Môi trường Tây Nam Bộ lâm nguy: Truy tội... "quy trình''

"Cần nhìn lại trong việc chọn lựa các dự án đầu tư và thắt chặc công tác quản lý môi trường đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp".

TS Lê Phát Quới, Chuyên gia Khoa học đất, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định với Đất Việt.

Phải cẩn thận trong bài toán đầu tư các dự án

PV:- Những lùm xùm về nguy cơ Nhà máy Giấy Lee & Man ở huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang gây ô nhiễm môi trường chưa có lời giải thỏa đáng thì một chuyên gia mới đây đã cảnh báo về những mối nguy khác như cụm các nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, khu công nghiệp chế biến, cơ khí dọc sông từ An Giang ra đến cửa Định An và Tranh Đề, một dự án sân golf ở Cồn Ấu nằm giữa sông Hậu tại Cần Thơ.

Là một nhà khoa học nghiên cứu về vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), theo ông những dự án trên sẽ có tác động và ảnh hưởng ra sao đến nguồn nước, môi trường cũng như hệ sinh thái của vùng ĐBSCL? Xin ông phân tích cụ thể?

TS Lê Phát Quới: - Tất cả những dự án trên đều ẩn chứa những mối nguy hại cho nguồn nước, môi trường cũng như hệ sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất Tây Nam Bộ. Như các dự án sân golf sẽ sử dụng một lượng lớn nước dùng để tưới cỏ, chi phối nguồn nước ngầm, khiến cạn kiệt.

Thêm nữa, ở sân golf, để bảo đảm cho sân cỏ phát triển tốt thì nhà đầu tư sẻ phải sử dụng các loại thuốc sát trùng và chắc chắn một lượng dư thừa của độc chất sẽ thấm vào đất và lan truyền vào nguồn nước ngầm cũng như có thể thấm ra nước sông Hậu hòa lẫn với các chất ô nhiễm khác.

Hậu quả có thể đưa đến những nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mặt nước và các loài thủy sản.

Cùng với đó, từ hoạt động của các dự án nhiệt điện sẽ thải ra khí thải chứa nhiều độc chất, đặc biệt là bụi than đá sẽ gây ra những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Việc đốt cháy than đá sẽ sinh ra một lượng khí CO2 và các loại khí khác (SO2 , NO2 , CO, THC) góp phần đáng kể vào việc tạo hiệu ứng nhà kính gây hiện tượng biến đổi khí hậu.

Đối với nhà máy giấy, trong quá trình vận hành sẽ thải ra một lượng nước thải có chứa độc chất có nguy cơ gây ra sự ô nhiễm khá lớn.

Nước thải từ quá trình vận hành xử lý bột giấy có chứa sud (NaOH) hoặc dịch trắng oxy hóa như hydrogen peroxide (H2O2), chlorine dioxide , và kim loại và các hóa chất trong quá trình vệ sinh nồi hơi bằng Acid clorhidric. Ngoài ra việc chế tạo giấy chứa rất nhiều độc chất do giấy phế liệu rất đa dạng về chất liệu, thể loại.

Sông Hậu sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các dự án nhà máy

Trong quá trình xử lý giấy tái chế, thường chỉ có khoảng 80% khối lượng là giấy thu hồi được, còn lại 20% là khối lượng tạp chất có chứa hóa chất và có thể gây nguy hại nếu không được xử lý triệt để.

PV:- Như đã biết, chưa có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng ĐBSCL. Cũng như trường hợp Nhà máy giấy Lee & Man, các dự án nói trên chưa hề có một báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) nào liên quan đến phát triển công nghiệp, còn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì rất sơ sài ở khâu pháp lý và tham vấn cộng đồng. Thực trạng trên đặt ra vấn đề gì cho việc phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Ông có thấy khó hiểu không khi hàng loạt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lại được dễ dãi về vấn đề môi trường như vậy?

TS Lê Phát Quới:- Việc phát triển công nghiệp là một trong những hoạt động rất quan trọng và cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt chiến lược phát triển như vậy thì cần phải tiến hành

Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho vùng ĐBSCL, qua đó, chúng ta mới có kế hoạch chung cho việc phát triển đồng bộ các ngành và vừa bảo vệ tài nguyên, môi trường chung, nhất là sự lựa chọn các dự án đầu tư để sản xuất bền vững.

Nếu không có ĐMC thì có thể đưa đến việc đầu tư phát triển chưa đồng bộ và gây tác động ảnh hưởng đến môi trường, các ngành nghề khác không chỉ xảy ra tại một địa phương mà còn ảnh hưởng đến các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

Thí dụ, hoạt động của nhà máy giấy nằm cạnh sông Hậu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và nguồn nước sinh hoạt ở các tỉnh lân cận.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/moi-truong-tay-nam-bo-lam-nguy-truy-toi-quy-trinh-3313336/