Món ngon còn tùy tay chế biến

'Yếu tố ngoại' được kỳ vọng đem tới sự hấp dẫn cho phim nội

Võ sĩ quyền anh Mike Tyson đội nón lá bán trái cây trên chợ nổi trong phim “Những cô gái và găng tơ”.

Trong xu thế hội nhập, điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy. Bằng chứng là ngày càng có nhiều dự án điện ảnh hợp tác giữa các nhà sản xuất trong nước với nước ngoài, ngày càng có thêm nhiều đoàn làm phim chọn Việt Nam làm bối cảnh chính để quay những dự án “bom tấn”. Và, trong nỗ lực xoay chuyển, nhiều phim của các đạo diễn trong nước cũng mời các ngôi sao nước ngoài góp mặt, nhằm làm tăng “gia vị” cho phim…

Xu hướng

Bộ phim “Những cô gái và găng tơ” của nhà sản xuất Trần Bảo Sơn chuẩn bị ra rạp vào 16-3 tới. Phim không chỉ đánh giấu sự kết hợp với nữ đạo diễn Barbara Wong Chun Chun (Hoàng Chân Chân) và ê-kíp đến từ Hong Kong (Trung Quốc) mà còn có sự tham gia diễn xuất của cựu võ sĩ quyền anh nổi tiếng thế giới Mike Tyson.

Trong trailer phim “Những cô gái và găng tơ” mới được tung ra, người xem có thể thấy Mike Tyson đội nón lá, mặc áo bà ba và bán trái cây trên chợ nổi. Bên cạnh Mike Tyson, bộ phim còn quy tụ nhiều ngôi sao châu Á, như Trương Quân Ninh, Trần Y Hàm, Tiết Khải Kì, Vương Thủy Lâm, Phạm Điềm Điềm, Elly Trần…

Tất nhiên, Trần Bảo Sơn không phải là người đầu tiên “liên tài” để mời các diễn viên nước ngoài qua Việt Nam đóng phim. Điện ảnh Việt mấy năm qua đã chứng kiến nhiều dự án có sự tham gia của các diễn viên ngoại. Có lẽ mọi việc bắt nguồn từ trường hợp của Can Ðình Ðình trong phim “Hà Nội - Hà Nội” (2007). Nữ diễn viên này sau đó đã đoạt Giải thưởng Cánh Diều Vàng Việt Nam cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Phim điện ảnh...

Gần đây, việc “sao” ngoại xuất hiện trong phim Việt không còn là hiếm. Có thể kể đến 2 người mẫu quốc tế Richie Kul và Kris Duangphung tham gia 2 chương Thuyền và Trăng huyết trong chùm phim ngắn “Ngọc Viễn Đông” của đạo diễn Cường Ngô; John Ruby trong “Touch” của đạo diễn Nguyễn Đức Minh.

“Ranh giới trắng đen” là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam do đạo diễn người Indonesia Najantolis chỉ đạo thực hiện, với dàn diễn viên kết hợp giữa 3 nước: Võ Thành Tâm, Phan Như Thảo, Thúy Diễm của Việt Nam; Guntur Triyoga, Siti Dewi Rahmawati, Roger Danuarta của Indonesia; Pang Swee Teow của Singapore. Bộ phim “Lọ Lem Sài Gòn” do đạo diễn Hàn Quốc Kim Guk Jin và đạo diễn Việt Nam Đỗ Mai Nhất Tuấn cùng thực hiện có sự tham gia của nam diễn viên Hàn Quốc Lee Min Woo vào vai nam chính Jun Oh.

Phim còn có vai khách mời là cậu bé lai Việt nổi tiếng từ MV Gangnam Style - “Psy nhí” Hwang Min Woo. Hay diễn viên Ilram Choi- cascadeur ở Hollywood cũng tham gia “Chí Phèo ngoại truyện”. Các phim “Quyên”, “Truy sát”, “Tình xuyên biên giới”, cũng có sự tham gia diễn xuất của những diễn viên ngoại quốc.

Yếu tố ngoại, đem lại gì?

Ngày trước, muốn thể hiện người nước ngoài trên phim, các đạo diễn thường phải tìm chọn một diễn viên cao to rồi hóa trang cho “bằng giống”. Đến khi phát triển hơn, khi nhân vật là người Pháp, Mỹ được thể hiện bằng mấy “anh” Liên Xô máy mồm lồng tiếng trong phim chiến tranh. Hiện nay các đạo diễn (đa phần là đạo diễn Việt kiều) với lợi thế và các mối quan hệ riêng, họ đã có thể tiếp cận và mời ngay được những diễn viên nước ngoài về tham gia phim Việt.

Sự hội nhập, đồng thời một số dự án điện ảnh lớn đến Việt Nam chọn bối cảnh như “Kong: Đảo đầu lâu” chẳng hạn, đã đưa “bản đồ điện ảnh Việt” lên một vị thế mới. Vì thế, các ngôi sao nước ngoài cũng cảm thấy thú vị khi được đến Việt Nam đóng phim. Nhìn sang lĩnh vực âm nhạc cũng thấy không ít các huyền thoại âm nhạc, hoặc những ban nhạc nổi tiếng có những show diễn tại Việt Nam.

Không phủ nhận những đóng góp của họ, trước hết về mặt xuất hiện để “có cớ” truyền thông rầm rộ, kéo khán giả quan tâm, chờ đón và kéo đến rạp. Với một số diễn viên, diễn xuất chuyên nghiệp, thể hiện xuất sắc của họ đương nhiên là “miễn bàn”. Điều này nhiều khi vô tình cũng gây nên sự so sánh với dàn diễn viên ở trong bộ phim đó.

Ngược lại, không ít lần khán giả thất vọng vì sự lóng ngóng, chệch choạc của những người nổi tiếng nhưng chưa một lần diễn trước ống kính máy quay. Còn một trường hợp nữa, khác với những gì “đồn thổi” trong chương trình PR, sự xuất hiện của họ quá ít, hầu như không đóng góp gì cho nội dung của phim mà đúng chất “khách mời”, có cũng được mà không cũng xong.

Điều quan trọng nhất, họ là gia vị mạnh và lạ nhưng rốt cuộc cũng khó làm nên một món ăn ngon khi mà người chế biến vụng hoặc chính những nguyên liệu toàn “đặc sản” làm nên nồi lẩu thập cẩm thiếu chọn lọc và tinh tế. Đó là lí do vì sao những phim có “sao” ngoại tham gia được truyền thông rầm rộ, hứa hẹn nhiều đột phá trong thời gian qua vẫn chưa thực sự gặt hái được thành công, trở thành tác phẩm điện ảnh xuất sắc, để đời.

Mặt khác, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, xu hướng mời diễn viên ngoại tham gia còn giúp các nhà sản xuất dễ tìm kiếm được cơ hội bán phim ra nước ngoài. Bởi, nếu phát hành phim được ở nước ngoài, không chỉ có thêm doanh thu mà danh tiếng đạo diễn, nhà sản xuất cũng được biết tới, cơ hội cho những dự án mới cũng được mở ra.

Tuy vậy, “đỏ chưa phải là chín”, “30 chưa phải là Tết”. Một bộ phim hấp dẫn không thể thiếu kịch bản hay, đạo diễn xuất sắc. Các diễn viên ngoại chỉ là gia vị lạ thêm vào cho thực đơn phong phú, màu sắc hơn mà thôi…

Cao Minh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/mon-ngon-con-tuy-tay-che-bien-tintuc397127