Mong mỏi Việt Nam có một cuộc đổi mới toàn diện

Tiếp theo nội dung bàn tròn 'Làm gì để phát huy vai trò của trí thức Việt Nam?' Người Đô Thị giới thiệu hai góc nhìn của tri thức, một ở trong nước và một ở hải ngoại. Đó là TS. triết học, luật học Nguyễn Hữu Liêm - một tri thức hải ngoại hiện đang đi về giữa Mỹ và Việt Nam, tư vấn về luật quốc tế và giảng dạy tại một số trường đại học trong nước; người kia là chuyên gia kinh tế Phạm CHi Lan - là thành viên Tổ Tư vấn/ Ban Nghiên cứu Thủ tướng với nhiều đóng góp công tâm như những 'gián quan'...

TS. Nguyễn Hữu Liêm:

Thành tâm đối thoại để trí thức trong và ngoài nước tham gia toàn diện vào xây dựng đất nước

TS. triết học, luật học Nguyễn Hữu Liêm hiện là Giáo sư triết tại San Jose City College, (cựu chủ tịch Luật sư đoàn Việt Mỹ Bắc California, cựu chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Mỹ California) đi về giữa Mỹ và Việt Nam, tư vấn về luật quốc tế và giảng dạy tại một số trường đại học trong nước.

Trả lời Người Đô Thị câu hỏi “Điều mà ông trăn trở, mong mỏi nhất cho sự đóng góp của mình đối với sự phát triển của đất nước?”, ông nói:

“Điều mong mỏi cơ bản nhất của tôi là Việt Nam sẽ có một cuộc đổi mới toàn diện về thể chế chính trị và cấu trúc chính quyền từ trung ương đến địa phương - không chỉ là chính sách đối với trí thức, kiều bào, mà là thể chế chính trị công quyền tổng quan trên tất cả các bình diện.

Bởi vì với thể chế và chính sách như hiện nay thì cơ hội cho trí thức hải ngoại về nước tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn rất giới hạn, về lý lịch nhân thân, về lựa chọn đoàn thể chính trị...

Một số trí thức hải ngoại về nước với tư cách nhà đầu tư, kinh doanh, thương mại thì có nhiều cơ hội hơn. Có một thiểu số thành công và trở nên giàu có. Nhưng, mức độ rủi ro khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam quá cao, bởi hệ thống luật pháp chưa trưởng thành, mức độ trong sạch trong thực thi luật pháp còn thấp.

Tuy nhiên, cũng cần nói là so với hai ba mươi năm trước khi tôi mới về nước, thì bây giờ mọi chuyện đã thoáng, mở ra nhiều lắm. Nhưng không gian tự do chuyên môn, học thuật và phản biện chính sách theo chúng tôi vẫn chưa mở đủ rộng và chưa đủ hấp dẫn để số đông trí thức Việt Nam ở hải ngoại muốn về và có thể về làm việc đều đặn trong nước.

Tôi mong muốn đất nước sớm tổ chức một cuộc đối thoại đủ sâu, đủ cởi mở, đủ thành tâm về vấn đề làm thế nào để trí thức tài năng người Việt trong và ngoài nước có cơ hội tham gia toàn diện vào việc xây dựng đất nước”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Một “nữ gián quan”

Chuyên gia Phạm Chi Lan là thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban Nghiên cứu Thủ tướng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Người Đô Thị, bà cho biết: Tên gọi dẫu có khác nhau nhưng về cơ bản, nhóm trí thức giúp việc cho người đứng đầu Chính phủ hoạt động theo cơ chế “5 không”: không biên chế, không chức vụ, không lương, không có cấp trên cấp dưới, và không bị hạn chế khi đóng góp ý kiến với lãnh đạo. Nhờ vậy, các thành viên không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân.

Bà Chi Lan gia nhập tổ tư vấn năm 1996. Năm 1997, VCCI - tổ chức đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp doanh nhân - lần đầu tiên được mời tham gia Ban chỉ đạo và tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp, thay thế cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.

Sự ra đời của bộ luật làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ tinh thần tự do kinh doanh. Theo thông lệ, những văn bản quan trọng được chuyển qua ban thẩm định trước khi Thủ tướng ký ban hành. Phần lớn những ý kiến đóng góp đều được Thủ tướng lắng nghe, cân nhắc. Thái độ làm việc của thành viên tổ tư vấn công tâm như những “gián quan”.

Khác với người tiền nhiệm luôn khuyến khích cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng đề cao doanh nghiệp nhà nước. Cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với doanh nghiệp trên cương vị người đứng đầu Chính phủ cũng không có đại diện khu vực tư nhân. Những tập đoàn kinh tế nhà nước ồ ạt ra đời, được ưu tiên tiếp cận nguồn lực, biến dạng thị trường, tạo hiệu ứng chèn lấn khu vực dân doanh, di hại lâu dài.

Cay đắng là không ít trục trặc vĩ mô phát lộ lại không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, mà bắt nguồn từ ý chí chính trị...

NĐT

>> Trương Trọng Nghĩa: Dòng sông và bờ bên kia

>> Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới

>> TS. Vũ Duy Thức: Ấn tượng trí tuệ Việt ở thung lũng silicon

>> Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”

>> Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley

>> Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ

>> Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều): “Giữ mình tự do làm điều mong muốn”

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mong-moi-viet-nam-co-mot-cuoc-doi-moi-toan-dien-20246.html