Mong chờ ngày trở về quê hương của các liệt sĩ K20

Vậy là sau 10 năm 'gõ cửa' nhiều cơ quan chức năng nhưng không có kết quả, bằng sự vào cuộc của Báo Nhân Dân với loạt bài 'Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ' (số ra ngày 11 và 12-10-2020), mới đây, việc xác định danh tính 99 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã được thực hiện trong sự xúc động vô bờ của các gia đình liệt sĩ và nhân dân địa phương.

Vậy là sau 10 năm “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng nhưng không có kết quả, bằng sự vào cuộc của Báo Nhân Dân với loạt bài “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” (số ra ngày 11 và 12-10-2020), mới đây, việc xác định danh tính 99 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã được thực hiện trong sự xúc động vô bờ của các gia đình liệt sĩ và nhân dân địa phương.

Ngày trở về không còn xa

Ngày 4-1-2021, ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) huyện Đức Cơ, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) tỉnh Gia Lai phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Đức Cơ tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống lễ mở mộ, khai quật, lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính 99 hài cốt liệt sĩ (HCLS). Đây là hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh tại Viện K20 - Bệnh viện Miền Đông Nam Bộ, đóng quân trên địa bàn xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia (gọi tắt là liệt sĩ K20) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau đó được quy tập và an táng tại NTLS huyện Đức Cơ. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, làn khói hương tỏa bay ngào ngạt, 20 chiến sĩ đã thực hiện việc mở mộ, đưa 99 HCLS lên để thực hiện lấy mẫu sinh phẩm, đồng thời sửa sang mộ phần, thay tiểu mới, áo mới cho các liệt sĩ.

Để có được ngày này là cả một hành trình dài gian nan của các thân nhân liệt sĩ, sự vào cuộc quyết liệt của Báo Nhân Dân và nỗ lực của các cơ quan chức năng. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai Đặng Phan Chung cho biết: Sau khi có bài phản ánh trên Báo Nhân Dân, Sở đã phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai, Phòng LĐ-TB và XH huyện Đức Cơ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, xác lập thông tin về việc quy tập, an táng 99 HCLS do đội K52 tìm kiếm quy tập tại Viện K20, sơ đồ mộ chí để xác định vị trí từng ngôi mộ. Sau khi hoàn thành việc xác minh, Sở đã có văn bản đề nghị Cục Người có công hỗ trợ thực hiện lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để xác định danh tính HCLS. Sở cũng làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Đức Cơ đề nghị phối hợp chuẩn bị cơ sở vật chất, huy động các lực lượng: công an, bộ đội, dân quân tự vệ để phục vụ công tác lấy mẫu sinh phẩm HCLS được trang trọng và chu đáo. Có thể nói, đây là cuộc khai quật, lấy mẫu sinh phẩm HCLS quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Gia Lai.

Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ (Cục Người có công) cũng cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh từ Báo Nhân Dân, Cục Người có công đã có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai phối hợp Bộ CHQS tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin. Ngay khi có kết quả xác minh, việc tổ chức lấy mẫu sinh phẩm 99 HCLS tại NTLS huyện Đức Cơ được tiến hành rất khẩn trương. Và ngay sau khi hoàn thành việc lấy mẫu sinh phẩm HCLS, Cục Người có công sẽ tiếp nhận hồ sơ và mẫu của thân nhân liệt sĩ, gửi sang Viện Pháp y quốc gia để phân tích ADN, khớp nối thông tin, xác định danh tính liệt sĩ.

Khi biết tin này, cựu chiến binh Phan Ngọc Huân (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, Gia Lai), người dẫn đường cho đội K52 tìm kiếm, quy tập HCLS hy sinh tại xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia đã rất xúc động. Ông nói, đây là việc đáng lẽ phải làm từ nhiều năm trước để trả lại tên tuổi, quê quán cho các liệt sĩ. Đại tá Vũ Văn Sơn, nguyên Đội trưởng K52 vẫn giữ nguyên vẹn ký ức về những ngày tìm kiếm đồng đội của mình theo chỉ dẫn của cựu chiến binh Phan Ngọc Huân. Đại tá Sơn nhớ rất rõ rằng, thi hài của các liệt sĩ được an táng trong rừng già nguyên sinh trên đất nước bạn Cam-pu-chia, gần bên con suối Ochalong, nước rất trong và mát. Lúc khai quật lên, hầu hết các ngôi mộ còn nguyên vẹn hài cốt, có mộ còn nguyên vẹn hình hài, quần áo như khi các anh đang nằm ngủ.

Chứng kiến việc khai quật, lấy mẫu sinh phẩm các HCLS, tất cả những người thực hiện nhiệm vụ và thân nhân đều xúc động đến trào nước mắt. Các liệt sĩ hy sinh đến nay đã gần một nửa thế kỷ, chịu nhiều tác động của thiên nhiên, thời gian và con người, nhưng hầu hết 99 ngôi mộ liệt sĩ đều còn xương cốt. Kết quả là 93 trong số 99 mộ lấy được mẫu răng, các mẫu sinh phẩm đều có chất lượng tốt. Giám định viên Chu Thị Thủy (Viện Pháp y quốc gia) xúc động chia sẻ, hiếm có cuộc khai quật mộ liệt sĩ với quy mô lớn nào lại có được kết quả cao như thế. Bằng cảm quan có thể đánh giá với chất lượng mẫu sinh phẩm này, tỷ lệ xác định ADN có thể đạt hơn 80%. Việc xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống theo dòng mẹ không phải là phương pháp tối ưu nhưng gần như là duy nhất hiện nay để xác định danh tính HCLS lâu năm.

Giọt nước mắt hy vọng

Trở lại hơn bốn tháng trước, anh Lê Quang Vinh, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cùng một số thân nhân liệt sĩ đã tìm đến đề nghị Báo Nhân Dân hỗ trợ trong việc xác định danh tính các liệt sĩ K20, đã được quy tập, an táng tại NTLS huyện Đức Cơ. Ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các gia đình thân nhân liệt sĩ, phóng viên Báo Nhân Dân đã tiến hành các bước xác minh thông tin qua tiếp xúc nhân chứng, hồ sơ, làm việc với các cơ quan chức năng. Từ những thông tin trong hồ sơ liệt sĩ, từ Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng), Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, cùng các nhân chứng là những đồng đội đã trực tiếp mai táng và quy tập, chúng tôi đã có đầy đủ căn cứ để xác định 99 liệt sĩ K20 đã được quy tập, an táng tại NTLS huyện Đức Cơ trong hai mùa khô năm 2009-2010 và năm 2010 - 2011. Theo bản danh sách các liệt sĩ hy sinh, an táng tại Viện K20, thời điểm đóng quân tại xã Ochalong, của Cục Chính sách có tất cả 128 liệt sĩ đã xác định được tên tuổi, quê quán, thân nhân, địa chỉ liên lạc. Trên cơ sở đó, Báo Nhân Dân đã đăng hai kỳ bài điều tra qua thư bạn đọc “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” trên các số báo ra ngày 11 và 12-10-2020, đồng thời Báo có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh thông tin, lấy mẫu sinh phẩm HCLS và mẫu của thân nhân liệt sĩ để phân tích, đối chiếu ADN, sớm xác định danh tính các liệt sĩ. Trong các ngày: 14-10-2020 và 7-12-2020, Báo Nhân Dân nhận được các văn bản hồi âm của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai về việc Sở đã phối hợp Bộ CHQS tỉnh kiểm tra hồ sơ tìm kiếm, quy tập, bàn giao và an táng HCLS; có văn bản đề nghị Cục Người có công bố trí cử giám định viên giúp tỉnh Gia Lai thực hiện lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính đối với 99 HCLS hy sinh tại Viện K20 như Báo Nhân Dân đề cập; thời gian hoàn thành trong tháng 1-2021.

Khi biết tin các cơ quan chức năng tổ chức lấy mẫu sinh phẩm của 99 HCLS K20, ông Trần Văn Nuôi, 73 tuổi, anh trai của liệt sĩ Trần Văn Tuyên đã đi xe ô-tô khách từ huyện Yên Thành (Nghệ An) vào Gia Lai trước một ngày. Trước khi chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức nghi lễ mở mộ, ông Nuôi đã vào nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ, rồi òa khóc nức nở gọi tên em trai mình. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ in hằn nhiều nếp nhăn, ông nghẹn ngào nói: “Em tôi hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi. Tôi có linh cảm rất rõ rằng em tôi đang nằm tại nghĩa trang này. Nhà tôi có hai anh em trai và hai chị em gái. Em tôi mới học xong cấp 2, xung phong đi bộ đội, còn khai tăng tuổi để được nhận. Trước khi hy sinh mấy ngày, em tôi còn gửi thư về nhà dặn dò các anh, chị, em phải chăm sóc cha mẹ chu đáo...”. Câu chuyện ông Nuôi kể cứ liên tục bị ngắt quãng trong tiếng nấc nghẹn: “Lúc còn sống, mẹ tôi thường xuyên nhắc tôi cố tìm xem em tôi nằm ở đâu để đến đón đưa về an nghỉ tại quê cha đất tổ. Đây cũng là di nguyện cuối cùng của mẹ tôi trước khi mất…”.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Mưu (xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, Hải Dương), người đồng đội chứng kiến những ngày cuối cùng của liệt sĩ Đỗ Hữu Hưng tại Viện K20 và trong sổ lưu của Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng), ông Đỗ Hữu Hà (ở phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh) biết được anh trai ông hy sinh tại Viện K20, thuộc xã Ochalong. Tìm kiếm thêm thông tin từ đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai), ông Hà được biết HCLS K20 đã được quy tập về Việt Nam, an táng tại NTLS huyện Đức Cơ. Năm 2010, ông Hà đã đến nghĩa trang này, nhưng trong hơn 1.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin, việc tìm mộ người anh trai như mò kim đáy bể. Vì quá mong mỏi tìm được mộ anh, ông Hà đã nhờ đến nhà ngoại cảm với hy vọng bằng giác quan đặc biệt sẽ giúp ông tìm đúng mộ của anh trai mình. Theo sự mách bảo của nhà ngoại cảm, gia đình ông đề nghị cơ quan chức năng cho phép khai quật, lấy mẫu hài cốt một ngôi mộ trong nghĩa trang. Nhưng kết quả xét nghiệm ADN xác định không cùng huyết thống, ngôi mộ mà nhà ngoại cảm xác định là không chính xác. Dù hụt hẫng nhưng ông Hà vẫn không nản lòng, hằng năm vẫn trở lại NTLS huyện Đức Cơ để thắp hương cho các liệt sĩ và chờ đợi một phép màu…

“Bố tôi đã gần 90 tuổi, mọi thứ có thể quên, nhưng ông chưa bao giờ quên đứa con trai đã hy sinh từ gần 50 năm trước, lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm chưa tìm thấy mộ con. Khi đọc được bài báo “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” đăng trên Báo Nhân Dân, tôi đã rất xúc động và thầm cảm ơn báo Đảng. Vậy là tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi bao năm qua của các thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 đã có sự đồng cảm, chia sẻ, vào cuộc của báo Đảng. Lúc bừng tỉnh, tôi lập tức gửi bài báo cho các thân nhân liệt sĩ K20 để cùng được biết. Hôm nay đứng giữa nghĩa trang này, chứng kiến sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang tổ chức khai quật, lấy mẫu HCLS K20 để xác định danh tính, tôi đã có thêm niềm tin và hy vọng về một kết thúc có hậu rồi”- ông Hà xúc động chia sẻ.

Từ năm 2010, anh Lê Quang Vinh, con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc, hy sinh tại Viện K20 đã nhiều lần đến NTLS huyện Đức Cơ vì tin rằng cha mình đã được quy tập, an táng ở đây. Lần trở lại này cảm xúc của anh rất khác những lần trước bởi anh được chứng kiến việc tổ chức lấy mẫu 99 HCLS K20 để xác định tên tuổi, quê quán. Trong niềm xúc động khôn tả, anh Vinh nghẹn ngào nói: “Chúng tôi rất cảm ơn Báo Nhân Dân bởi vì sau nhiều năm “gõ cửa” các cơ quan chức năng không có kết quả, khi tôi tìm đến báo cũng coi như là cánh cửa cuối cùng rồi. Nếu Báo Nhân Dân không lên tiếng thì chắc không có ngày hôm nay - ngày mà các liệt sĩ K20 được tổ chức lấy mẫu để xác định danh tính, tìm lại tên tuổi, quê quán đã mất trong suốt 50 năm qua”.

Vậy là sau nhiều năm gian nan, vất vả trong cuộc hành trình tìm mộ người thân, giờ đây thân nhân các liệt sĩ K20 có cơ sở để hy vọng một ngày gần đây danh tính các HCLS sẽ được xác định đầy đủ thông tin. Tên tuổi, quê quán các liệt sĩ sẽ được khắc ghi trên bia mộ, gia đình, đồng đội, người thân sẽ đến thăm viếng, chăm sóc mộ phần. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, năm 2021 sẽ có một ngày thật đặc biệt, thật ý nghĩa, những thân nhân liệt sĩ K20 được đón hài cốt của các liệt sĩ đã ra đi nửa thế kỷ trước nay trở về quê hương, hưởng sự chăm sóc của gia đình, dòng họ và nhân dân địa phương.

Cục Người có công đang tiến hành tiếp nhận hồ sơ và mẫu của thân nhân liệt sĩ K20. Đề nghị các Sở LĐ - TB và XH, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố rà soát và thông tin kịp thời đến thân nhân liệt sĩ K20 liên hệ Cục Người có công (Bộ LĐ - TB và XH) để làm hồ sơ và cung cấp mẫu phẩm. Hồ sơ gồm có: Đơn đề nghị có xác nhận của địa phương; giấy báo tử của liệt sĩ; Bằng Tổ quốc ghi công. Người lấy mẫu sinh phẩm thuộc một trong các trường hợp có quan hệ với liệt sĩ như sau: Mẹ liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ với liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ của mẹ đẻ liệt sĩ; anh, chị, em, con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; con của chị gái, em gái liệt sĩ.

ANH THƠ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-ai/mong-cho-ngay-tro-ve-que-huong-cua-cac-liet-si-k20--631618/