Mong mỏi một môi trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Những gia đình không may có con bị hội chứng tự kỷ mong con được hòa nhập xã hội phần nào.

Nỗi lòng của cha mẹ

Chị M.M (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn nhớ những ngày tháng chập chững đầu đời của đứa con bé bỏng: “Con tôi kém bạn bè cùng trang lứa đủ thứ. Con khó có thể cầm nắm được đồ vật, khó nhớ tên được những người khác. Con hay la hét… Khi đối mặt với căn bệnh này, tôi đã suy sụp và không có hy vọng nào để thoát khỏi thực tế phũ phàng”.

Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tuy nhiên, cả hai vợ chồng chị M. đã kiên trì, từng bước bên con. Giờ đây, con chị đã chủ động trong các sinh hoạt cá nhân, biết học tập và giúp đỡ bố mẹ.

Chị M.M cho biết: “Điều quan trọng trong việc chữa hội chứng tự kỷ là cha mẹ phải kiên trì với con, thường xuyên cùng con tham gia các hoạt động xã hội để có cộng đồng chia sẻ. Với một việc nào đó, nếu trẻ bình thường làm 1 lần thì con mình học nhiều lần cũng sẽ được. Gia đình tôi đã chữa hội chứng tự kỷ của con bằng sự kiên trì của cha mẹ thông qua những hoạt động thể thao như: Đi xe đạp, chạy bộ, bơi lội…”.

Những phụ huynh có con bị hội chứng tự kỷ có một mong muốn duy nhất là con được hòa nhập phần nào với xã hội. Ngày nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nhận thức của cha mẹ với hội chứng tự kỷ đã tăng hơn nhiều. Nhiều gia đình đã cho trẻ can thiệp sớm thay vì “đợi tuổi" như trước đây.

Anh M.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hội chứng tự kỷ không bao giờ khỏi, nhưng với nhiều biện pháp can thiệp thì trẻ sẽ tiến bộ dần. Điều đau khổ nhất cho những gia đình có con bị hội chứng tự kỷ chính là việc không thể yên tâm làm việc, không tiếc công sức, tiền bạc để mong con khỏi nhưng kết quả phía trước còn phải tùy sự đáp ứng của từng trẻ".

Bên cạnh hành trình chữa chạy cho các con, còn một chặng đường chông gai mà nhiều gia đình có con tự kỷ phải đối mặt, đó là cho con hòa nhập trong môi trường giáo dục cùng các trẻ khác. Không ít trường hợp, cha mẹ lại phải đưa con trở lại trung tâm chuyên biệt.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục CHIC (Hà Nội) là một nơi nhận các trẻ bị hội chứng tự kỷ. Nhiều phụ huynh đến với Trung tâm mang trong mình những tâm tư, về việc con em mình không thể hòa nhập ở trường học bởi nhiều rào cản.

Thạc sĩ giáo dục đặc biệt Hà Thị Như Quỳnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trẻ tự kỷ đến trường công lập để học hòa nhập đối diện với rất nhiều khó khăn. Có lẽ, khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên hỗ trợ với trẻ. Thậm chí, đau lòng là có nơi giáo viên còn tỏ thái độ với trẻ tự kỷ để trẻ phải bỏ học".

Nâng cao hiểu biết

Trên thực tế, ở bậc mầm non, việc hòa nhập của trẻ tự kỷ xuất hiện nhiều ở khối trường tư thục, dân lập, khi có được thỏa thuận giữa phụ huynh và hiệu trưởng trong việc có giáo viên dạy chuyên biệt đi kèm.

Chị Hoàng Trang (một chủ trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trường đã nhận một số trẻ hội chứng tự kỷ thể nhẹ. Tuy nhiên, lứa tuổi mầm non thiên về sự chăm sóc và sát sao nên nhà trường vẫn yêu cầu phụ huynh phải có thêm giáo viên chuyên biệt để hỗ trợ trẻ học hòa nhập. Những gia đình có trẻ hội chứng tự kỷ đều xác định việc bỏ chi phí cao hơn so với những trẻ bình thường để con có thể hòa nhập ở nhà trường".

Theo ghi nhận, ở những trường tiểu học công lập, việc tiếp nhận trẻ tự kỷ sẽ khó khăn hơn khi chính nhà trường cũng bị áp lực từ phía phụ huynh khác cũng như giáo viên thiếu người hỗ trợ.

Được biết, hiện nay, vấn đề bổ sung biên chế giáo viên, nhân viên hỗ trợ người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chưa có lời giải. Nghị định 28 của Chính phủ về Chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy giáo dục hòa nhập đã có từ năm 2012, và 23/63 tỉnh thành đã thực hiện. Tuy nhiên có những nơi chưa thống nhất được chính sách này.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh, một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ GD&ĐT là xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế, trong đó có trẻ tự kỷ.

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để ban hành các văn bản, quy định, chính sách pháp luật để chăm lo, hỗ trợ cho nhóm học sinh yếu thế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, quá trình xây dựng trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế, trong đó có trẻ tự kỷ cần có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng mô hình trường học này phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường; huy động được các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai các giải pháp thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, thân thiện hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh về nhóm học sinh yếu thế; Hỗ trợ học liệu và phương tiện chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của nhóm học sinh yếu thế; Xây dựng tài liệu hướng dẫn về nhận diện, đánh giá mức độ, đánh giá nguy cơ, phương pháp giảng dạy,… nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên trong công tác giáo dục nhóm học sinh yếu thế, trong đó có trẻ tự kỷ.

Tự kỷ là một hội chứng có sự rối loạn về phát triển trong đó việc sử dụng ngôn ngữ, phản ứng với kích thích, tương tác với thế giới và cách thiết lập các mối quan hệ không đồng nhất và theo những cách bất thường. Trong những năm gần đây, nhiều nước trên Thế giới, vấn đề “Tự kỷ” trở thành vấn đề mang tính xã hội và được chính phủ quan tâm nghiên cứu về chính sách, y tế, giáo dục, xã hội…
(Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)

LV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/mong-moi-mot-moi-truong-hoa-nhap-cho-tre-tu-ky-20220402022035148.htm