Mong không còn 'giường đơn, gối chiếc'!

Đồng lương ít ỏi, thường xuyên phải làm tăng ca để tăng thêm thu nhập và ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài khiến cho cuộc sống của không ít công nhân lao động (CNLĐ) tại các Khu công nghiệp - Chế xuất (KCN - CX) Hà Nội luôn trong tình trạng 'giường đơn, gối chiếc'. Nhiều CNLĐ mặc dù đã ngoài tuổi 'băm' nhưng vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai.

Muốn thoát ly cuộc sống chân lấm tay bùn, từ năm 20 tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Nghệ An) đã theo bạn bè ra Hà Nội tìm việc với mong muốn sẽ kiếm được công việc ổn định, có thu nhập tốt để đảm bảo cho cuộc sống và có tiền dư dả để gửi về phụ giúp gia đình.

Nhiều nữ công nhân luôn mong ước có được tổ ấm đích thực. Ảnh minh họa.

Những năm đầu ra Thủ đô, chị Hạnh làm nhân viên chạy bàn cho các nhà hàng, hằng ngày, chị đều bắt đầu công việc từ mờ sáng đến 10 giờ đêm nhưng lương thấp, công việc không ổn định, không được đóng bảo hiểm xã hội, nên khi biết được thông tin tuyển dụng tại một công ty ở KCN Sài Đồng, chị đã nộp đơn xin việc và được nhận vào làm việc ngay.

Chị Hạnh chia sẻ, đến nay, mặc dù đã hơn 10 năm làm việc ở Thủ đô, nhưng tính ra khoảng thời gian chị dành cho bản thân rất ít. Nhiều CNLĐ thường dành thời gian sau những ca làm việc và những ngày nghỉ để đi chơi, thăm thú, khám phá các địa danh ở Hà Nội và các địa phương lân cận nhưng với chị Hạnh thì lại xin làm tăng ca, kể cả chủ nhật để tăng thêm thu nhập và có dư dả để gửi về quê phụ giúp cho gia đình.

Cuộc sống của chị Hạnh dường như chỉ biết đến công ty với nhà trọ và cuộc sống cứ thế trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngoài tuổi “băm”, mà chị vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai.

Ở cùng phòng trọ với chị Hạnh còn có chị Hoàng Thị Ngân (quê Nghệ An) đang làm công nhân trong KCN Sài Đồng cũng đã 33 tuổi nhưng vẫn quạnh hiu, đơn chiếc. Chị Ngân chia sẻ, nhiều lúc cũng ước có một mái ấm nho nhỏ, nhưng cuộc sống bấp bênh, môi trường làm việc toàn nữ, ít ra ngoài giao lưu, tiếp xúc nên cơ hội làm quen với các bạn khác giới cũng hạn chế.

Chị Ngân còn cho biết thêm, nhiều CNLĐ trong công ty của chị cũng thường xuyên làm tăng ca để tăng thu nhập nên ít có thời gian tìm hiểu, hẹn hò và nhiều người cũng sợ không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình nên đành chấp nhận “giường đơn, gối chiếc”. Chị Ngân nói vui: “Ở vậy cho người ta thèm”, với lại chị em cùng chung cảnh ngộ với nhau nên dễ hiểu, thông cảm và chia sẻ với nhau.

Chị Trần Thị Xuyến (32 tuổi, quê Nam Định) đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long cũng chia sẻ, xa nhà, xa gia đình nên việc thiếu thốn tình cảm với CNLĐ chúng mình là điều không thể tránh khỏi. Nhưng rồi, áp lực, guồng quay của công việc, hết làm ngày rồi lại tăng ca đêm đã khiến mình quên đi sự thiếu thốn tình cảm. Nhiều CNLĐ trong công ty mình lúc nào cũng lo kiếm được đồng vốn lận lưng, quay ra thì cũng già mất rồi chả ai nhòm ngó.

Không chỉ có những nữ CNLĐ tại các KCN - CX Hà Nội mà một số CNLĐ nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Thành (quê Thanh Ba, Phú Thọ) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, mình xin làm công nhân tại một công ty nước ngoài trong KCN Bắc Thăng Long, từ khi bắt đầu làm việc tại công ty, mình luôn cố gắng và dành nhiều thời gian nhất có thể cho công việc và thường xuyên tăng ca với mục đích tích cóp một khoản tiền để sau này có tiền trang trải khi lập gia đình và có chút vốn để lập nghiệp riêng.

Nhưng rồi, đồng lương công nhân ít ỏi, làm được bao nhiêu lại phải lo tiền phòng, phí sinh hoạt và phụ giúp gia đình, chẳng còn dư dả là mấy nên mình vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Trong khi đó, thời gian thì cứ thế trôi, đến nay đã ngoài 35 tuổi nhưng vẫn ngày đi làm, tối về phòng trọ ngủ. Những ngày lễ, Tết về quê, người thân hỏi han tình hình công việc rồi lại kèm thêm câu “bao giờ lấy vợ?” hay “năm nay có cho mọi người ăn cỗ không?” khiến mình lại cảm thấy chạnh lòng.

CNLĐ tại các KCN - CX Hà Nội mỗi người đều có những nỗi lo riêng trong cuộc sống, nhưng có lẽ, với nhiều CNLĐ đã ngoài tuổi “băm” nhưng chưa lập gia đình, bên cạnh những nỗi lo về vật chất thì vẫn luôn canh cánh trong lòng câu hỏi “bao giờ hết cảnh giường đơn, gối chiếc?”

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mong-khong-con-giuong-don-goi-chiec-69992.html