Mỗi tuần góp 1 cốc trà sữa: Ngày ngày chạm vuốt mơ làm lớn

Chỉ một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet và tài khoản thẻ ngân hàng có số dư 50.000 đồng, người dùng có thể đầu tư vào các quỹ mở nhờ các sản phẩm công nghệ tài chính hay còn gọi là Fintech.

Bỏ cốc trà sữa, trở thành nhà đầu tư

Thay vì tuần nào cũng mua một cốc trà sữa, chị Trần Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bỏ số tiền vào chiếc “giỏ” mới để sinh lời. Chị khá bất ngờ khi chỉ với 50.000 đồng, chị có thể tiếp cận tới các quỹ tài chính bằng vài thao tác đơn giản như đăng ký, nạp tiền vào tài khoản, chọn “khẩu vị” và bấm nút. Số tiền sẽ được chuyển tới các quỹ để đặt lệnh đầu tư thông qua sản phẩm công nghệ tài chính. Bằng các phân tích kỹ thuật dựa trên thông tin khách hàng, ứng dụng sẽ tự đề xuất các danh mục quỹ phù hợp với người dùng.

“Tôi cũng khá lo lắng bởi đây là loại hình đầu tư mới ở Việt Nam. Qua tìm hiểu, tôi thấy trên thế giới có nhiều mô hình tương tự nên quyết liều một phen. 50.000 đồng tiêu chẳng mấy mà hết nên có cơ hội đầu tư thì tội gì không thử”, chị Hạnh kể.

Anh Hùng đã đầu tư hơn 7 triệu đồng trong vòng 40 ngày qua Fintech

Anh Hùng đã đầu tư hơn 7 triệu đồng trong vòng 40 ngày qua Fintech

Theo chị, ưu điểm của hình thức đầu tư qua Fintech là tính minh bạch. Người dùng có thể theo dõi và quản lý các khoản đầu tư ngay trên ứng dụng và rút tiền bất cứ lúc nào. Trên thế giới, mô hình này đã xuất hiện và phát triển từ lâu, điển hình như Acorns ở Australia, Stash ở Mỹ.

Anh Phạm Tiến Hùng (Điện Biên), cho hay, anh đã đầu tư vào Finhay được 40 ngày. Đây là Fintech đầu tiên tại Việt Nam, có vai trò trung gian, kết nối giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ với các quỹ tài chính. Ban đầu, anh Hùng chỉ dám đầu tư 50.000 đồng nhưng sau khi dùng thấy sản phẩm thú vị, anh đã dốc số tiền tiết kiệm 5 triệu đồng. Đều như vắt chanh, mỗi tuần anh trích ra 500.000 đồng để nạp vào tài khoản.

“Đây là một ứng dụng khá hay, phù hợp với người có thu nhập thấp như tôi. Thay vì uống 1 cốc café hay sinh tố, chỉ cần 50.000 đồng tôi có thể đầu tư. Nhưng phí rút tiền hiện nay khá cao, muốn được miễn phí thì phải dùng trên 18 tháng. Ban đầu tôi cảm thấy hơi bất cập, nhưng nhìn theo hướng tích cực, điều này sẽ tạo được thói quen tốt để tiết kiệm lâu dài” - anh Hùng tâm sự.

Sau 6 tháng trải nghiệm, anh Nhật Đăng, giáo viên dạy tiếng Trung ở TP.HCM đã đầu tư qua Fintech khoảng 2.000 USD. Tuy số lãi không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng anh vẫn rất quyết tâm. Bởi anh cho rằng, đầu tư là phải có rủi ro, đích đến là mục tiêu lâu dài chứ không phải ăn xổi trong thời gian ngắn.

“Tôi thấy điểm cộng lớn nhất dành cho ứng dụng là toàn bộ thao tác đều thực hiện trên điện thoại nên tiện lợi, dễ sử dụng, giảm thiểu các thủ tục phức tạp. Đặc biệt, ứng dụng này còn giúp tôi còn sở hữu được vài hạng mục hấp dẫn như rổ chỉ số VN30 mà trước đó mua lẻ rất khó”, anh Đăng nói.

Lợi thế của Fintech chính là tính minh bạch, ổn định.

Cuộc chơi minh bạch và lâu dài

Ông Trần Nhật Nam, chuyên gia tài chính cá nhân nhận định, thị trường công nghệ tài chính ở Việt Nam hiện vô cùng sôi động khi bắt nhịp được trào lưu 4.0 và sự thay đổi công nghệ toàn cầu. Một số mô hình về cổng thanh toán điện tử, ví điện tử đang phát triển mạnh như Moca, Momo, Onepay,...

Trong tương lai, hướng phát triển của nhiều Fintech là tiến tới sử dụng robot tư vấn (robo advisor). Đây là một dạng về công nghệ tài chính giúp cho nhà đầu tư lập kế hoạch tài chính và gợi ý đầu tư danh mục, sản phẩm thông qua các thuật toán tự động.

“Đây là cách tiếp cận mới và khá hay khi đánh trúng nhu cầu của đông đảo người trẻ, người đi làm có thu nhập trung bình muốn tìm một kênh đầu tư ổn định với số vốn nhỏ. Chỉ tiếc rằng Finhay vẫn chưa áp dụng được nhiều thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo), thuật toán phân bổ danh mục đầu tư tự động như các mô hình trên thế giới”, ông Nam chia sẻ.

Ngoài ra, lợi thế của Fintech chính là tính minh bạch, ổn định. Các phân tích kỹ thuật có thể đánh giá được “khẩu vị” của từng cá nhân để đưa ra đề xuất cấu trúc và phân bổ đến các quỹ tài chính. Qua đó, người dùng có thể theo dõi và quản lý các khoản đầu tư.

Ông Nghiêm Xuân Huy, CEO Finhay, cho rằng, việc quản lý tài chính của người trẻ ở Việt Nam chưa thực sự tốt. Nhiều người còn chưa nhìn nhận đúng đắn, hiểu rõ bản chất và nắm vững kiến thức kinh tế sơ lược.

Ông Nghiêm Xuân Huy.

Lý do ông đưa ra mức đầu tư chỉ từ 50.000 đồng là muốn truyền tải một thông điệp đến nhà đầu tư: trước khi đạt được những điều lớn lao thì phải bắt đầu từ việc nhỏ. Quản lý tốt tài sản cá nhân mới đến phạm vi gia đình và sau đó mới có thể vươn tới quy mô rộng lớn.

Ông Huy quan điểm: “Hình thành thói quen tiết kiệm, biết cách đầu tư thông minh và không để tiền nhàn rỗi mới là mục tiêu cao nhất mà tôi hướng đến”.

“Tôi luôn khuyến khích khách hàng thử vì phải thử mới hiểu khẩu vị của bản thân để từ đó tìm ra chiến lược đúng đắn. Thường với vốn 50.000-200.000 đồng, mọi người thử rất nhiều, cứ đầu tư rồi rút ra, rồi lại đầu tư lại. Nhưng khi đã hiểu rõ thì họ ở lại rất lâu và chơi lớn”, ông cho hay.

Ông Huy tâm sự, lúc mới đầu, khách hàng có khi nhầm lẫn, đánh đồng với các loại hình lừa đảo. Muốn khách hàng hiểu đúng, hiểu rõ cuộc chơi thường sẽ ngốn khoảng 1-2 năm. Thế nên, cách duy nhất để vượt qua khủng hoàng là phải minh bạch ngay từ đầu, từ công khai hướng đi dòng tiền, quỹ tài chính, hệ thống dữ liệu để người dùng an tâm.

Dự báo về tiềm năng phát triển, ông Trần Nhật Nam cho rằng các Fintech sẽ thay thế và bổ sung dần cho ngành tư vấn, đầu tư tài chính truyền thống trong tương lai. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình, bởi một lượng lớn tiền của nhà đầu tư sẽ chuyển sang các kênh tự động.

Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, các Fintech chưa thể thay thế hoàn toàn các mô hình đầu tư cũ bởi các lựa chọn đầu tư còn hạn chế và chưa được kết nối tự động. Nhưng đây sẽ là tiếng chuông báo động để nhiều ứng viên trong ngành thay đổi và nâng cấp nội lực trước làn sóng công nghệ.

Hoàng Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/lan-song-fintech-va-cau-chuyen-tro-thanh-nha-dau-tu-voi-50-000-dong-523396.html