Món ăn cắt đứt vận xui, đón năm mới may mắn ở Nhật

Từ món ăn giản dị như bánh dày mochi hay mỳ soba đêm giao thừa, đến món quý tộc cao sang như Osechi Ryori, đều là một phần không thể thiếu khi đón chào năm mới ở Nhật.

Từ món ăn giản dị như bánh dày mochi hay mỳ soba đêm giao thừa, đến món quý tộc cao sang như Osechi Ryori, đều là một phần thể thiếu khi đón chào năm mới ở Nhật

Trong các nước châu Á có sử dụng lịch Âm và đón Tết Nguyên Đán, Nhật Bản là nước duy nhất chuyển sang đón năm mới theo lịch Dương (giống các nước phương Tây). Dù là sử dụng lịch Dương nhưng những nét văn hóa truyền thống những ngày đầu năm mới của Nhật không có gì thay đổi, và vẫn tạo cảm giác vô cùng thân thuộc với các nước đón Tết Âm lịch khác.

Tổng dọn dẹp ngày cuối năm, trang trí nhà cửa, đoàn tụ với gia đình, đón giao thừa, đi chùa ngày mùng 1,... là những hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết ở đất nước Mặt Trời mọc. Đặc biệt, giống như bánh chưng của Việt Nam hay mâm cỗ phúc lợi của người Hàn Quốc, những món trong ngày Tết ở Nhật vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống và ẩn chứa biết bao ý nghĩa sâu xa.

Hãy cùng khám phá những món ăn truyền thống và ý nghĩa của từng món ăn đó.

1. Toshikoshi soba (mỳ soba đón giao thừa)

Nếu hỏi người Nhật muốn ăn gì trong ngày Tết, có lẽ không ít người sẽ trả lời ngay, đó chính là “toshikoshi soba (mỳ soba đón giao thừa). Tại sao lại là mỳ soba mà không phải là một món cao lương mỹ vị đặc sắc nào khác?

Sợi mỳ soba rất dễ bị đứt khi ăn, không dai như udon hoặc ramen, điều đó có nghĩa là “chia tay năm cũ”, “cắt đứt xui xẻo”. Ảnh: Shutterstock.

Có nhiều cách giải thích khác nhau về truyền thống ăn mỳ soba đêm giao thừa, nhưng tựu chung lại, ý nghĩa của nó là “đem lại may mắn”. Mỳ soba được làm từ kiều mạch, sợi mỳ mỏng và dài nên tượng trưng cho sự “trường thọ”. Ngoài ra, sợi mỳ soba rất dễ bị đứt khi ăn, không dai như udon hoặc ramen, điều đó có nghĩa là “chia tay năm cũ”, “cắt đứt xui xẻo”.

Thực ra, truyền thống ăn mỳ soba đúng đêm giao thừa có từ rất lâu rồi, từ thời Kamakura (1185-1333), khi có một ngôi chùa phát mỳ soba cho người nghèo nhân dịp đầu năm mới, nó dần trở thành truyền thống trên khắp nước Nhật và truyền thống đó còn lưu giữ đến ngày nay.

Tục lệ “ăn mỳ soba đêm giao” có thể bắt đầu bằng cách hơi khác, nhưng từ đặc trưng của mỳ soba rồi liên tưởng đến “sự trường thọ” hay “cắt đứt xui xẻo” thật hợp lý phải không nào!

2. Bánh dày mochi và Lễ hội mochitsuki

Ngoài ra, thêm một món ăn dân dã trong dịp đầu năm mới, đó là ăn bánh dày mochi, và rất nhiều địa phương ở Nhật còn giữ tục lệ giã bánh dày như một sự kiện đặc biệt ngày đầu năm (tiếng Nhật gọi là mochitsuki). Bánh mochi được làm từ bột gạo nếp, nên có hương vị gần giống với bánh dày (hay một số nơi là bánh nếp) của Việt Nam.

Người Nhật quan niệm, ăn bánh mochi đầu năm với ý nghĩa hi vọng cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mọi sự suôn sẻ, thành công, sức khỏe dồi dào, bởi chữ "mochi" trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là "hi vọng".

"Mochi" trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là "hi vọng". Ảnh: All about Japan.

Lễ hội mochitsuki cũng chính là sự kiện giúp gắn kết mọi người, ở đó từ người lớn đến trẻ em đều được trải nghiệm công đoạn giã bánh trên chiếc cối đá và một chiếc chày bằng gỗ rất lớn. Nguời nước ngoài ở Nhật cũng có thể trải nghiệm sự kiện này ở gần nơi họ sinh sống.

3.Ozoni (canh mochi)

Nếu mochi có hương vị, cách chế biến gần giống với món bánh dày của Việt Nam thì ozoni là món canh thực sự độc đáo và có phần mới mẻ với người Việt dù nguyên liệu chính của món ăn này vẫn là mochi.

Ozoni - món soup truyền thống, ăn trong ngày Tết của Nhật. Ảnh: justonecookbook.com.

Đây là món soup truyền thống, ăn trong ngày Tết của Nhật, nguyên liệu của nó bao gồm mochi và các loại rau củ tươi như cà rốt, củ cải, hành,... và sử dụng nuớc dùng vị miso hoặc shoyu.

Mặc dù chưa có một tài liệu nào đề cập đến sự bắt nguồn của món ăn này nhưng ozoni này cũng có lịch sử lâu đời, tương truyền đã có từ thời Muromachi (1336-1573). Ban đầu, nó là món ăn trong gia đình võ sĩ Samurai nhưng dần dần trở nên phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội và trở thành món ăn truyền thống trong ngày Tết. Bởi tương tự bánh dày mochi, súp ozoni cũng có ý nghĩa là đem lại may mắn và cầu chúc tốt lành đến người thưởng thức món ăn.

Đặc biệt, dù có tên là ozoni nhưng cách chế biến và hương vị của từng vùng lại rất khác nhau nên có thể nói đây là một trong những món ăn có nhiều biến thể nhất, nhiều đến nỗi bản thân người Nhật khi ăn ozoni của vùng khác phải thốt lên "Mình có thực sự đang ăn ozoni không?".

4. Osechi Ryori

Và nhắc đến món ăn trong ngày Tết Nhật không thể không nói đến Osechi Ryori. Khác với các món cực kỳ dân dã đã kể trên, Osechi Ryori được coi là đại diện cho các món ăn dành cho giới quý tộc cao sang.

Những bữa yến tiệc đón năm mới như thế bắt đầu từ thời kì Nara (710-794) và phải đến tận thời Edo (1603-1868), khi ngày nghỉ lễ đầu năm mới bắt đầu được công nhận cho tất cả mọi người, Osechi Ryori mới dần phổ biến hơn trong mọi tầng lớp.

Thậm chí nhiều người Nhật cũng hiểu rõ nguồn gốc ra đời hay ý nghĩa của từng món trong Osechi Ryori. Ảnh: Byfood.

Osechi Ryori thời nay đã có ít nhiều thay đổi và phong phú hơn về chủng loại, nhưng về cơ bản quy tắc về về các món ăn, cách bày biện, cách kết hợp màu sắc hài hòa giữa các món ăn gần như không thay đổi.

Đầu tiên là về hộp đựng đồ ăn. Osechi Ryori được đựng trong hộp sơn mài nhiều tầng, hoa văn rất tinh tế, được gọi là jubako. Mỗi tầng thức ăn lại có nguyên tắc riêng như sau.

Tầng trên cùng được gọi là Ichi no ju, bao gồm các món nhắm để chúc mừng và đồ nhắm với rượu (tiếng Nhật là kuchitori). Đồ nhắm để chúc mùng bao gồm trứng cá trích (kazunoko) - biểu tượng cho mong ước “con đàn cháu đống” và đậu đen (kuromame) với nguyện vọng sống và làm việc khỏe mạnh trong năm tới.

Còn kuchitori có các món đại diện như chả cá hai màu (kamaboko), và hạt dẻ nghiền. Chả cá hai màu có ý nghĩa riêng, màu đỏ tượng trưng cho bùa hộ mệnh, màu trắng tượng trưng cho sự linh thiêng, còn hạt dẻ nghiền để cầu chúc may mắn về “tiền bạc”.

Tầng thứ hai trong Osechi gọi là Ni no ju, bao gồm các “món nướng” với phần lớn là hải sản, để cầu chúc may mắn từ biển cả như tôm biển hay cá tráp đỏ (Tai), và “món chua” được ngâm với dấm. Đặc biệt, cá tráp đỏ tiếng Nhật phát âm là “Tai”, trong từ “omedetai”, nghĩa là “Chúc mừng” hay “điềm lành”, nên món ăn này được coi là đem lại may mắn.

Tầng thứ ba là San no Ju, bao gồm các món hầm, chủ yếu là các món ngon từ vùng núi như thịt gà hầm (chikuzenni). Nguyên liệu chính của món này bao gồm thịt gà, cà rốt, khoai sọ,... được hầm cùng với nước tương. Tất cả nguyên liệu được hầm trong một nồi tượng trưng cho mong ước gia đình hòa thuận, gắn bó.

Mỗi món ăn đều có ý nghĩa riêng, rất tinh tế và sâu sắc như thế, nên nếu tìm hiểu một chút, bạn sẽ có thể giải thích cho cả người Nhật, bởi không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc ra đời hay ý nghĩa của từng món trong Osechi Ryori!

5. Nanakusa-gayu (cháo thất thảo)

Nanakusa-gayu, hay còn gọi là “cháo thất thảo” cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết Nhật, chính xác hơn là vào ngày 7/1, sau chuỗi ngày nghỉ Tết dài.

Ngày 7/1 được gọi là “Ngày thất thảo” và nó bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ đại, khi chia 7 ngày đầu năm mới theo tên gọi các con vật khác nhau, cụ thể như sau: mùng 1/1 là ngày Dậu (con gà), mùng 2/1 là ngày Tuất (con chó), mùng 3/1 là ngày Hợi (con lợn), mùng 4/1 là ngày Mùi (con dê), mùng 5/1 là ngày Sửu (con trâu), mùng 6/1 là ngày Ngọ (con ngựa), và mùng 7/1 là ngày Nhân (tức ngày con người). Văn hóa nấu cháo cùng bảy loại rau non vào “ngày Nhân” bắt đầu từ hơn 1000 năm trước, từ thời Heian với ý nghĩa cầu mong một năm “sức khỏe dồi dào”, không có bệnh tật.

Nanakusa-gayu được nấu từ gạo cùng bảy loại rau củ tươi vào mùa xuân. Ảnh: yukiskitchen.

Nanakusa-gayu được nấu từ gạo cùng bảy loại rau củ tươi vào mùa xuân. Đây là một món ăn rất tốt cho sức khỏe, giúp bạn làm dịu nhẹ cơ thể sau chuỗi ngày đầu năm mới “mâm cao cỗ đầy” với toàn những món ăn chứa quá nhiều đạm, hay những bữa tiệc liên quan đầu năm phải uống nhiều đồ uống có cồn.

Bảy loại rau củ tươi bao gồm: củ cải trắng, seri (rau cần nước), nazuna (một loại rau cải có hoa, gogyou (rau khúc tẻ), hakobera (một loại tinh thảo), Hotokenoza (một loại cải cúc), suzuna (củ cải tròn). Bảy loại rau này sẽ được bán theo set ở siêu thị và người Nhật thường ăn vào sáng ngày 7/1 nên món này sẽ được chế biến nấu từ tối 6/1.

Ngôi chùa tuyệt tác với con rồng khổng lồ quấn quanh Chùa Wat Samphran ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan, được xem là một tuyệt tác nghệ thuật thu hút du khách, nổi bật nhất là hình ảnh con rồng khổng lồ quấn quanh 17 tầng của ngôi chùa.

Vân Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-an-cat-dut-van-xui-don-nam-moi-may-man-o-nhat-post1459011.html