Món ngon ngày tết

Khi xã hội dần phát triển, xu thế chơi tết ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn 'ăn tết'. Tuy nhiên, không vì vậy mà mâm cơm lại vắng những món ngon truyền thống. Một tô khổ qua hầm, 1 đòn bánh tét cắt thành khoanh trên dĩa, 1 tô thịt kho và 1 dĩa củ kiệu, dưa hành là những món gần như không thể thiếu trong đêm giao thừa!.

Những món ăn ngày tết không quá cầu kỳ, đặc biệt nhưng có giá trị về mặt tinh thần

Những món ăn quen thuộc ấy, dễ nấu, dễ ăn, không cầu kỳ hay đặc biệt và có thể thưởng thức bất cứ ngày nào trong năm. Vậy nhưng, trong mâm cơm tết của nhiều gia đình vẫn có đủ đầy những món ăn dân dã ấy, bởi điều đó mang theo cả giá trị về tinh thần, là dấu gạch nối cái tết xưa và nay. Cũng có thể, món ăn trở nên đặc biệt là vì hương vị của tình thân, sự sum vầy!

Khổ qua dồn thịt gửi gắm niềm hy vọng mọi khó khăn vất vả sẽ qua để đón năm mới hanh thông, thuận lợi

Món khổ qua hầm (khổ qua dồn thịt) vốn được ông bà ta gửi gắm trong đó ước mong cuộc sống ngày càng khấm khá, vơi phần vất vả. Những khó khăn sẽ ở lại phía sau, đón chào năm mới với nhiều hanh thông, hạnh phúc. Gọi là khổ qua dồn thịt nhưng tùy sở thích, nhiều gia đình thay thịt bằng cá hoặc trộn chung cá và thịt để tăng thêm hương vị. Vị đắng của trái khổ qua có tính giải nhiệt, vốn là món ăn tốt cho sức khỏe và đỡ ngán vì phải ăn quá nhiều đồ ngọt, thịt mỡ trong ngày tết.

Thông thường, để có được nồi khổ qua hầm “hoàn hảo” cần sự chung tay của cả gia đình. Người khỏe mạnh thì bằm thịt, người khéo tay thì lấy hột khổ qua, ướp gia vị và dồn thịt. Làm cùng nhau là “bí quyết” giúp món ăn trở nên ngon hơn, đặc biệt hơn trong ngày tết.

Bánh tét ngày nay ngoài nhân mỡ truyền thống còn nhiều nhân khác tùy khẩu vị người ăn

Nếu ngày tết miền Bắc có bánh chưng xanh, thì tết miền Nam là bánh tét. Nguồn gốc bánh tét đến ngày nay vẫn còn chưa thống nhất, nhưng có vẻ câu chuyện loại bánh có hình trụ, gói từ gạo nếp của một người lính mang tận quê nhà đến dâng vua Quan Trung trong lần đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu được nhà vua yêu thích và đặt tên là bánh tết (sau đọc trại thành bánh tét) được nhiều người chấp nhận.

Vốn là nước nông nghiệp, các món bánh từ “hạt ngọc trời” được trân quý là điều dễ hiểu. Bánh ngày nay ngoài nhân thịt mỡ đậu xanh còn có nhiều loại nhân khác: nhân chuối, nhân đậu xào ngọt, hoặc bánh không nhân (bánh tét chay),... tùy vào sở thích và khẩu vị mỗi người.

Ngày nay, dù không nấu nồi thịt to ăn suốt nhiều ngày, các gia đình vẫn có nồi thịt kho trứng nhỏ để có hương vị tết

Một món ăn khác không thể thiếu trong mâm cơm tết miền Nam chính là thịt kho trứng. Món ăn mang theo ước mong sung túc, đủ đầy của lưu dân vào Nam khai phá những ngày đầu mở đất. Trước đây, mỗi dịp tết, các gia đình thường có nồi thịt kho trứng lớn ăn dần trong suốt “3 ngày tết”. Nhưng ngày nay, mỗi gia đình chỉ kho nồi thịt nhỏ để giữ hương vị ngày xuân. Để cho đỡ ngán, thịt kho trứng thường ăn kèm dưa cải, củ kiệu.

Các món ăn ngày tết không phải là những món cao sang, lạ miệng nhưng trong không khí sum vầy, mỗi món ăn được chuẩn bị với tâm thế hân hoan và cùng nhau bỗng trở nên đặc biệt và nhiều trân quý!./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mon-ngon-ngay-tet-a171156.html