn núi non mênh mông, vẫn mây trắng và sương mù suốt giữa thu đến cuối xuân nhưng khác là những con đường mới nối liền xã, liền thôn, những ngôi nhà sàn vững chãi, những rừng quế xanh thẫm thay lau lách thuở nào, nhiều gia đình đã trở nên giàu có nhờ phát triển chăn nuôi bò, gia cầm dưới tán rừng, cuộc sống người dân no đủ, văn minh hơn trước rất nhiều. “Tôi nghĩ rằng, những đổi thay ấy bắt nguồn từ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên ở đây. Đó là điều hiển nhiên như một chân lý: Nơi nào Đảng mạnh thì ở đấy dân giàu”.

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2018, Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ 3 tiếp tục được đổi mới, triển khai sâu rộng, với sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan báo chí, các nhà báo, những người viết báo không chuyên và sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của nhân dân đã làm nên 3 thành công của giải. Giải đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai rộng rãi, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan truyền thông báo chí, trong đó có lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho đội ngũ phóng viên, báo chí trong cả nước. Số lượng tác phẩm báo chí cao hơn nhiều so với mùa giải trước; các tác phẩm dự thi lần này rất phong phú về chủ đề, đa dạng về thể loại, chất lượng tác phẩm được nâng lên. Đã có hơn 1.800 tác phẩm qua vòng sơ loại ở cơ sở gửi về dự giải ở tất cả các loại hình báo chí. Thành phần tham dự rất đa dạng, từ các nhà báo chuyên nghiệp đến người viết báo không chuyên, từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác đến những người đã nghỉ hưu, từ những người đang sống và làm việc ở các vùng, miền trong cả nước đến những người đang định cư ở nước ngoài, từ người trẻ đang trưởng thành dưới 20 tuổi đến các cụ cao niên trên 83 tuổi.

Đại diện nhóm tác giả của Ban Kinh tế Trung ương có tác phẩm đăng trên Báo Quân đội nhân dân đoạt giải Khuyến khích. Ảnh: LONG THỦY

Chất lượng của giải tương đối đồng đều và có chiều sâu hơn so với các mùa giải trước, sinh động, hấp dẫn trong cách thể hiện; nội dung phản ánh dưới các góc độ khác nhau, hài hòa giữa "xây" và "chống"; vừa phản ánh khuyến khích mô hình mới, các làm hay, cổ vũ, tôn vinh các điển hình tiên tiến, vừa tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin giữa nhân dân đối với Đảng.

Với tinh thần làm việc khách quan, công tâm, nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm cao, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn ra 56 tác phẩm để trao giải, trong đó có 4 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 25 giải khuyến khích và 2 giải mới là giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả cao tuổi, giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi.

Báo Quân đội nhân dân, ngoài nhóm tác giả đoạt giải B với tác phẩm: “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”; nhóm tác giả Đức Long, Hữu Sự, Thanh Nga đoạt giải Khuyến khích với vệt bài: “Hành trình của Nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống nhanh nhất”. Nhiều tác giả có tác phẩm lọt vào chung khảo.

Đấu tranh quyết liệt với tiêu cực, tham nhũng, phản động

Trong hàng nghìn tác phẩm gửi về dự giải năm nay, phần lớn các tác phẩm có tính chiến đấu cao, mạnh dạn đấu tranh trực diện với tham nhũng, tiêu cực, phản động, góp phần làm cho công tác xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức để lãnh đạo xây dựng đất nước phát triển.

Bằng tư duy nhạy bén, sắc sảo, nhóm tác giả: Phạm Văn Huấn, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương (Báo Quân đội nhân dân) đã khảo sát, điều tra viết vệt 5 bài: “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”. Đây là vấn đề “nóng”, được Đảng ta rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Bằng sự sắc sảo, nhạy bén, nhóm tác giả của Báo Quân đội nhân dân đã đưa ra nhận định: “Chạy chức, chạy quyền” đang được ví như một căn bệnh nan y tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền của nước ta. Nhận diện và tìm giải pháp chữa trị căn bệnh này là một đòi hỏi cấp thiết.

Chương trình nghệ thuật tại lễ trao giải. Ảnh: TRỌNG HẢI

Từ những dẫn chứng như Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (tháng 4-2017), Phan Rí Cửa, Bình Thuận (tháng 6-2018), loạt phóng sự phát thanh 3 kỳ “Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra điểm nóng” của nhóm phóng viên Tuyết Mai, Huy Nam, Lại Hoa, Thanh Trường, Uông Huyền (Đài Tiếng nói Việt Nam), cho thấy, vai trò lãnh đạo cũng như mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng và chính quyền địa phương với người dân đang có những khoảng cách nhất định. Để hóa giải nguy cơ bùng phát điểm nóng, xóa bỏ những khoảng cách, nhóm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa ra những ví dụ từ thực tiễn sống động ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phú Xuyên (Hà Nội), từ đó rút ra bài học xử lý điểm nóng: “Lấy dân làm gốc, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chủ động đối thoại với dân, kịp thời khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm”.

Một vấn đề gần đây đang được dư luận quan tâm, đó là với nhiều âm mưu thủ đoạn, các thế lực thù địch tìm mọi cách để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Loạt bài hai kỳ “Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng trên phương tiện truyền thông xã hội” của tác giả Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) là một bài “bút chiến” đấu tranh trực diện với thủ đoạn mới đầy nham hiểm của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng (trong kỷ nguyên số, môi trường mạng đang ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ), trong đó có các phương tiện truyền thông xã hội, để chống phá ta, đặc biệt chúng nhằm vào vấn đề đang là tâm điểm đời sống chính trị hiện nay ở Việt Nam là công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta...

Ngay sau lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ 3, thay mặt Ban tổ chức giải, đồng chí Phạm Minh Chính đã công bố và phát động Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải "Búa liềm vàng”) lần thứ 4, năm 2019.

TRỊNH DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/moi-tac-pham-mot-tam-long-sat-son-voi-dang-565306