Mong lãi suất cho vay hạ hơn và ổn định

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định tiếp tục giảm nhiều loại lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được giảm thêm. Liệu đây đã thực sự là bài thuốc 'đủ liều' để hỗ trợ các DN sau đại dịch Covid-19?

Lãi suất cho vay muốn giảm xuống phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố của nền kinh tế vĩ mô. Ảnh: ST

Cần giảm hơn nữa

Từ trong đại dịch, các ngân hàng đều đã tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 1-4%/năm so với mức thông thường để hỗ trợ DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, lãi suất ngân hàng càng có điều kiện hạ hơn khi lãi suất điều hành đã được NHNN chỉ đạo giảm tới 3 lần kể từ tháng 9/2019. Thậm chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn chia sẻ, ngân hàng phải cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để nâng quy mô các gói tín dụng hỗ trợ. Hiện trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 5%/năm, lãi vay dài hạn khoảng 9-10%/năm.

Đánh giá cao các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng, bởi mức lãi suất cho vay hiện nay đã giảm hơn một nửa so với cách đây 10 năm, nhưng với cộng đồng DN, như vậy vẫn chưa đủ. Bởi nếu nhìn ra thế giới, trong giai đoạn khôi phục kinh tế hậu Covid-19, nhiều quốc gia còn áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi 0%/năm để kích thích đầu tư, kinh doanh, sản xuất…

Về vấn đề này, ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) chia sẻ, DN phải đấu thầu, chịu sự cạnh tranh để có đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, DN hiện phải vay vốn với lãi suất lên tới 9-10%/năm, chi phí lãi vay khi cộng vào đơn giá các mặt hàng sẽ khiến DN không đủ sức cạnh tranh về giá. Vì vậy, ông An cho rằng, ngành ngân hàng nên lập mặt bằng lãi suất cho vay mới, duy trì ổn định quanh mức 6,5%/năm. Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Taxi Mai Linh cũng đề nghị các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6%/năm trong năm 2020, không quá 9%/năm trong năm 2021.

Mong muốn giảm lãi suất cho vay của DN không phải chỉ đến thời kỳ Covid-19 mới được nêu ra, mà là nguyện vọng xuyên suốt từ năm này qua năm khác. Nhưng thực tế, việc giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa dù trong hoàn cảnh nào cũng không hoàn toàn nằm trong tay ngân hàng, bởi lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố của nền kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá cả hàng hóa… Với các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, luôn phải huy động các nguồn vốn. Trong bối cảnh này, ngân hàng đều gặp khó trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ, nên các ngân hàng đều phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường những khoản vay ưu đãi nhất.

Không phải "muốn là được"?

Hơn nữa, bối cảnh kinh tế hiện nay còn đưa ra một thực tế trái ngược, đó là lãi suất thấp nhưng tín dụng lại tăng trưởng rất thấp, điều này kéo theo sự ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thống kê, tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Nguyên nhân là do cầu tín dụng của DN rất yếu, nhiều DN có dòng tiền trả nợ nhưng không có kế hoạch vay mới, hoặc một nguyên nhân nữa là DN có nhu cầu nhưng lại khó tiếp cận vốn vay.

Thế nên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, nhiều DN phản ánh, khi làm thủ tục cho vay, các chuyên viên, nhân viên ngân hàng không hiểu rõ các thủ tục hướng dẫn, hoặc không đọc kỹ hỗ trợ vay vốn của DN nên khi hướng dẫn, phối hợp với các bộ phận khác của hệ thống ngân hàng đã không xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn, hoặc không phê duyệt hồ sơ của DN. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng vay vốn cũng như tiến độ giải ngân của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của DN gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thậm chí, vị này còn cho hay, có hiện tượng DN hoạt động khó khăn 1-2 năm nay, đã vào danh sách có nợ xấu nhưng thời điểm này lại kiến nghị gửi NHNN là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì thế, các ngân hàng đã khẳng định không thể hạ chuẩn vay vốn, để đảm bảo an toàn nguồn vốn cũng như an toàn hoạt động của chính hệ thống.

Những vấn đề trên cho thấy, thiết lập một mặt bằng vay vốn lãi suất thấp hơn là nhu cầu chính đáng của DN. Không những thế, các ngân hàng thương mại cũng có mong muốn này để thúc đẩy tín dụng, tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề “muốn là được” mà phải tính toán trên nhiều bối cảnh thực tế cũng như tác động về lâu về dài. Hơn nữa, lãi suất giảm, nhưng cũng không phải DN "muốn là được" vay, bởi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành ngân hàng. Do đó, điều quan trọng là các DN phải có những phương án kinh doanh khả thi, có kế hoạch và chiến lược đầu tư hiệu quả để việc tiếp cận vốn vay không còn là trở ngại, để ngân hàng có thể “yên tâm” giải ngân, đến lúc đó, hệ thống tín dụng được đảm bảo thì lãi suất cho vay sẽ có thêm dư địa để giảm xuống.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mong-lai-suat-cho-vay-ha-hon-va-on-dinh-126794.html