'Moi' tiền du khách

Ai từng đi du lịch theo tour cũng như du lịch trải nghiệm, nếu gặp phải những người phục vụ khéo 'moi' tiền du khách thì cảm thấy phiền hà, khó chịu.

Tôi còn nhớ dịp đi tham quan khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (Ninh Bình). Trước khi vào khu du lịch, tôi cùng bạn bè đã phải đóng lệ phí với mức giá 130.000/người. Theo hướng dẫn của nhân viên, chúng tôi xuống một con đò do một người phụ nữ đưa đi tham quan. Vừa mới chèo đò được một quãng, người lái đò bắt đầu hỏi chuyện rồi gợi ý: “Đò ở đây rất đông, mỗi ngày chỉ được đi một chuyến, tiền công do ban quản lý khu danh thắng trả cũng chẳng đáng là bao, chủ yếu vẫn nhờ vào tiền bồi dưỡng của du khách”. Rồi người lái đò kể về những vất vả trong nghề, những đợt vắng khách không có việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Hầu như trong suốt hành trình, chúng tôi không được nghe giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên mà chỉ nghe những lời than vãn cùng sự gợi ý tiền bồi dưỡng của người lái đò. Khi ấy, chúng tôi cảm thấy mình không còn là người được phục vụ mà trái lại như đang “mắc nợ” với người lái đò. Điều đó đã gây ra khó chịu không chỉ đối với tôi, mà với nhiều du khách đến thăm nơi đây.

Lần khác, tôi có dịp đến thăm khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Mới tới cổng chùa đã có một hướng dẫn viên đứng ở đó ra bắt chuyện làm quen với đoàn khách chúng tôi. Mặc dù không hẹn trước, nhưng nam nhân viên trên vẫn cứ nhiệt tình đi theo đoàn và tự giới thiệu về cảnh quan chùa Thầy. Vừa đi anh ta vừa nói: “Các em đến chùa anh sẽ giới thiệu đi các địa điểm, bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy. Khi nào xuống hang nhớ thuê đèn pin cho anh nhé”. Lần đầu tới nơi đây nên chúng tôi đành nghe theo sự hướng dẫn của anh ta. Đi đến đâu, đặt lễ gì, xoa tay vào nhũ đá nào đều do anh hướng dẫn cả. Đến một nơi, anh ta lại đề nghị mọi người mua nến để thắp cầu may, đặt tiền, mua tặng phẩm để xin lộc. Và cuối cùng, nam nhân viên ấy nói khéo: “Hành trình thăm quan chùa Thầy đã kết thúc ở đây, các em bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy”. Mặc dù chẳng vui vẻ gì nhưng chúng tôi cũng đành “bấm bụng” gửi tiền bồi dưỡng cho anh ta.

Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại có tác động không tốt đến tâm lý, tình cảm của du khách. Quảng bá du lịch để thu hút du khách đã khó, để du khách hài lòng trở lại tham quan lại càng khó hơn. Một khi không thấy thoải mái, du khách không bao giờ trở lại. Bài học nhãn tiền ở nhiều điểm du lịch đã cho thấy điều đó. Do vậy, để các điểm du lịch ngày càng hấp dẫn thì các nhân viên hướng dẫn, phục vụ phải trở thành một “đại sứ du lịch” thân thiện, văn minh, mang lại tình cảm, niềm tin và sự hài lòng cho du khách.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/moi-tien-du-khach-547554