Móng Cái với mục tiêu tăng giá trị hàng hóa XNK

Năm 2019, TP Móng Cái phấn đấu đưa tổng giá trị hàng hóa XNK trên địa bàn tăng 17%. Tổng thu NSNN phần thu địa phương đạt 1.048 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thúc đẩy XNK phát triển.

Xuất khẩu hàng hóa qua cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (Móng Cái).

Kết quả hoạt động XNK năm 2018 trên địa bàn TP Móng Cái gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là phía nước bạn thực hiện 3 chính sách hàng rào phi thuế quan nên đã tác động rất lớn tới hoạt động XNK mà loại hình ảnh hưởng lớn nhất là hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK năm 2018 trên địa bàn thành phố đạt 4,1 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 26%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 9%. Riêng nhóm mặt hàng XNK thông thường (trừ hàng tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan) kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2017.

Hiện nay, hoạt động XNK trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn, trong đó phải kể đến việc xu thế quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang chuyển dần vào chính ngạch. Ngành chức năng kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, kiểm dịch, điều kiện pháp lý để xuất khẩu, song việc đáp ứng chính sách này của đa số doanh nghiệp trên địa bàn còn chậm, dẫn đến việc các doanh nghiệp thiếu chủ động, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn.

Hạ tầng dịch vụ logistic hiện đang là lợi thế cạnh tranh của Móng Cái so với các địa phương khác trong nước.

Hệ thống kho bãi được đầu tư từ những năm trước, chưa có quy hoạch, nằm rải rác trên địa bàn nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng; dịch vụ bốc xếp đa phần là thủ công, chưa có sự đầu tư chuyên nghiệp, hiện đại, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thông quan hàng hóa. Giá dịch vụ logistic, nhất là bốc xếp, kho thường, kho lạnh chưa được công bố thống nhất và chưa có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong điều kiện XNK chính ngạch thì đường biển sẽ là lợi thế cạnh tranh do giá cước vận chuyển rẻ hơn đường bộ, song hiện nay, kết nối từ cảng Vạn Gia vào các cửa khẩu rất khó khăn do luồng lạch phụ thuộc lớn vào thủy triều. Lối mở Km3+4 Hải Yên đi qua cầu phao tạm chưa ký quy chế quản lý; sự hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistic 2 đầu cầu phao chưa chặt chẽ, nên chưa thu hút được hàng hóa qua cầu phao; lối mở Pò Hèn chưa được thông quan do Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) chưa bố trí được lực lượng; cầu Bắc Luân 2 chậm đưa vào sử dụng trong khi cầu Bắc Luân 1 khống chế tải trọng dưới 45 tấn, nên các doanh nghiệp XNK máy móc, thiết bị chuyên dùng lựa chọn cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để nhập hàng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, tổng chi phí (tính từ cảng biển Hải Phòng, vận chuyển gửi kho, bốc xếp đến khi xuất khẩu) trên địa bàn thành phố cao hơn một số tỉnh phía bắc có cửa khẩu với Trung Quốc. Công tác quảng bá, thu hút doanh nghiệp XNK còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp phía nam chưa có thông tin về dịch vụ logistic trên địa bàn thành phố nên vẫn lựa chọn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để XNK.

Xuất khẩu hàng hóa tại Cảng ICD Thành Đạt.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mục tiêu phấn đấu tổng giá trị hàng hóa XNK trên địa bàn tăng 17% mà Đảng bộ TP Móng Cái đề ra là hoàn toàn có cơ sở, vì bước sang năm 2019, trong khi hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được đầu tư lớn, cửa khẩu Bắc Luân 2 cơ bản hoàn thiện về thủ tục, cơ sở vật chất và sẽ sớm được thông quan, lối mở Km3+4 Hải Yên đi qua cầu phao tạm trên sông Ka Long đã được công bố và đưa vào hoạt động thử nghiệm từ 7/3/2018; lối mở Pò Hèn đã hoàn thiện thủ tục, được đầu tư cơ sở vật chất và có thể thông quan khi phía Trung Quốc đáp ứng các điều kiện... là sơ sở để năng lực cạnh tranh trong hoạt động XNK của thành phố ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, về hạ tầng dịch vụ logistic, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7 bến cảng, 9 bến thủy nội địa, 1 cảng biển quốc gia, 16 điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu và trên 114.665m2 kho bãi, trong đó có 19 kho ngoại quan đảm bảo điều kiện bảo quản hàng hóa. Hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng, kho bãi đảm bảo, dịch vụ vận tải khai thác được cả đường bộ và đường biển; dịch vụ bốc xếp đáp ứng tốt yêu cầu thông quan hàng hóa; dịch vụ ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu thanh toán XNK.

TP Móng Cái tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, rút ngắn thời gian thông quan. (Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục XNK hàng hóa tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái)

Ông Lương Quang Sở, Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết thêm: Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy hoạt động XNK năm 2019 và những năm tiếp theo, TP Móng Cái cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tập trung quy tụ cộng đồng doanh nghiệp XNK để tổ chức cung cấp thông tin, chính sách, xu thế hợp tác thương mại Việt - Trung và các giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với hàng rào phi thuế quan ngày càng cao của phía Trung Quốc.

Hội đàm và báo cáo cấp trên thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc thực hiện mô hình “Một lần dừng, một lần kiểm” tại cầu phao và cửa khẩu Bắc Luân 2. Đặc biệt, thành phố hiện đang tập trung thực hiện quy hoạch, cải tạo nâng cấp cảng biển Vạn Gia, đảm bảo đáp ứng tốt 3 mục tiêu: Cảng cửa khẩu, bảo quản hàng hóa, bốc xếp theo hướng hiện đại, kết nối tốt với cảng biển Hải Phòng, Cái Lân và khảo sát, nghiên cứu nạo vét, khơi thông luồng sông Ka Long, Lục Lầm để kết nối vận tải biển với cửa khẩu Bắc Luân 2, cửa khẩu Ka Long, lối mở Km3+4 Hải Yên, lối mở Pò Hèn, đảm bảo cho phương tiện thủy ra, vào trong điều kiện thủy triều thấp.

Đồng thời, địa phương và các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường mối liên hệ và gắn kết với doanh nghiệp theo hướng đơn giản, minh bạch, rút ngắn thời gian thông quan.

Hữu Việt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201901/mong-cai-voi-muc-tieu-tang-gia-tri-hang-hoa-xnk-2418253/