Mòn mỏi chờ đợi

Theo giới phân tích, 2 năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte công bố chia tay đồng minh Mỹ để đổi lấy quan hệ kinh doanh với Trung Quốc, Manila trên thực tế vẫn chưa thu được lợi ích rõ ràng nào.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ bắt tay hợp tác với Trung Quốc hồi năm 2016. Ảnh: Straits Times

Chỉ thực hiện một phần nhỏ cam kết

Sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2016, Tổng thống Duterte đã mang về cho Philippines các cam kết cho vay và đầu tư của Trung Quốc trị giá 24 tỷ USD nhằm phục vụ kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của nhà lãnh đạo này, vài tuần sau khi ông tuyên bố Philippines đang bị Mỹ đối xử tồi tệ và sẽ tốt đẹp hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này không có nhiều thành tựu để phô trương cho sự thay đổi chính sách này. Chỉ một phần nhỏ trong những cam kết hỗ trợ của Trung Quốc được hiện thực hóa.

Theo số liệu của cơ quan thống kê Philippines, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines trong nửa đầu năm nay chỉ là 33 triệu USD, bằng khoảng 40% so với Mỹ và khoảng 1/7 so với Nhật Bản. Thương mại giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc sang Philippines tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa từ Philippines của Trung Quốc tăng 9,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Philippines đã tăng lên 181 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Theo ngân hàng Trung ương Philippines, con số này khá ấn tượng nếu so sánh với 28,8 triệu USD trong cả năm 2017.

Chương trình cơ sở hạ tầng “xây dựng, xây dựng, xây dựng” đặc trưng của Duterte là trọng tâm trong chiến lược kinh tế mà ông theo đuổi, bao gồm 75 dự án hàng đầu, trong đó có khoảng một nửa sử dụng các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các tài liệu được Chính phủ Philippines công bố, đến nay chỉ có 3 trong số đó, bao gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD được phá dỡ. Phần còn lại bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn đang nằm trên giấy tờ, hoặc chờ Chính phủ Trung Quốc phê duyệt tài chính hoặc chờ đề cử các nhà thầu.

Thành, bại?

Chuyên gia Heydarian phân tích, nếu Tổng thống Duterte không thể chứng minh phần thưởng kinh tế từ việc “xoay trục” sang Trung Quốc, điều này có khả năng làm suy yếu sức mạnh của ông trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, có thể quyết định sự thành, bại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Theo chuyên gia này, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines trong tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập mở hầu bao để có thể biện minh cho những nhượng bộ địa chính trị của mình với “đối thủ truyền thống”. “Nếu không, chúng ta có thể đưa ra kết luận chắc chắn rằng chẳng có gì trong những tuyên bố của Duterte và Philippines là nạn nhân của lời hứa hão. Sự ngây thơ của ông Duterte đã giúp Trung Quốc giành lợi thế chiến lược trước Philippines, không còn nghi ngờ gì về điều đó”, ông Heydarian nhận định.

Nhiều nhà phê bình chỉ trích ông Duterte đã sai lầm vì tin vào “bánh vẽ” của Bắc Kinh và để cho Trung Quốc đặt ra các mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia. “Nếu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Philippines mà vẫn không có bước tiến đáng kể nào trong việc Trung Quốc đầu tư vào Philippines, và nếu hoạt động quân sự hóa và xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông không thuyên giảm thì sẽ dẫn đến tình huống là ông Duterte sẽ phải chịu sức ép tối đa”, ông Heydarian cho biết.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_198451_mon-moi-cho-doi.aspx