Mong nhiều hơn việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sau khi giảm xuống mức 20% từ năm 2016 sẽ tiếp tục giảm còn 15-17% theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới. Tuy nhiên, mức thuế này chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cũng có những tiêu chí cụ thể đối với doanh nghiệp được giảm thuế.

Nếu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống còn 15-17% sẽ là tin vui đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Thành Hoa

TBKTSG ghi nhận những suy nghĩ và kỳ vọng của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ về đề xuất giảm thuế TNDN này.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí khuôn mẫu chính xác Lập Phúc (TPHCM): Quan trọng là doanh nghiệp làm ăn thuận lợi

- Xét cho cùng, nếu doanh nghiệp làm ăn không có lời thì chuyện giảm thuế TNDN bao nhiêu cũng vô nghĩa. Như vậy, vấn đề làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh mới là quan trọng. Ví dụ, doanh nghiệp kiếm được 100 đồng và nộp thuế 20 đồng (thuế suất 20%) sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với chỉ kiếm được 10 đồng mà giảm thuế phải nộp còn 1 đồng (giảm thuế suất còn 10%).

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ ủng hộ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; chính quyền TPHCM cũng có thông điệp đồng hành cùng doanh nghiệp và khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển. Tuy nhiên, theo tôi thấy những thông điệp trên vẫn chưa xuống tới sở ngành, chưa thực sự “chạm” đến doanh nghiệp. Ví dụ, trước đây tôi xin phép xây dựng nhà xưởng mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm cơ khí chất lượng cao nhằm xuất khẩu sang châu Âu, mặc dù được UBND thành phố đồng ý bằng văn bản nhưng tôi phải chạy tới chạy lui mất hai năm mới xong thủ tục, lúc đó cơ hội làm ăn đã trôi qua.

Chốt lại, đừng hiểu lầm là doanh nghiệp sợ đóng thuế cao hay không muốn đóng thuế, vấn đề là làm sao để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi nhất. Cụ thể ở ngành cơ khí mà chúng tôi đang tham gia, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị đứng bên lề cuộc chơi - ý tôi muốn nói đến việc cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp điện tử nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Và một khi bị loại khỏi cuộc chơi thì chuyện nộp thuế ít hay nhiều không có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (Đà Lạt): Giảm thuế là tốt nhưng chưa đủ!

- Hiện nay công ty phải đóng thuế TNDN ở mức 25% chứ không chỉ là 20%, số tiền thuế trung bình mỗi năm vào khoảng 250-300 triệu đồng, theo đó áp lực là rất lớn.

Vì vậy, nếu thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 15-17% sẽ là tin vui đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty chúng tôi. Hiện công ty có tổng doanh thu khoảng hơn 3 tỉ đồng/năm, đủ điều kiện để được giảm theo đề xuất.

Khi áp lực tiền thuế giảm xuống, doanh nghiệp sẽ có thêm vốn đầu tư cơ sở vật chất, nhằm tăng năng suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để từ đó có thể có giá bán cạnh tranh hơn.

Mục đích của đề xuất giảm thuế là nhằm giảm bớt áp lực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ nằm ở việc phải nộp thuế TNDN cao mà còn nhiều vấn đề khác, do vậy tôi nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa.

Chẳng hạn ở lĩnh vực nông nghiệp, thuế nhập khẩu giống và phân bón hiện ở mức khá cao, trong khi hai loại này chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Sở dĩ phải nhập vì giống cây trồng và phân bón trong nước không đáp ứng được yêu cầu. Từ đây cũng đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải cải tiến giống cây trồng đối với các cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng rất trầy trật. Điều kiện vay vốn khó, quy trình kiểm định tài sản, quy trình thẩm định để cho vay vốn kéo dài...

Một vấn đề nữa khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc mở rộng phát triển sản xuất là có ít chính sách ưu đãi về đất đai. Đơn cử chuyện liên quan công ty chúng tôi, quy hoạch vùng sản xuất cho các doanh nghiệp tại Đà Lạt, Lâm Đồng hầu như không có, doanh nghiệp muốn phát triển, mở rộng phải tự bơi, thuê, mua hoặc liên kết.

Việc đề xuất giảm thuế TNDN là tốt nhưng chưa đủ. Để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh, cần có chính sách đồng bộ, cần có sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương.

Liên quan đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại tờ trình dự thảo Luật sửa đổi 5 luật về thuế, trong đó có thuế TNDN, Bộ Tài chính đề nghị:

Doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3-50 tỉ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Ông Trần Ngọc Tình, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Tình (TPHCM): Cần nhiều chính sách hỗ trợ khác

- Các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện vừa phải tìm cách đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vừa phải tiết giảm chi phí sản xuất để có lãi mà tồn tại, đây là một áp lực lớn. Trong bối cảnh như vậy, nếu được giảm thuế TNDN sẽ phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Bên cạnh việc giảm thuế, cộng đồng doanh nghiệp dệt may còn cần nhiều chính sách hỗ trợ khác như giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu ổn định, phát triển sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu, các chính sách về xã hội giúp ổn định hơn đời sống công nhân...

Ông Phan Công Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Bình (Long An): Nộp thuế cao, doanh nghiệp sẽ “lách”

- Mức thuế TNDN 20% như hiện nay là hơi cao, tạo áp lực cho người nộp thuế. Nếu thuế suất này được điều chỉnh giảm xuống thấp thì hợp lý hơn. Với mức đóng thuế thấp, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn để có thể tái đầu tư hoặc sử dụng vào những mục đích kinh doanh khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, việc tạo ra lợi nhuận không phải dễ.

Nộp thuế càng cao sẽ phát sinh một chuyện đương nhiên khác là doanh nghiệp tìm cách “lách”. Ví dụ, với mức thuế hợp lý, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hạch toán một hệ thống sổ sách; còn nếu mức thuế cao thì họ sẽ hạch toán hai sổ (kế toán thuế và kế toán nội bộ), một hình thức để “lách” thuế. Rõ ràng, giảm thuế một mặt giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, mặt khác cũng khuyến khích doanh nghiệp minh bạch trong hạch toán thuế.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre): Thuế nên thấp hơn nữa!

- Việc kéo giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 15-17% sẽ tạo được lợi thế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Nhưng nếu được mức thấp hơn nữa so với mức đề xuất giảm (15-17%) sẽ càng tốt hơn, vì theo tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỉ đồng sẽ áp thuế suất 15% thì mức đóng thuế vẫn tương đối cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ đóng thuế TNDN khi họ kinh doanh có lãi, nhưng nên xem xét mức thuế phù hợp. Doanh nghiệp có lợi nhuận thấp mà phải đóng với mức thuế cao sẽ không có điều kiện để phát triển.

Nói đến con số 15-17% thì không hình dung được nó lớn như thế nào, nhưng nếu doanh nghiệp một năm kinh doanh có lãi 3 tỉ đồng, thì xem như nộp ngân sách hết 450-510 triệu đồng, theo tôi tiền thuế như vậy là còn cao. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải đầu tư rất nhiều cho phát triển sản xuất và cho đổi mới công nghệ.

Điều này dẫn đến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ thấp, thậm chí không còn, phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động kinh doanh, tạo áp lực về tài chính rất lớn.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TPHCM): Mong đánh thuế công bằng

- Mức thuế suất thuế TNDN 20% hiện nay mà doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty chúng tôi phải đóng thực ra cũng không phải là quá lớn. Tuy nhiên, nếu có sự công bằng trong việc đóng thuế, tức các đơn vị đều chịu áp lực như nhau thì sự cạnh tranh sẽ công bằng hơn. Thực tế có tình trạng không công bằng trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh cùng một mặt hàng.

Hiện nay, không ít các hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh cùng một mặt hàng trứng gia cầm như chúng tôi, có doanh thu lớn không thua kém chúng tôi, nhưng họ không phải chịu mức thuế TNDN. Từ đây dẫn tới việc doanh nghiệp do đóng thuế cao nên phải bán sản phẩm với giá cao hơn, sức cạnh tranh giảm hẳn.

Mặt khác, với đề xuất về điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng mức thuế suất 15-17%, cụ thể doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm dưới 3 tỉ đồng được áp thuế suất 15%; tổng doanh thu năm từ 3-50 tỉ đồng sẽ chịu thuế suất 17%..., theo tôi, nếu đề xuất như vậy thì chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa là quá thấp, sẽ phù hợp với hộ kinh doanh cá thể hơn. Từ trước tới nay Vĩnh Thành Đạt vẫn được xếp trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, nếu với điều kiện như trên, trong khi tổng doanh thu của Vĩnh Thành Đạt khoảng 300 tỉ đồng/năm, thì đương nhiên sẽ không còn nằm trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn đến không được hưởng chính sách giảm thuế.

Phải chăng đề xuất giảm thuế được đưa ra nhằm khuyến khích, vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển lên loại hình doanh nghiệp.

Ông Đặng Quang Khởi, Giám đốc Công ty nhựa An Lập (Hà Nội): Nếu giảm thuế, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư

- Chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp phụ trợ, với khoảng 250 lao động, doanh thu năm vừa qua là 70 tỉ đồng.

Hiện nay, Chính phủ đang có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước. Cho nên, chúng tôi đã có những kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Nếu đề xuất giảm thuế TNDN được thông qua, tôi sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc và tăng cường kỹ năng quản trị để có thể trở thành nhà cung ứng cấp một cho các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam.

Song, là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hiện nay chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ việc tiếp cận vốn, lao động có tay nghề, kỹ năng quản trị, cũng như không có tiếng nói trong việc tham gia quá trình hoạch định chính sách. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ nhiều nhưng đôi khi chúng tôi không biết hoặc việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp nản chí, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn vay.

Ông Trần Xuân Thắng, Tổng giám đốc DigiCity Việt Nam (Hà Nội): Có cơ hội mở rộng kinh doanh

- DigiCity là một doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử, bán các sản phẩm điện máy. Để cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành điện máy, chúng tôi đã chọn tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến, vào phân khúc khách hàng trẻ, quảng bá ở các cụm chung cư, giao hàng nhanh và hậu mãi tốt...

Nhóm phóng viên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271516/mong-nhieu-hon-viec-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep.html