Mong nhà giáo được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần

Thiếu giáo viên đặc biệt ở các môn Tin học, Tiếng Anh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Chia sẻ về một số khó khăn của ngành giáo dục tại địa phương trong thời gian qua với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết: “So với mặt bằng chung, giáo viên cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương đều đang thiếu. Tất nhiên, phòng cũng đã có sự chuẩn bị, đưa các thầy cô đi tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Với môn Tin học, chúng tôi cũng đã cho thầy cô đi học văn bằng 2 để cơ bản đáp ứng được yêu cầu, riêng với môn Tiếng Anh, do số lớp tăng, giáo viên chuyển nhiều, trung bình cả 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở hiện đang thiếu khoảng 20 thầy cô. Đó là khó khăn lớn nhất.

Về môn Khoa học tự nhiên đối với bậc trung học cơ sở, chủ yếu tại các trường hiện vẫn đang trong tình trạng “quá tải”, vì dạy theo chủ đề logic trong sách giáo khoa, nên dẫn đến khó khăn trong việc đảo giáo viên, thời khóa biểu phải thay đổi liên tục...

Bà Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Bà Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Với tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, có những giáo viên phải dạy vượt tiết thậm chí có giáo viên Tiếng Anh phải dạy dôi gần 2,5 lần số tiết. Chính vì vậy, để khắc phục nguy cơ với môn Tiếng Anh, chúng tôi cũng đã hợp đồng mua các phần mềm, thiết bị để có thể tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đảm bảo học sinh không bị bỏ lại...”.

Đứng trước những khó khăn như vậy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh đề xuất: “Trước hết, chúng tôi chủ động tham mưu giải pháp để “có học sinh, phải có giáo viên”, học sinh các cấp được học đủ các môn học theo quy định. Đồng thời, đề nghị bổ sung biên chế hằng năm đối với ngành, đảm bảo nhu cầu tối thiểu.

Chủ trương tinh giản biên chế nên được thực hiện bám sát với nhu cầu thực tiễn, không “giảm cơ học”. Đối với ngành đặc thù, cần có sự xem xét. Ngoài ra, cần quan tâm đến chính sách thu hút, tránh chuyện được giao biên chế nhưng lại thiếu nguồn tuyển.

Một giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Khê (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang). Ản: Ngân Chi.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo giáo viên linh hoạt đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là những nội dung mà chưa có giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn, hiện đang sử dụng giáo viên các bộ môn khác để kiêm nhiệm giảng dạy, hướng dẫn như Hoạt động trải nghiệm chẳng hạn...

Mặt khác, chúng tôi cũng đề nghị sớm trang bị đầy đủ, kịp thời các trang thiết bị dạy học theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Bên cạnh những đề xuất liên quan đến khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Đặng Thị Kim Hoa cũng đề cập đến một số kiến nghị khác: “Trước mắt, khi chưa thể đáp ứng đủ số lượng giáo viên, rất nhiều giáo viên phải dạy thừa giờ. Chúng tôi đề nghị điều chỉnh chính sách đối với giáo viên phải dạy thừa giờ (ở những môn học mà điều kiện của giáo dục địa phương không thể sắp xếp được), thì xem xét, linh hoạt để thanh toán toàn bộ số tiết thừa giờ, dạy thừa bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu... thay vì quy định vẫn đang được áp dụng trong ngành giáo dục từ trước đến nay, giáo viên chỉ được tính tiền tăng giờ khi dạy không quá 200 giờ.

Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng rất trăn trở đó là các chế độ đặc thù. Chúng tôi hy vọng, có thể xem xét giữ nguyên các chế độ chính sách đặc thù với giáo dục, nên được hưởng cả dịp nghỉ hè. Cũng cần có cơ chế cho giáo viên khi đến tuổi nghỉ hưu, ví dụ có người về nghỉ trước thời hạn 3-6 tháng thì hưởng nguyên lương hưu.

Ngoài ra, đề nghị có chế độ chính sách cụ thể đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (lương tháng thứ 13) vào dịp Tết Nguyên đán.

Vào những dịp lễ như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng nên có chế độ chính sách ưu tiên, động viên ngành giáo dục. Tức là, cần có một chính sách cụ thể để động viên, quan tâm nhà giáo vào ngày này, chứ không chỉ là chế độ khen thưởng theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ” như hằng năm”.

“Ngoài ra, cũng nên quan tâm hơn đến chính sách làm nhà lưu trú cho giáo viên công tác ở những vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện thuê nhà, không có đất, không có điều kiện để làm nhà. Tức là nên có khu nhà ở cho các giáo viên ở các điểm trường sâu xa hoặc tại điểm trường chính để các thầy cô thuận tiện sinh hoạt và yên tâm công tác. Nếu có thể nghiên cứu quỹ đất và làm nhà ở cho giáo viên được, thì sẽ càng khuyến khích các thầy cô yên tâm vào “cắm bản”.

Cuối cùng, tôi cho rằng, cũng cần quan tâm đến công tác khám sức khỏe định kỳ cho nhà giáo 6 tháng/lần. Vì thực ra, nghề giáo viên phải nói rất nhiều, phải tiếp xúc với với phấn viết trong thời gian dài, bởi vậy các thầy cô khi về hưu, có người bị hen, có người bị bệnh phổi, có người có khi còn chưa kịp cầm sổ hưu đã qua đời” - bà Đặng Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Ngân Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mong-nha-giao-duoc-kham-suc-khoe-dinh-ky-6-thanglan-post232674.gd