Món ăn, bài thuốc từ đậu xanh và những lưu ý khi dùng

Đậu xanh là một thực phẩm bổ mát, có tác dụng giải nhiệt độc, phòng say nắng nóng, rất tốt sử dụng trong mùa hè...

1. Giá trị dinh dưỡng của đậu xanh

Đậu xanh còn gọi là lục đậu. Tên khoa học Phaseolus ayreus Roxb., Vigna aurea Roxb. Thuộc họ Đậu Fabaceae (Papillionaceae).

Vỏ hạt đậu xanh còn gọi là lục đậu bì, hay lục đậu y, lục đậu xác... thu được bằng cách xay đậu, ngâm nước và gạn lấy vỏ phơi hay sấy khô.

Hạt đậu xanh có trung bình 13,7% nước, 23% protid, 2,4% lipid và 52% glucid, 4,6% cellulose.

Mỗi 100g đậu xanh cung cấp cho cơ thể 329 calo, 62,7mg canxi, 369,5mg photpho, 4,7mg% sắt, 0,06mg% caroten, 0,71mg% vitamin B1, 0,15mg% vitamin B2, 2,4mg% vitamin PP, 4mg% vitamin C.

Trong nhân dân, ngoài công dụng thực phẩm, đậu xanh toàn hạt và vỏ hạt còn được dùng làm thuốc.

Đậu xanh giải nhiệt độc.

Đậu xanh giải nhiệt độc.

2. Công dụng và liều dùng

Đậu xanh được ghi làm thuốc trong sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh và "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân.

Theo Lý Thời Trân, vỏ hạt đậu xanh vị ngọt, tính nhiệt không độc, có tác dụng giải nhiệt độc, làm cho mắt khỏi mờ.

Toàn hạt đậu xanh vị ngọt, tính hàn không độc, có tác dụng tiêu tích nhiệt, giải bách độc (các chất độc). Dùng nấu ăn để tiêu thũng phù, hạ khí, giải nhiệt độc, giải các chất độc của thuốc và kim loại.

Ngày dùng 20 đến 40g dưới dạng nấu chín nhừ để ăn.

Sữa đậu xanh tốt cho người bị ngộ độc thuốc...

3. Một số món ăn bài thuốc có đậu xanh

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số món ăn bài thuốc có đậu xanh như sau:

- Cháo đậu xanh hải đới:Đậu xanh xay 30g, hải đới (tảo biển) 50g, gạo nếp 50g, đường vừa đủ. Hải đới ngâm mềm; gạo và đậu vo sạch nấu cháo, cháo chín cho hải đới vào nấu tiếp khoảng 5 phút, thêm đường khuấy đều.

Tác dụng: Dùng tốt cho người bệnh viêm da cấp tính, sẩn ngứa, mề đay.

- Cháo đậu xanh: Đậu xanh 50g, gạo tẻ 80g, cả hai vo sạch nấu cháo, để nguội, ăn ngày 2-3 lần.

Tác dụng: Dùng tốt cho người bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc phụ tử, ba đậu, các thuốc nông nghiệp, thảo dược, người bệnh mạch vành, say nắng say nóng, sốt nóng khát nước, mụn nhọt lở ngứa, người đái tháo đường.

- Cháo vừng đậu xanh:Đậu xanh 50g, vừng hạt 30g, trần bì 8g. Đậu xanh xay vỡ, vừng và trần bì tán bột, cùng nấu cháo bột.

Tác dụng: Món này rất tốt cho người viêm đường tiết niệu, tiểu đục, dắt buốt.

- Canh đậu:Đậu xanh 50-100g. Xay vỡ nhưng để nguyên cả vỏ, thêm nước nấu nhừ, thêm ít đường phèn.

Công dụng: Tác dụng giải thử (chữa say nắng, say nóng).

- Nước bột đậu xanh: Đậu xanh 200g cho nước nấu chín nhừ, lọc qua vải xô lấy nước uống sáng và tối, mỗi lần 1 chén.

Công dụng: Dùng tốt cho người đái tháo đường.

- Nước bột đậu xanh sữa đậu nành:Đậu xanh 100g, sữa đậu nành 200-300ml. Đậu xanh tán bột, trộn đều sữa đậu nành, uống.

Công dụng: Dùng tốt cho người bị ngộ độc thuốc, chất khoáng, kim loại arsenic, rượu...

- Nước sắc đậu xanh cam thảo:Đậu xanh 120g, sinh cam thảo 60g, nấu lấy nước uống.

Công dụng: Giải độc ô đầu phụ tử.

Ngoài ra, nó còn tác dụng hạ men gan cho bệnh nhân viêm gan virus, giải nhiệt thể thấp nhiệt hạ trú ở bàng quang và hạ tiêu.

Bên cạnh đó, vỏ đậu xanh còn có tác dụng chống viêm nên được dùng trong điều trị mụn trứng cá và làm đẹp da.

Kiêng kỵ: Người hư hàn tiết tả không dùng đậu xanh. Bên cạnh đó, đậu xanh có tính giải độc nên đang dùng thuốc Đông y không nên dùng đậu xanh.

Đau bụng nhiều năm, thanh niên tá hỏa khi biết bị thủng ruột.

Hải Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mon-an-bai-thuoc-tu-dau-xanh-va-nhung-luu-y-khi-dung-169230512154832945.htm