Môi trường làm việc an toàn - nền tảng cho phát triển bền vững

Với đặc thù người lao động (NLĐ) của ngành điện thường xuyên phải tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, độc hại, như: Tiếp xúc với điện, độ cao… nên nếu xảy ra tai nạn thường để lại hậu quả rất lớn. Do vậy, những năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) luôn coi công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là yếu tố tiên quyết trong quá trình lao động, sản xuất.

Giám sát an toàn bằng công nghệ số

Với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cung cấp điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, EVNNPC hiện đang quản lý một khối lượng lớn tài sản, gồm: 350 trạm biến áp 110kV, hơn 8.500km đường dây 110kV, hàng trăm nghìn đường dây trung và hạ thế; gần 47.162 trạm biến áp phân phối, cùng địa hình kinh doanh phức tạp bao gồm cả miền núi, đồng bằng, trung du và hải đảo, thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan của thời tiết, với nhiều hình thái thiên tai. Hiện nay, EVNNPC có khoảng 22.000/28.000 cán bộ, kỹ sư phải làm việc trong môi trường, điều kiện đòi hỏi nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trung bình mỗi ngày, tổng công ty có khoảng 3.500 phiên làm việc trên lưới điện, tương ứng với 26.000 lượt người làm việc trên lưới điện/tuần. Với số lượng công việc, con người làm việc hằng ngày lớn, việc ứng dụng công nghệ trong giám sát an toàn lao động được xem là một bước đột phá. Ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban An toàn của EVNNPC cho biết: "Năm 2018, EVNNPC đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành phần mềm quản lý ATVSLĐ, với 382 trung tâm giám sát từ cấp điện lực đến công ty, tổng công ty. Qua ứng dụng này, không cần xuống trực tiếp hiện trường, tất cả các cấp đều có thể giám sát đồng thời các nhóm công nhân đang thao tác trên lưới ở mọi địa điểm. Từ đó, kịp thời phát hiện các sai sót, điều chỉnh ngay, góp phần bảo đảm an toàn lao động. 2018 cũng là năm thành công của EVNNPC, khi toàn tổng công ty không xảy ra bất kỳ vụ tai nạn lao động nào do nguyên nhân chủ quan. Đây là lần đầu tiên EVNNPC đạt được thành tích này”.

 Công nhân điện lực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn thực hiện nghiêm quy định về an toàn lao động khi thực hiện nhiệm vụ.

Công nhân điện lực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn thực hiện nghiêm quy định về an toàn lao động khi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, xác định nâng cao nhận thức, ý thức cho NLĐ trong thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ là đặc biệt quan trọng, nên công tác này được đơn vị thường xuyên tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân viên. Đồng thời, EVNNPC phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về việc sử dụng điện an toàn, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp để ngăn chặn sự cố điện, sự cố cháy nổ; triển khai cấp phát sổ tay cẩm nang an toàn điện, sổ tay phòng cháy, chữa cháy điện gia đình cho khách hàng sử dụng điện… Qua đó, phòng ngừa, hạn chế cao nhất các sự cố, tai nạn lao động tại đơn vị và hiện trường sản xuất.

"Hãy nghĩ về an toàn trước khi bắt đầu công việc"

Nhấn mạnh ATVSLĐ luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong toàn tổng công ty, Phó tổng giám đốc Thường trực EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh khẳng định: "Chăm lo tốt đến đời sống NLĐ, bảo đảm ATVSLĐ là yêu cầu thiết thực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cán bộ, công nhân viên tổng công ty luôn xác định "Hãy nghĩ về an toàn trước khi bắt đầu công việc" và "Nói không với tai nạn lao động” để không có những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra”.

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Thơ: Những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm chăm lo sức khỏe, an toàn, tính mạng của NLĐ, vì sự phát triển bền vững của DN. Nhiều chính sách, việc làm vì mục tiêu đó đã được triển khai. Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các nguy cơ mất an toàn; chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu... Hướng tới giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến mức thấp nhất, chủ DN, những NLĐ tham gia trong xã hội đều phải tuân thủ các quy định về ATVSLĐ. Trong đó, các đơn vị sử dụng lao động cần phải ý thức được rằng, ATVSLĐ là nền tảng để DN phát triển bền vững, bởi khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với NLĐ, người sử dụng lao động sẽ phải chịu chi phí đền bù, thay đổi nhân sự, giảm năng suất và tổn hại về uy tín. “Việc đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị, máy móc, phương tiện bảo hộ lao động; tăng cường công tác huấn luyện kỹ năng cho NLĐ về nhận diện mối nguy và biện pháp phòng ngừa trong sản xuất là khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững của DN chứ không phải là gánh nặng chi phí”, ông Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.

Thông tin từ EVNNPC cũng cho biết, năm 2019, EVNNPC quyết tâm giữ vững thành tích bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động. Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng văn hóa an toàn trong lao động sản xuất, với trọng tâm là huấn luyện kỹ năng cho NLĐ nhận diện những nguy cơ mất an toàn lao động và biện pháp phòng tránh...

Bài và ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/moi-truong-lam-viec-an-toan-nen-tang-cho-phat-trien-ben-vung-581864