Môn Địa Lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chia sẻ những điểm mới về nội dung chương trình môn Địa lý, GS.TS, Chủ biên Lê Thông đồng thời đưa ra những lưu ý để đổi mới phương pháp giáo dục đối với môn Địa lí trong Chương trình mới.

Công nghệ thông tin có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học Địa lý

Công nghệ thông tin có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học Địa lý

Những điểm mới về nội dung cốt lõi

Theo GS.TS Lê Thông, một trong những điểm mới trong nội dung cốt lõi của Chương trình môn Địa lí là bảo đảm tính cơ bản, cập nhật, thực tiễn, khả thi. Một mặt, hệ thống kiến thức bảo đảm tinh gọn, cơ bản; mặt khác, cập nhật được các tri thức khoa học, hiện đại của Địa lí học, các vấn đề về phát triển của môi trường và KT-XH trên thế giới, từng khu vực cũng như ở Việt Nam và địa phương. Các nội dung, yêu cầu cần đưa vào chương trình có tính đến sự phù hợp của đội ngũ giáo viên địa lí và môi trường dạy học hiện nay ở trường phổ thông trong định hướng phát triển.

Cùng với đó, coi trọng thực hành, xem thực hành là một nội dung quan trọng của môn Địa lí và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh. Tăng cường phần thực hành trong chương trình cả về thời lượng (chiếm 50% thời gian thực học của chương trình) lẫn các hình thức; đa dạng hóa các loại hình bài thực hành, nhằm trực tiếp phát triển các năng lực đặc thù của địa lí. Chương trình có sự kế thừa hệ thống kiến thức, kĩ năng của các chương trình trước, đặc biệt của chương trình ban hành năm 2006; bảo đảm liên thông giữa hai giai đoạn (cơ bản và hướng nghiệp).

Chương trình đề cao việc tích hợp và coi trọng tất cả các mức độ và loại hình tích hợp khác nhau. Tích hợp kiến thức giữa địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, xã hội và địa lí kinh tế; lồng ghép/ liên hệ các nội dung liên quan vào nội dung địa lí; vận dụng kiến thức các môn học khác trong việc làm sáng rõ các kiến thức địa lí; hội tụ kiến thức nhiều môn học khác để xây dựng thành các chủ đề có tính tích hợp cao...

GS Lê Thông lưu ý, trong dạy học Địa lí, việc tích hợp đúng mức và hợp lí góp phần khai thác những thế mạnh của Địa lí học, không làm tổn hại đến GD địa lí, mà ngược lại, làm cho các nội dung dạy học địa lí trở nên sinh động hơn, thiết thực hơn, hấp dẫn hơn đối với HS. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng việc này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên, để biến những nội dung được tích hợp này trở thành bộ phận hữu cơ của bài học, không khiên cưỡng, không hình thức.

“Ở mỗi lớp có các chuyên đề cụ thể nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là một điểm mới của Chương trình môn Địa lý” – GS Lê Thông cho hay.

Chia sẻ về cách thiết kế nội dung GD với các mạch kiến thức cốt lõi của môn Địa lí, GS Lê Thông cho biết: Sau khi đề cập một số vấn đề chung (môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp cho HS, sử dụng bản đồ) là các mạch kiến thức cốt lõi về Địa lí đại cương (Địa lí tự nhiên, Địa lí KT-XH) cho lớp 10; Địa lí KT-XH thế giới cho lớp 11 và Địa lí Việt Nam cho lớp 12.

“Theo thiết kế của chương trình tổng thể, ngoài các môn học, hoạt động GD bắt buộc và tự chọn, mỗi HS ở mỗi lớp phải chọn một trong số các chuyên đề học tập với thời lượng 35 tiết/cụm chuyên đề. Việc mỗi HS chọn học một chuyên đề nhằm tăng cường tính phân hóa cũng như tính mở của chương trình ở THPT. Chính vì lí do đó, cũng như các môn học khác, môn Địa lí đã thiết kế các chuyên đề học tập ở lớp 10, 11 và lớp 12” – GS Lê Thông cho biết thêm.

Trao đổi nhóm trong ôn tập Địa lý THPT

Lưu ý đổi mới phương pháp giáo dục

Để đổi mới phương pháp GD đối với môn Địa lí, GS Lê Thông lưu ý, cần chú ý đa dạng hóa phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Mỗi nội dung dạy học có thể được tiếp cận thích hợp bởi một hoặc nhiều phương pháp dạy học khác nhau. Nội dung môn Địa lí có tính tổng hợp cao, thích hợp cho sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nên trong dạy học Địa lí cần sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học.

Dạy học theo định hướng năng lực đề cao các hoạt động học tập của HS, nên cần tăng cường tối đa các phương pháp dạy học đề cao chủ thể HS như: Thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án, viết báo cáo,... Tùy vào nội dung, điều kiện học tập cụ thể và đối tượng HS để sử dụng thích hợp và sáng tạo kỹ thuật trong các phương pháp dạy học này, lôi cuốn tối đa việc tham gia chủ động, tích cực của HS vào quá trình dạy học.

Các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, hỏi đáp... cần được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực và hứng thú học tập của HS. Ví dụ: Giảng giải nêu vấn đề, hỏi đáp nêu vấn đề; truyền đạt kết hợp với bản đồ, hình ảnh trực quan, video clips... Tuy nhiên, cần giảm đến mức tối đa các phương pháp dạy học nặng về thuyết trình một chiều, ít (hoặc không có) sự tham gia hoạt động của HS.

Mục đích bao trùm của đánh giá kết quả GD ở môn Địa lí là nhằm vào sự tiến bộ trong học tập địa lí, sự phát triển của HS. Việc đánh giá kết quả học tập của các em trong môn Địa lí cần phải đảm bảo các nguyên tắc: Toàn diện, khách quan, chính xác, phân hóa; kết hợp đánh giá trong suốt cả quá trình học tập (đánh giá quá trình) và đánh giá vào cuối kỳ, cuối năm học (đánh giá tổng kết); kết hợp đánh giá của giáo viên đối với HS và việc HS đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá; đánh giá định lượng và định tính; đánh giá lí thuyết và thực hành; đánh giá trong hoạt động trên lớp và ngoài lớp, ngoài thực địa... Chương trình sử dụng nhiều hình thức và công cụ đánh giá khác nhau như hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, kiểm tra miệng và kiểm tra viết, bài lí thuyết và bài thực hành...; các phương pháp quan sát, đánh giá sản phẩm học tập của HS...

GS Lê Thông

Các hình thức dạy học trong môn Địa lí rất đa dạng, như: Dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp; dạy học trên lớp, dạy học ngoài trời, dạy học trong thực tế, thực địa; tham quan, khảo sát địa phương, seminar; sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày, giới thiệu, triển lãm; thực hành, trò chơi, thí nghiệm địa lí, tự học... Mỗi hình thức thích hợp với một hoặc một số phương pháp dạy học, đồng thời có thế mạnh và hạn chế riêng nên cần được kết hợp với nhau trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên, phù hợp với dạy học phát triển năng lực cần tăng cường tối đa các hình thức tổ chức dạy học đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của HS. Trong nhiều trường hợp, giáo viên cần gợi ý, hướng dẫn HS tìm các ý tưởng tổ chức học tập, yêu cầu các em phát triển thành các hoạt động nhận thức cụ thể và thực hiện, từ đó phát triển các phẩm chất và năng lực.

Nói về phương tiện dạy học, theo GS Lê Thông, nguyên tắc dạy học quan trọng của địa lí là luôn sử dụng phương tiện dạy học với các yêu cầu cơ bản: Đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, đúng lúc, phối hợp nhiều loại khác nhau, đủ cường độ và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Để sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học địa lí, trong quá trình dạy học giáo viên cần tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để học sinh tìm tòi, khám phá, khai thác và chiếm lĩnh kiến thức từ các phương tiện dạy học địa lí; qua đó, HS vừa có được kiến thức, vừa được rèn luyện các kỹ năng địa lí và biết cách thức vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn.

“CNTT ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong dạy học nói chung và dạy học địa lí nói riêng. Giáo viên cần khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường học tập thuận lợi cho HS khai thác thông tin từ Internet để phục vụ học tập; rèn luyện cho HS kỹ năng xử lí, trình bày thông tin địa lí bằng công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích HS lập các trang website học tập, trình bày báo cáo địa lí bằng các phần mềm thông dụng và thích hợp, xây dựng các video clips giới thiệu sự vật, hiện tượng địa lí...” GS Lê Thông lưu ý thêm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/mon-dia-ly-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-3982876-b.html