Món dơi hầm nước cốt dừa của người Indonesia

Dơi được nướng để loại bỏ lông, sau đó làm sạch và hầm với nước cốt dừa cùng hỗn hợp gia vị độc đáo riêng tạo nên paniki, món ăn truyền thống lâu đời ở Bắc Sulawesi (Indonesia).

 Indonesia có nhiều nền ẩm thực truyền thống tiêu biểu trải khắp quần đảo. Một trong số đó phải kể tới những món ăn kỳ dị của tộc người Minahasa bản địa sống ở tỉnh Bắc Sulawesi. Ẩm thực Minahasa rất cay và có nhiều thành phần không thường thấy ở các vùng khác của Indonesia, như dơi. Họ rất ưa chuộng và chế biến nhiều món ăn "rùng rợn" sử dụng dơi làm thành phần chính, trong hàng thế kỷ nay.

Indonesia có nhiều nền ẩm thực truyền thống tiêu biểu trải khắp quần đảo. Một trong số đó phải kể tới những món ăn kỳ dị của tộc người Minahasa bản địa sống ở tỉnh Bắc Sulawesi. Ẩm thực Minahasa rất cay và có nhiều thành phần không thường thấy ở các vùng khác của Indonesia, như dơi. Họ rất ưa chuộng và chế biến nhiều món ăn "rùng rợn" sử dụng dơi làm thành phần chính, trong hàng thế kỷ nay.

Tuy nhiên, trước sự bùng phát virus corona có nguồn gốc từ dơi ở Vũ Hán (Trung Quốc), các nhà hàng ở Manado (thủ phủ tỉnh Bắc Sulawesi) đã tạm thời dừng bán món dơi, do lo sợ lây lan dịch bệnh nguy hiểm từ loài virus gây chết người.

Bên cạnh việc chiên hoặc nướng, cách phổ biến nhất để thưởng thức thịt dơi ở Manado là dơi hầm nước cốt dừa paniki. Loài dơi được sử dụng để nấu paniki là dơi ăn trái cây bản địa. Những con này lớn hơn nhiều so với dơi thông thường. Chúng có tầm nhìn rất tốt, thậm chí không sử dụng khả năng định vị bằng tiếng vang để di chuyển xung quanh.

Các công đoạn hầm thịt dơi paniki bắt đầu bằng việc nướng dơi để loại bỏ tất cả lông bao phủ cơ thể. Sau đó làm sạch con vật, loại bỏ ruột và cắt thành nhiều phần nhỏ. Tiếp theo, thịt dơi được hầm trong woku, loại hỗn hợp gia vị bumbu đặc trưng của Manado bao gồm ớt đỏ, sả, gừng, hành tây, tỏi, nghệ, cà chua, lá nghệ, lá chanh, hành lá… Tất cả thành phần được đun sôi, trộn với nước cốt dừa, dầu dừa và muối cho đến khi hòa quyện với nhau.

Paniki có mùi rất mạnh, thường được phục vụ kèm cơm trắng, có thể rắc hành lá hay thêm nước tương. Những thực khách yêu thích paniki cho biết thịt dơi khá dai, phần ngon nhất là cánh vì mềm và giàu hương vị. Khi ăn paniki, cảm nhận các loại gia vị trong ẩm thực Manado chính là điểm thú vị nhất.

Người ta cho rằng paniki rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và các chất kitotefin, có tác dụng điều trị bệnh phổi, hen suyễn và dị ứng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra cơ thể loài động vật này tích tụ một số hợp chất (từ các loại hạt) không độc hại với chúng nhưng có thể gây hại cho con người, nếu người đó ăn thịt dơi thường xuyên với số lượng lớn.

Ngoài món dơi hầm paniki, du khách đến tỉnh Bắc Sulawesi còn có thể thử chuột nướng, thịt rắn cùng nhiều món ăn kỳ lạ khác, đặc biệt tại khu chợ động vật nổi tiếng Tomohon.

Uyên Hoàng
Nguồn: States Of Splendor, Tasteatlas

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mon-doi-ham-nuoc-cot-dua-cua-nguoi-indonesia-post1043906.html