Mong manh số phận Hiệp ước hạt nhân

Việc Washington ra tối hậu thư sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước trong khi Matxcơva lập tức bác bỏ đã đẩy Hiệp ước được xem như tấm lá chắn hữu hiệu với chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang này vào tình thế rất mong manh.

Tổ hợp tên lửa tầm trung mới Novator 9M729, còn gọi là SSC-8 của Nga có tầm bắn tới 5.000km

Phát biểu họp báo ngay sau Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Brusseles (Bỉ) ngày 4-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức cáo buộc Nga đã vi phạm INF. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng đưa ra tối hậu thư rằng, Washington sẽ rút khỏi INF trong vòng 60 ngày, nếu Matxcơva không “tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga đã phát triển “nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8”, hay còn được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729 với tầm bắn 5.000km và đó là sự vi phạm nghiêm trọng INF quy định với tên lửa tầm từ 500km-5.500km. Ông Pompeo cho rằng, với tầm bắn của tên lửa Novator 9M729 khiến “chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong tuyên bố đưa ra ngày 5-12, bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định Nga vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong Hiệp ước INF. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đuma Quốc gia (Hạ viện Nga) Yuri Shvytkin cũng “phản pháo” với cáo buộc, chính Mỹ là bên vi phạm, đồng thời cảnh báo nếu Washington quyết định rút khỏi INF thì buộc Matxcơva phải đáp trả bằng các biện pháp thích ứng nhằm duy trì cân bằng lực lượng.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và sự bác bỏ với lập trường cứng rắn của Nga đã một lần nữa làm nóng trở lại vấn đề số phận INF sau tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước này vào thời điểm thích hợp của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-10 vừa qua. Lý do mà ông Trump đưa ra tuyên bố khiến thế giới lo ngại đó là Nga đã triển khai tên lửa tầm trung mới SSC-8 (theo cách gọi của NATO, trong khi Nga gọi là Novator 9M729).

Trong suốt gần 2 tháng qua sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Nga cùng cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia châu Âu đã kêu gọi tiến hành đàm phán để tiếp tục duy trì Hiệp ước INF. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ mong muốn đàm phán với Mỹ về việc duy trì INF. Tuy nhiên, mọi cánh cửa đối thoại về INF như đóng sập lại khi Tổng thống Trump quyết định hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Argentina vào cuối tháng 11 vừa qua.

Ngoại trưởng Pompeo khi đưa ra tối hậu thư ngày 4-12 đã tuyên bố, Mỹ sẽ bắt đầu quá trình 6 tháng để rút khỏi INF nếu phía Nga không đáp ứng. Sau thời gian này, ông Pompeo để ngỏ khả năng Mỹ tiến hành “thử nghiệm, sản xuất hoặc triển khai bất cứ hệ thống tên lửa nào”, động thái mà giới quan sát cho rằng sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm mới không chỉ giữa Mỹ và Nga mà còn trên cấp độ toàn cầu.

Matxcơva cũng chẳng “ngán ngại” đe dọa của Washington khi Tổng thống Putin tuyên bố luôn để mở cánh cửa đối thoại với Mỹ, song cũng kêu gọi Chính phủ và quân đội Nga tiến hành các bước cụ thể để đáp trả nếu Mỹ phá vỡ INF - “tấm lá chắn” hữu hiệu ngăn ngừa việc nổ ra một cuộc tấn công hạt nhân cũng như chạy đua vũ trang trong suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Số phận mong manh của INF trong thời gian tối hậu thư đếm ngược 60 ngày khiến thế giới không khỏi lo ngại sâu sắc về viễn cảnh bùng phát cuộc chạy đua vũ trang mới với những hiểm họa khôn lường.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/mong-manh-so-phan-hiep-uoc-hat-nhan/792363.antd