Môi trường kinh doanh tụt hạng: Bước đi chưa đủ nhanh

Cần tăng tốc cải cách nhanh và mạnh hơn nữa mới có thể theo kịp các quốc gia trong cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức.

Đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh từ năm 2014 trở lại đây, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, tuy đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, song vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu đặt ra.

Cụ thể, số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ thấp hơn so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành; chất lượng cắt giảm chưa đảm bảo đúng yêu cầu.

Số hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 1/2 Danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Kết quả cải cách đạt được không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa các bộ ngành và địa phương. Đặc biệt, mới chỉ có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo ông Cung, mục tiêu quan trọng hàng đầu là rút ngắn khoảng cách so với các nước về tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia hầu như chưa đạt.

Kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã phản ánh thực tế này, khi nhiều chỉ số quan trọng đều tụt hạng, khiến thứ hạng chung của Việt Nam thấp hơn 1 bậc so với Bảng xếp hạng 2018 (xuống vị trí 69/190).

“Chúng ta đang tiến hành cải cách, nhưng bước đi của các nước xung quanh vẫn nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta vẫn bị tụt bậc, thậm chí có chỉ số còn giảm mạnh. Điều này cho thấy, dư địa và áp lực cải cách ngày càng tăng lên. Nếu không tăng tốc thì khó lòng thu hẹp khoảng cách, nhất là khi các quốc gia khác đang tiến nhanh, mạnh hơn nhiều so với trước đây”, ông Cung cho biết.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, dù các chỉ số đã có sự cải thiện, song sau quá trình 5 năm cải cách, hầu hết vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4 như mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, đang xuất hiện xu thế đảo chiều trong cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh của các nước trong khu vực ASEAN, khi các nước đi sau đang nỗ lực đẩy nhanh cải cách và đã đạt những bước tiến vượt bậc, thậm chí là nhanh hơn so với các nước ASEAN 4.

Nhận xét về câu chuyện tụt hạng của chỉ số thuế năm nay, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế cho rằng, bên cạnh các yếu tố khách quan do WB chưa cập nhật kịp thời các tiến bộ cải cách của Việt Nam, phải thẳng thắn thừa nhận là lĩnh vực thuế còn nhiều quy định chồng chéo, trong khi chính sách thuế thay đổi quá thường xuyên, quá nhiều, đến mức “ngay cả những người có chuyên môn cũng khó tra cứu và nắm bắt thông tin”.

Theo ông Cư, để cải thiện công tác thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, ngành thuế cần tập trung hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban, Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chính sách và Luật Quản lý thuế, thực hiện thuế dựa trên rủi ro.

Bên cạnh đó, sẽ xem xét sửa đổi chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; đồng thời, mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho các đối tượng khác; triển khai thực hiện dịch vụ hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực.

Trong bối cảnh này, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, mặc dù kết quả đạt được năm nay là đáng ghi nhận, nhưng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh.

Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, làm cách nào để thời gian thực hiện thủ tục này là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, thay vì 5 ngày như hiện nay.

Trong dài hạn, theo bà Minh, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh.

“Việc liên thông điện tử này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường mà còn là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp”, bà Minh lý giải.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/moi-truong-kinh-doanh-tut-hang-buoc-di-chua-du-nhanh-247768.html