Mong muốn trách nhiệm hơn của 'tư lệnh ngành'

Cách thức hỏi nhanh, tinh thần trách nhiệm, lắng nghe hơi thở cuộc sống, tận dụng tối đa thời gian dành cho phiên họp như yêu cầu của Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được các ĐBQH thể hiện rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cử tri cũng đặc biệt ấn tượng với phần điều hành bao quát và kịp thời của Chủ tọa; đồng thời, mong muốn tinh thần trách nhiệm hơn của 'tư lệnh ngành', nhất là đối với những bài toán nan giải trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Trăn trở, trách nhiệm của đại biểu

Nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, 53 ĐBQH đăng ký chất vấn ngay từ phút đầu tiên của phiên họp cho thấy sức “nóng” cũng như sự quan tâm của các ĐBQH đối với lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những thời điểm khó khăn chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đông đảo cử tri theo dõi phiên họp qua phát thanh và truyền hình trực tiếp đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH. Cử tri Nguyễn Anh Lương (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho rằng: Các ĐBQH đã lắng nghe “hơi thở” cuộc sống, tận dụng tối đa thời gian dành cho phiên họp để đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các vấn đề không mới nhưng vẫn đang là bài toán nan giải trong sản xuất nông nghiệp. Đó là: Giải pháp nào khắc phục tình trạng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng; ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường; giải pháp giúp nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, xây dựng nền xuất khẩu bền vững…

Các đại biểu đã rất trách nhiệm khi đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ khắc phục: điệp khúc được mùa mất giá, ùn ứ, giải cứu nông sản chưa có hồi kết; bài toán áp dụng khoa học công nghệ khi chủ thể là người nông dân trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế… Nhất là những trăn trở lớn cho sự vươn xa của ngành nông nghiệp. Đó là: giải pháp xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; định hướng để đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầng cao mới; đến bao giờ nền nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới có thể viết tên mình trên bản đồ thế giới… “Đặc biệt, đại biểu đã rất thẳng thắn, trách nhiệm khi trực diện hỏi "tư lệnh ngành": Những câu hỏi khi nào, bao giờ, Bộ trưởng nên có câu trả lời cụ thể để cử tri và nhân dân có niềm tin, hy vọng” - cử tri Nguyễn Thị Mến, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội bày tỏ.

Vai trò của Bộ trưởng ở đâu?

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình, phát thanh trực tiếp, cử tri đặc biệt ấn tượng với vai trò điều hành của Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trên cơ sở nắm bao quát vấn đề, không chỉ nhắc lại khi Bộ trưởng trả lời sót câu hỏi của đại biểu (như việc định vị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới), Chủ tọa đã rất thẳng thắn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của "tư lệnh ngành" với những vấn đề đại biểu đặt ra.

Minh họa cho nhận định trên, cử tri Nguyễn Văn Thao (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) dẫn chứng: Khi đại biểu đặt vấn đề những câu hỏi như giá vật tư tăng cao, tình trạng được mùa mất giá; người dân loay hoay tìm kiếm cây trồng vật nuôi đáp ứng yêu cầu thị trường… không phải là mới và đã được đặt ra rất nhiều lần, vậy đâu là “điểm nghẽn”, đến bao giờ mới khắc phục triệt để? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Bộ trưởng sẽ làm hết mình, tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc, năng động của chính quyền địa phương sẽ giải quyết được tốt. Không đồng tình với phần trả lời còn đùn đẩy trách nhiệm này, Chủ tọa thẳng thắn: Nếu trả lời "điểm nghẽn”, “ách tắc” ở đâu hỏi địa phương thì vai trò của Bộ trưởng ở đâu, đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng cụ thể về thực trạng đại biểu đặt ra.

Đồng tình cao với điều hành linh hoạt và rất kịp thời của Chủ tọa, cử tri Nguyễn Văn Ký (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: Vai trò điều phối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất quan trọng để khắc phục căn cơ những vấn đề nổi cộm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đơn cử như câu chuyện quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Cử tri thẳng thắn cho rằng: vai trò quy hoạch và quản lý sản xuất của Nhà nước rất yếu. Chúng ta chưa có một chiến lược và quy hoạch rõ ràng để phát triển nông sản. Cá tra, cà phê, cao su, thanh long, cây có múi, hồ tiêu... đều nhanh chóng vượt quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Một loại nông sản được giá là khắp nơi từ miền Tây đến Tây Nguyên hay Tây Bắc đều đổ xô đi trồng mà không quan tâm nhiều đến đầu ra cho nông sản. Kết quả là những đợt khủng hoảng thừa xảy ra sau thời gian phát triển “nóng”… Nhiều câu hỏi lớn đang rất cần câu trả lời và sự vào cuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với vai trò là “nhạc trưởng”.

Cần trách nhiệm, bao quát hơn của "tư lệnh ngành"

“Đại biểu đã rất trăn trở và trách nhiệm khi đặt ra những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn là những bài toán nan giải trong sản xuất nông nghiệp, yêu cầu "tư lệnh ngành" nông nghiệp thẳng thắn nhìn nhận, nhất là thẳng thắn cho rằng Bộ trưởng cần trả lời rõ những câu hỏi khi nào, bao giờ; Chủ tọa điều hành bao quát, rất kịp thời, nhất là yêu cầu làm rõ trách nhiệm "tư lệnh ngành" đối với những vấn đề đại biểu đặt ra. Tuy nhiên, những câu trả lời còn chung chung, nhất là những phần đá quả bóng trách nhiệm sang các bộ, ngành, địa phương… làm cử tri chúng tôi không khỏi hẫng hụt - cử tri Đặng Hữu (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thẳng thắn bày tỏ.

Trước hàng loạt câu hỏi đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuy đã thẳng thắn thừa nhận: nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến rất nhiều hệ lụy; nhiều chính sách cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đưa ra nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện…; Bộ trưởng cũng rất cầu thị khi bày tỏ mong muốn các ĐBQH tư vấn về những vấn đề ngành chức năng hiện cũng còn nhiều lúng túng, như tình trạng lỏng lẻo trong các hợp đồng tiêu thụ nông sản hiện nay… “Tuy nhiên, cử tri chúng tôi mong muốn những câu trả lời bao quát, thẳng thắn, trách nhiệm và cụ thể hơn của "tư lệnh ngành" như yêu cầu của ĐBQH. Trả lời chung chung và đùn đẩy như thế làm cử tri chúng tôi thấy mông lung lắm” - cử tri Nguyễn Thị Huyên (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cho biết.

“Trả lời còn chung chung, đùn đẩy” - có lẽ là cảm nhận chung của nhiều cử tri khi theo dõi phần đăng đàn trên ghế “nóng” của "tư lệnh ngành" Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn chiều qua. Lẽ đương nhiên, chưa có những câu trả lời rõ ràng và cụ thể trách nhiệm, lộ trình tại nghị trường phiên giám sát tối cao của Quốc hội thì sẽ không thể có những chuyển biến tích cực hơn trên thực tế, việc tháo gõ những “nút thắt”, điểm “nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua sẽ vẫn còn là câu chuyện phải nhắc lại.

Vì vậy, cùng với mong muốn tinh thần trách nhiệm hơn của "tư lệnh ngành", đông đảo cử tri và nhân dân kỳ vọng vào những phần kết luận, yêu cầu trách nhiệm cụ thể của Chủ tọa (những nội dung sẽ được đưa vào nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp), tạo cơ sở pháp lý cho các ĐBQH, cử tri, nhân dân giám sát, đôn đốc việc thực hiện trên thực tế.

PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/mong-muon-trach-nhiem-hon-cua-tu-lenh-nganh-i291410/