Moldova và Paraguay ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2

Bệnh nhân là một công dân Paraguay, 32 tuổi, hiện ở trong tình trạng sức khỏe tốt và nhà chức trách đang giám sát những người từng tiếp xúc với bệnh nhân.

Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Asuncion, Paraguay, ngày 7/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Asuncion, Paraguay, ngày 7/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/3, Bộ Y tế Paraguay đã xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên tại nước này.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni cho biết bệnh nhân là một công dân Paraguay, 32 tuổi.

Người này đã từ Ecuador về Asuncion vào ngày 3/3 vừa qua. Bệnh nhân ở trong tình trạng sức khỏe tốt và nhà chức trách đang giám sát những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Nhà chức trách cũng đang theo dõi 70 người khác vừa trở về từ nước ngoài.

Bộ Y tế Moldova tối 7/3 thông báo nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo thông báo của Bộ Y tế Moldova, nữ bệnh nhân 48 tuổi đã nhập viện hôm 7/3 sau khi tới từ Italy. Thông báo nêu rõ: "Người này đã được đưa vào bệnh viện từ sân bay... với tình trạng viêm cả hai bên phổi, suy hô hấp cấp, sốt, ho, suy yếu về tổng thể."

Tại Mỹ, Lầu Năm Góc thông báo một lính thủy đánh bộ vừa trở về thủ đô Washington từ nước ngoài đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Binh sỹ này hiện đang được điều trị tại bệnh viện Cộng đồng Fort Belvoir. Nếu như được xác nhận, đây sẽ là trường hợp binh sỹ Mỹ thứ ba nhiễm virus. Hai trường hợp trước đó là binh sỹ Mỹ tại Italy và Hàn Quốc.

Trong khi đó, Italy đã thông qua sắc lệnh phong tỏa phần lớn miền Bắc nước này, trong đó có thủ đô tài chính Milan và thành phố du lịch Venice để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Trên mạng xã hộ Twitter, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte xác nhận đã ký thông qua sắc lệnh hạn chế đi lại tại nhiều vùng rộng lớn của miền Bắc.

Theo sắc lệnh mới, toàn bộ các hộp đêm, phòng tập thể thao, bể bơi, khu trượt tuyết hay bảo tàng đều sẽ bị đóng cửa. Nhà chức trách khuyến cáo người dân tại các vùng cách ly nên tránh ra đường. Các quán bar và nhà hàng sẽ vẫn mở cửa nhưng cần đảm bảo rằng mọi người ngồi cách nhau ít nhất 1m. Việc ra vào vùng cách ly sẽ được phép khi có lý do thật cần thiết.

Toàn bộ các trường học tại Lombardy và khu vực trên sẽ bị đóng cửa ít nhất cho đến ngày 3/4 tới. Những người vi phạm các lệnh hạn chế này sẽ bị phạt tiền và phạt tù tới ba tháng.

Trước đó, Italy đã cách ly 11 làng với tổng dân số là 50.000 người ở vùng Lombardy và những khu vực xung quanh thành phố Venice. Chính phủ cũng đã thông báo đóng cửa toàn bộ các trường học cho đến ngày 15/3.

Italy đang là tâm dịch tại châu Âu với 5.883 trường hợp nhiễm bệnh và 233 ca tử vong. Mặc dù dịch bệnh vẫn chưa lan ra toàn bộ 22 vùng của Italy, song ca tử vong đầu tiên tại nước này lại ở khu vực miền Nam vốn trang bị y tế kém hơn những nơi khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/3 đã hối thúc Italy tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Tối cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Slovenia Ales Sabeder tuyên bố cấm mọi sự kiện tổ chức trong nhà với sự tham dự trên 500 người.

Cho đến nay, Slovenia đã xác nhận 12 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và tiến hành kiểm tra 800 người. Đa số những người nhiễm bệnh đã từng đi qua quốc gia láng giềng Italy. Tuy nhiên, không ai trong số các ca nhiễm này trong tình trạng nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Slovenia khuyến cáo toàn bộ người dân cân nhắc lại kế hoạch và hoãn những chuyến đi không cần thiết.

Người di cư được kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại cảng Messina, Sicily, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/3 cho biết việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong bối cảnh trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 100.000 trường hợp bị nhiễm dịch bệnh này.

Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng do COVID-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt như huy động toàn xã hội tìm kiếm những người bị ốm và đưa họ đi chữa trị, theo dõi các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số bệnh nhân gia tăng.

Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc ứng phó với dịch bệnh hay tìm ra những phương pháp điều trị.

Để đối phó với COVID-19, WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, tính đến 10h, giờ Trung Âu (CET) (16h, giờ Việt Nam) ngày 7/3 trên thế giới đã có 101.927 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3.486 trường hợp tử vong do dịch bệnh này./.

Đặng Ánh-Văn Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/moldova-va-paraguay-ghi-nhan-ca-dau-tien-nhiem-sarscov2/627247.vnp