Mong người bệnh sớm được trở lại cuộc sống

Hôm nay, mình trở lại làm việc sau một thời gian nghỉ dài, 4 tháng. Trở lại viện, mình thấy có nhiều thay đổi, bệnh bệnh được sửa chữa, xây dựng, khang trang hơn, người nhà bệnh nhân ra vào trật tự hơn. Bệnh nhân ở bệnh phòng tương đối nhiều, phòng nào cũng kín giường, lại nằm ghép thêm 2-3 bệnh nhân mỗi phòng, chật chội quá nhưng chẳng biết phải làm thế nào, mùa hè nóng nực là giai đoạn bệnh nhân dễ mắc bệnh nhiều. Bệnh nhân đầu tiên của mình là một em ở Tuyên Quang, năm nay 29 tuổi. Theo lời kể của gia đình thì cách đây hơn một năm, bệnh nhân có bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não để lại di chứng liệt nửa người phải. Khoảng một tháng nay người bệnh có biểu hiện rối loạn tâm thần: đêm không ngủ, cho rằng mình có nhiều tài, có khả năng kinh doanh, làm ông chủ, có khả năng kiếm ra nhiều tiền, có những lúc kích động, đập phá đồ đạc, gia đình đã cho đi điều trị tại Viện 103 và bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ.

Mình tiếp xúc với bệnh nhân thấy bệnh nhân có khí sắc hằn học, căng thẳng, chống đối không chịu điều trị. Nghe mình trao đổi với mẹ bệnh nhân là phải vào viện, bệnh nhân đã quát tháo và chửi cả bác sĩ, y tá khám hôm đó. Với mình thì chuyện gặp phải những bệnh nhân không chịu nằm viện, chửi mắng bác sĩ, thậm chí là dọa đánh bác sĩ là chuyện bình thường, nhưng mình nghĩ thương cho mấy em y tá mới vào nghề, thấy bệnh nhân hung hăng như vậy sợ quá, phải nhờ mấy anh bác sĩ nam đi học ở viện tiêm hộ. Mẹ bệnh nhân thấy con chửi cả bác sĩ và y tá thì quay ra xin lỗi, mình giải thích với gia đình bệnh nhân: Bác không phải xin lỗi, đây là tình trạng bệnh lý của người bệnh, họ không làm chủ được hành vi của mình do tình trạng bệnh lý gây nên. Chúng tôi cần phải điều trị tình trạng này chứ người bệnh không cố tình hành động như vậy. Mình nhớ lại có một lần đi trực đêm, có bệnh nhân nữ là sinh viên vào viện trong đêm vì kích động, rối loạn hành vi. Mình đã cho vào viện và trong lúc khám bệnh nhân đã hắt một cốc nước vào người mình, ướt hết cả áo blue, còn em y tá tiêm thì bị bệnh nhân ném cả một chiếc dép vào người. Hai chị em trực hôm ấy vừa tức, vừa tủi thân, nghĩ rằng bác sĩ lại bị bệnh nhân đánh chửi như vậy, không tức không được nhưng rồi mình lại động viên em y tá: Em mới vào nghề, chưa biết nhiều trường hợp bệnh nhân hung hăng lắm, mình chữa bệnh giúp họ nhưng họ còn chửi mình, nhưng đó là vì họ bị rối loạn tâm thần, không làm chủ được hành vi, khi được điều trị tốt, bệnh ổn định thì họ lại xin lỗi mình đấy, đừng buồn nhé! Mình bảo: Thôi, hôm nay giải đen, cầm mấy chục chạy ra kia mua kem về đây mấy chị em ăn. Ngồi ăn kem, mấy chị em lại cười nói vui vẻ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Khoảng một tuần sau, khi mình đang chơi cầu lông, một cô bé ăn mặc rất gọn gàng và xinh xắn đến gần mình và nói: Chị ơi, chị có nhớ em không? Mình trả lời: Không, thế em là ai, có việc gì không mà hỏi chị? Em trả lời: Em là bệnh nhân đêm hôm nọ chị cho em vào viện, em đã hắt nước vào người chị và đã chửi chị, bây giờ em khỏi bệnh rồi, cho em xin lỗi chị nhé! Mình ngỡ ngàng nhận ra khuân mặt quen quen hôm ấy. Mình mỉm cười: Ừ, có gì đâu mà em phải xin lỗi chị, đó là do bệnh lý gây ra, bây giờ em khỏi bệnh rồi, về nhà cố gắng uống thuốc rồi đi học tiếp nhé! Trong lòng mình cảm thấy vui vui và điều này như tiếp thêm nghị lực cho mình trong công việc điều trị bệnh nhân tâm thần đầy khó khăn. Mình hy vọng rằng những người bệnh của mình sẽ sớm được trở lại cuộc sống gia đình bình thường sau một thời gian ngắn nhập viện. BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100528030737562p0c14/mong-nguoi-benh-som-duoc-tro-lai-cuoc-song.htm