Món ăn dân dã miền biển thắt chặt tình bạn bè

Tôi không phải dân miền biển. Vì thế, ngày nhỏ tôi rất hiếm khi được ăn các món từ hải sản. Thế nhưng, về thăm nhà người bạn của chồng tôi mỗi dịp đi nghỉ mát ở Thanh Hóa, tôi lại nhớ những món ăn dân dã vốn mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Khác với nhiều gia đình, mỗi khi hè đến phải tính lên tính xuống chuyện đi nghỉ mát ở đâu, giá cả thế nào thì gia đình tôi chẳng phải nghĩ ngợi nhiều. Nếu không chọn được một nơi mà được cả nhà đồng thuận thì tôi lại đề xuất về xã Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa - một vùng quê biển còn nghèo khó nhưng nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và tĩnh tại, rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Không hiểu sao khi nhắc đến một nơi vốn không phải là sở thích của lũ trẻ ưa hoạt náo và chạy nhảy, nhưng tôi vừa lên tiếng, cả nhà đã gật đầu đồng ý.

Moi xào kẹp khế ăn rất tốn cơm

Có lẽ, do bãi biển trải dài, cát vàng óng lại mịn nên bọn trẻ nhà tôi được dịp chơi đá bóng thoải mái mà không bị ai làm phiền. Cũng vì bãi không đông nên chúng tôi cũng để chúng thoải mái làm những gì chúng thích mà không quản thúc chặt như ở nơi đông người khác.

Còn tôi thì khỏi phải nói, tôi thích nơi này không chỉ được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng, mà còn vì một món đặc sản vô cùng dân dã mà có lẽ ít ai nghĩ tới, đó là các món được chế biến từ moi (hay còn gọi là ruốc).

Chồng tôi và người bạn quen nhau từ thời đại học. Cùng nhóm còn có vài người khác. Khi ra trường, mỗi người mỗi nơi, rất hiếm khi có điều kiện gặp nhau. Từ cách nay dăm bảy năm, vô tình chồng tôi gặp lại người bạn, bạn rủ về nhân chuyến du lịch biển, gia đình tôi “bén duyên” với vùng quê này từ đó. Có những năm sắp xếp được, không chỉ riêng gia đình tôi mà gia đình của mấy người bạn trong nhóm cũng tụ tập đông đủ.

Thông thường, chúng tôi đi vào dịp cuối tuần. Những ngày đầu, vì là miền quê biển nên chúng tôi được chiêu đãi ê hề các đặc sản của biển. Nào cua, ghẹ, mực, bề bề… món nào cũng ngon. Dù các loại hải sản ở đây không to như bày bán ở chợ nhưng được cái vừa được mang từ tàu thuyền đánh cá về nên tươi rói, ăn rất thơm và ngọt thịt, khác hẳn với những gì chúng tôi được thưởng thức ở thành phố.

Ngoài chấm với thịt luộc, mắm moi có thể chưng với hành mỡ, ăn với cơm nóng hay chưng cùng thịt lợn băm nhỏ

Thế nhưng, dù đồ hải sản ngon đến mấy thì đến bữa thứ ba, thứ tư chúng tôi đã bắt đầu uể oải. Nắm được tâm lý của chúng tôi, anh bạn chồng tôi bắt đầu chế biến cho chúng tôi một mâm cơm với món ăn hoàn toàn từ moi. Lúc đầu, tôi chẳng hề mặn mà vì quê tôi vùng đồng chiêm trũng, tôm tép chẳng thiếu gì, dó còn là món ăn quen thuộc suốt tuổi thơ tôi. Thế nhưng, khi mâm cơm dọn ra thì quả thực, ai cũng phải ngạc nhiên.

Mâm cơm chỉ có 3 món mà vô cùng tốn cơm. Anh bạn chồng tôi kể, thông thường moi chỉ xuất hiện vào cuối thu, đầu đông. Vì thế, vào mùa moi, gia đình bạn chồng tôi bao giờ cũng làm mắm moi để trữ, ăn quanh năm. Còn món moi tươi xào ăn với khế hay canh moi cà chua thì anh bạn chồng tôi phải tìm cách lùng bằng được để thết đãi bạn.

Moi có hình dạng giống tôm nhưng nhỏ và mỏng hơn. Vì thế, trước khi chế biến, để không bị nát, anh bạn chồng tôi thường cho moi vào rá, xả một chậu nước đầy rồi lắc tròn. Cứ làm vậy đến khi nước trong thì vớt ra, để ráo nước. Sau đó, anh bạn chồng tôi phi thơm hành khô, đổ moi vào, nêm gia vị. Đến khi moi chuyển sang màu trắng đục thì cho hành lá vào, đảo đều, múc vào đĩa để ăn cùng khế chua. Vị ngòn ngọt của moi xen lẫn vị chua của khế cho thực khách một hương vị mới lạ, khó quên và đặc biệt là ăn đến no mà không cảm giác bị ngấy.

Món thứ hai là canh moi. Để làm món này, anh bạn tôi xào một ít moi tươi cùng khế và cà chua, sau đó đổ nước vừa đủ theo lượng người ăn, nêm gia vị. Khi nồi canh sôi thì cho chút hành lá thái nhỏ là được tô canh ngọt thanh, mát lành, mang lại cảm giác nhẹ nhõm.

Món cuối cùng là mắm moi ăn với thịt ba chỉ luộc khiến ai cũng tấm tắc khen ngon. Mắm moi được gia đình anh bạn chồng tôi làm rất cẩn thận, kỹ càng. Cùng với việc chọn moi tươi, chất lượng thì chiếc bình dùng để làm mắm cũng phải là bình đất nung. Thông thường, cứ 1 cân moi “ăn” 2 lạng muối và 2 lạng thính. Moi được rải xuống đáy bình, sau đó rắc muối và thính lên trên. Lấy tay trộn nhẹ cho moi khỏi bị nát. Dùng vải màn bịt lên miệng để tránh ruồi muỗi và không khí có thể vào và thoát ra, giúp mắm moi ngon hơn. Sau công đoạn này, mang bình mắm moi ra phơi nắng vài tháng là có thể dùng được.

Mâm cơm toàn đặc sản moi có thêm đĩa rau muống biển luộc xanh mướt, giòn tan thật tuyệt. Trở về từ chuyến đi, tôi cũng mang theo lọ mắm moi để chiêu đãi người thân. Nhưng có lẽ, sự tươi ngon và trên hết là niềm vui sum họp, tình cảm bạn bè khiến bữa cơm vô cùng dân dã ấy chiếm trọn tâm hồn ăn uống của gia đình tôi.

Cẩm Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/mon-an-dan-da-mien-bien-that-chat-tinh-ban-be-post52758.html