Môn Âm nhạc trong Chương trình GDPT mới

ThS Lê Anh Tuấn - Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc - chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp các nhà trường, địa phương triển khai hiệu quả chương trình môn Âm nhạc trong Chương trình GDPT mới.

Trong giờ Âm nhạc tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội)

Trong giờ Âm nhạc tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội)

Giúp HS hứng thú học môn Âm nhạc

- Để đạt được mục tiêu Chương trình môn Âm nhạc, cần chú ý lựa chọn hoạt động học tập nào, thưa ông?

- Ở tiểu học, Chương trình môn Âm nhạc tập trung phát triển cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc. Do đó, cần lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở thích và nhận thức của HS: Nghe nhạc, vận động, chơi các trò chơi, kể chuyện...; thiết kế các hoạt động trải nghiệm và khám phá âm nhạc tích hợp trong các nội dung học tập.

Ở THCS, Chương trình môn Âm nhạc tập trung phát triển các kĩ năng âm nhạc cơ bản. Do đó, lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với hứng thú và nhận thức của HS: Nghe nhạc, vận động, đánh giá, phân tích, ứng dụng, sáng tạo...; thường xuyên củng cố và vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học; tiếp tục vận dụng phương pháp dạy học lí thuyết âm nhạc như ở cấp tiểu học.

Ở THPT, Chương trình môn Âm nhạc tập trung nâng cao năng lực âm nhạc, đặc biệt là thể hiện âm nhạc; lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở trường, phong cách cá nhân, phát triển năng lực tự học; tạo thói quen luyện tập âm nhạc hằng ngày, hình thành định hướng thẩm mĩ và định hướng nghề nghiệp.

- Làm thế nào để HS hứng thú học tập âm nhạc?

- Để HS hứng thú học tập âm nhạc, cần có nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết nội dung học tập hay, thiết thực và hấp dẫn. HS được trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động. Phương tiện học tập phong phú, HS được học bằng đa giác quan.

Cần phát huy được năng khiếu âm nhạc của từng HS, qua đó thực hiện dạy học phân hóa và nâng cao chất lượng giáo dục của cả tập thể. Khuyến khích những HS có năng khiếu âm nhạc làm hạt nhân để khơi dậy tiềm năng, hứng thú và sự tự tin ở những em khác. Đặc biệt, cần hướng dẫn HS biết ứng dụng năng lực âm nhạc vào thực tiễn.

Lưu ý những nhạc cụ mới

- Ông có thể cho biết tiêu chí lựa chọn, đưa những nhạc cụ mới vào Chương trình môn Âm nhạc là như thế nào?

- Bên cạnh những loại nhạc cụ HS đang được sử dụng như trống nhỏ, thanh phách, song loan... Chương trình môn Âm nhạc mới còn lựa chọn dạy học những nhạc cụ mới, như: Kèn phím, recorder, ukulele, harmonica...

Tiêu chí lựa chọn những nhạc cụ này là: Âm thanh chuẩn xác, dễ chơi giai điệu và hòa âm; Phù hợp với độ tuổi HS phổ thông, phù hợp cho việc dạy học ở những lớp có nhiều HS; Dễ sử dụng, dễ bảo quản, độ bền cao; Được phổ biến trong trường học của các nước có nền GD tiên tiến; Hình thức nhỏ gọn, giá cả phù hợp.

- Liệu các trường, giáo viên và HS có đủ điều kiện để thực hiện nội dung học nhạc cụ không, thưa ông?

- Từ lớp 1 - 3, điều kiện để dạy và học nhạc cụ là khá thuận lợi. HS được học nhạc cụ về tiết tấu, các em có thể chơi 1 trong 4 loại nhạc cụ sau đây: Loại thứ nhất là động tác tay, chân, tất cả HS đều có thể chơi nhịp điệu, thông qua cách giậm chân, vỗ tay, búng ngón tay... Loại thứ hai là những nhạc cụ gõ đang sử dụng trong chương trình hiện hành: Trống nhỏ, thanh phách, song loan... Những nhạc cụ này do nhà trường trang bị, có thể dùng chung cho nhiều HS; Loại thứ ba là một vài nhạc cụ gõ nước ngoài: Tambourine, triangle, xylophone...; Loại thứ tư là nhạc cụ tự làm; các em có thể tự làm một vài nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có (vỏ chai nhựa, cốc nhựa, mảnh gỗ...).

Từ lớp 4 trở lên, HS được học những nhạc cụ về giai điệu và hòa âm, ngoài những nhạc cụ phổ biến ở địa phương, như: Đàn môi, khèn, đàn tính, đàn t’rưng, cồng chiêng..., các em cần có một trong những nhạc cụ sau: Sáo trúc, kèn phím, kèn harmonica, sáo recorder, đàn ukulele... Nếu điều kiện dạy và học nhạc cụ của nhà trường còn hạn chế, gia đình cần hỗ trợ trang bị cho các em.

ThS Lê Anh Tuấn – Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc

Để thực hiện hiệu quả

- Để thực hiện Chương trình môn Âm nhạc mới, theo ông trường phổ thông phải làm gì?

- Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình và SGK môn Âm nhạc mới, trường phổ thông phải có những đổi mới nhất định. Đó là, Ban giám hiệu của cơ sở GD phải nắm vững đặc điểm môn học, mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình; yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung, năng lực đặc thù; nội dung, phương pháp GD, đánh giá kết quả học tập và điều kiện thực hiện Chương trình môn Âm nhạc; quyền hạn và trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng chương trình nhà trường. Đồng thời, nhà trường và các cấp quản lí địa phương cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học âm nhạc nói chung và yêu cầu của các nội dung mới như nhạc cụ, nghe nhạc... đặc biệt là yêu cầu dạy học môn Âm nhạc ở cấp THPT.

Cùng với Ban Giám hiệu, giáo viên âm nhạc cần nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng các tiêu chí về năng lực giáo viên nghệ thuật đặc thù đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT. Tham gia các chương trình tập huấn do Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT và các nhà xuất bản xuất SGK tổ chức để tiếp cận và nâng cao về kiến thức, kĩ năng, và phương pháp dạy học theo Chương trình và SGK mới, nhất là thực hiện dạy học tích hợp, dạy học các nội dung mới.

Giáo viên âm nhạc cũng phải tự học các nhạc cụ phổ biến như kèn phím, recorder, ukulele, harmonica..., phát huy sở trường ở một số nhạc cụ truyền thống và có tính địa phương; nắm bắt và luyện tập thuần thục các kĩ thuật dạy học mới như đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay, chơi tiết tấu bằng động tác tay, chân, đọc nhạc theo hệ Đô di động, vận động âm nhạc, dạy học cảm thụ âm nhạc, ứng dụng trò chơi âm nhạc... để bảo đảm có thể thực hiện các nội dung dạy học mới. Đồng thời, dành thời gian thích đáng tham gia các hoạt động câu lạc bộ giáo viên âm nhạc, sinh hoạt tổ chuyên môn để cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm giải quyết các vướng mắc về chuyên môn, hỗ trợ nhau phát triển.

- Các trường THPT hiện nay chưa có giáo viên âm nhạc, vậy triển khai thực hiện chương trình như thế nào?

- Ở trường THPT, Âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả HS học. Do đó, không nhất thiết tất cả các trường phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc. Các trường có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở trường THCS có đủ trình độ và năng lực tham gia giảng dạy một số nội dung phù hợp.

Các Sở GD&ĐT nên chọn một số trường THPT để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng ra toàn địa phương.

- Nhà trường và địa phương có quyền tự chủ như thế nào trong việc thực hiện kế hoạch dạy học môn Âm nhạc theo Chương trình mới?

- Đồng thời với việc bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, Chương trình GDPT mới cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung GD và triển khai thực hiện kế hoạch GD phù hợp với đối tượng GD, điều kiện của địa phương và các cơ sở GD. Tỉ lệ nội dung GD dành cho địa phương và nhà trường so với tổng thời lượng GD của các môn học và hoạt động GD ở cấp tiểu học là 19%, ở cấp THCS là 28% và ở cấp THPT là 28%.

Trong Chương trình môn Âm nhạc, mỗi học kì đều có nội dung tự chọn để các địa phương thiết kế các mạch kiến thức, kĩ năng phù hợp với đặc điểm văn hóa, nghệ thuật, truyền thống bản sắc vùng miền. Ví dụ, nội dung dạy học nhạc cụ được thiết kế theo hướng mở nhằm trao quyền cho giáo viên và HS trong việc lựa chọn nhạc cụ phổ biến, đặc trưng cho cộng đồng dân tộc và văn hóa vùng miền, cũng như phù hợp với năng lực của giáo viên để dạy học trên lớp. Như vậy, vừa bảo đảm việc dạy học nhạc cụ theo chương trình vừa phát huy được bản sắc văn hóa âm nhạc địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/mon-am-nhac-trong-chuong-trinh-gdpt-moi-3982434-b.html