'Mộng phù hoa' vì sao kém hot?

Trong số các phim truyền hình đang phát sóng hiện nay, 'Mộng phù hoa' được xem là bộ phim sở hữu dàn diễn viên xinh đẹp, nổi tiếng của showbiz. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn chưa tạo được độ hot như khán giả kỳ vọng.

“Mộng phù hoa” là bộ phim truyền hình lấy cảm hứng từ những giai thoại có thật trong cuộc đời của cô Ba Trần Ngọc Trà - “đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn” của thế kỉ XX. Phim do hai đạo diễn Quế Ngọc và Nam Yên thực hiện. Trong phim, tên của Trần Ngọc Trà được đổi thành Ba Trang. Thể hiện vai diễn này là nữ diễn viên Kim Tuyến.

Đây được xem là sự lựa chọn đúng đắn bởi vẻ đẹp của Kim Tuyến vừa hiền lành vừa sắc sảo, đồng thời diễn xuất của cô cũng rất tốt. Không chỉ nữ diễn viên chính xinh đẹp, nhiều diễn viên khác cũng có ngoại hình đẹp, đồng thời là tên tuổi được chú ý của làng giải trí như Nhan Phúc Vinh, Thân Thúy Hà, Minh Phương,…Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để giúp cho phim tạo nên cơn sốt.

Ở yếu tố kịch bản, phim liên tục vấp phải những chỉ trích từ số đông khán giả. Họ cho rằng phim có quá nhiều cảnh nóng, cảnh cưỡng bức, không hợp với văn hóa Việt Nam, nhất là khi phim còn được chiếu ở khung giờ vàng của sóng truyền hình quốc gia.

Đặc biệt, cảnh nóng của phim còn bị khán giả chê rằng nhiều, dàn trải nhưng không đẹp. Nhân vật Ba Trang do Kim Tuyến thủ vai có số lượng cảnh nóng khá nhiều, trung bình mỗi tập phim có 1 đến 2 cảnh nóng. Chia sẻ về ý kiến của khán giả không đồng tình khi phim có nhiều cảnh nóng, Kim Tuyến cho biết “Mộng phù hoa” là bộ phim kể về cuộc đời hồng nhan bạc phận của cô gái được mệnh danh đẹp nhất Sài thành xưa.

Theo Kim Tuyến, đây cũng là bộ phim đầu tiên nói về đề tài xã hội xưa vì trước nay phim xưa chỉ nói về chiến tranh và mâu thuẫn gia đình. Những cảnh cưỡng hiếp trong phim là những cảnh quay cần thiết nhằm khắc họa chính xác nội dung phim. Nữ diễn viên Thân Thúy Hà đảm nhận vai Chín Phương cũng có một số cảnh nóng. Cô cho biết cảnh nóng là thứ “gia vị” không thể thiếu trong phim bởi chính cái tên “Mộng phù hoa” cũng đã thể hiện điều này. Tuy nhiên, các cảnh nóng đã qua kiểm duyệt.

“Mộng phù hoa” bị khán giả chê vì nhiều sạn . Ảnh: Đoàn làm phim

Đạo diễn Nam Yên cho biết “Mộng phù hoa” ngập tràn cảnh giường chiếu nhưng nếu đặt trong tổng thể bộ phim, khán giả sẽ thấy nó không hề khủng khiếp. Có thể khán giả khi xem cảm thấy sốc vì một bộ phim truyền hình phát giờ vàng lại có nhiều cảnh nóng. Tuy nhiên để phù hợp với nội dung về nhân vật Ba Trang, đoàn làm phim muốn truyền tải những gì thật nhất vào bộ phim này.

Cách xây dựng nhân vật Ba Trang trong phim cũng không nhận được sự ủng hộ của khán giả. Nếu như cô Ba Trần Ngọc Trà được mệnh danh là bà hoàng không ngai thì Ba Trang lại là người phụ nữ chuyên dùng nhan sắc của mình làm công cụ kiếm tiền từ giới thượng lưu giàu có. Cô cũng thường xuyên bị dụ dỗ bởi vật chất và những lời hứa ngon ngọt. Nói cách khác, Ba Trang không có khả năng làm chủ cuộc đời. Điều này khiến cho khán giả khó có thể dành tình cảm cho nhân vật.

Tiếp nữa là đạo diễn đã để một số nhân vật xuất hiện rồi “bặt vô âm tín” rất lâu như Mân (Nhan Phúc Vinh đóng), bà Mừng (mẹ của Ba Trang), ông Liến (dượng của Ba Trang), thầy cai đội,… Trong đó, Mân là nam chính, mối tình đầu của Ba Trang nhưng suốt gần một nửa phim, nam chính lại chỉ được xuất hiện trong vài ba phân cảnh.

Điểm yếu nữa của phim là tiết tấu chậm khiến phim lạc hẳn gu thưởng thức của khán giả trẻ. Những bộ phim truyền hình gần đây thường có nhịp độ nhanh, thậm chí là dồn dập mâu thuẫn, căng thẳng ngay từ đầu phim. Thế nên, việc xem một bộ phim dàn trải dễ khiến khán giả trẻ ngán ngẩm và chuyển kênh.

Về mặt hình ảnh, hạt sạn “to đùng” của “Mộng phù hoa” chính là bối cảnh phim. Chỉ nghe tên phim, khán giả đã mường tượng và kỳ vọng về một bộ phim có bối cảnh tái hiện được một Sài Gòn hoa lệ. Nhưng, Sài Gòn xưa trong phim chỉ mang tính chất tượng trưng. Sự giàu có, xa hoa của giới thượng lưu Sài Gòn ngày xưa không được khắc họa sắc nét.

Đa phần bối cảnh được bố trí một cách hời hợt khi là quán cà phê, lúc lại trong nhà,…Sòng bài thường là nơi ồn ào náo nhiệt, đầy thị phi, mưu mẹo thì trong phim, sòng bài được dàn dựng như một buổi gặp gỡ uống trà của Ba Trang và những người bạn. Hay bối cảnh phòng giam trong phim cũng bị khán giả chê giả khi rộng rãi, thoáng mát, người bị tạm giam được ở một mình. Thậm chí, đến nửa bộ phim, đa phần bối cảnh đều xoay quanh các tỉnh miền Tây Nam Bộ thay vì Sài Gòn hoa lệ.

Phim chỉ mang lại sự rung cảm cho khán giả khi khiến họ hoài niệm về một thời quá khứ của bản thân, họ thấy những gì trên phim gần gũi với cuộc sống, văn hóa mà họ hay những thế hệ đi trước họ từng trải qua. Tiêu biểu như bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh, phát sóng cách đây ít lâu, dù có đề tài về xã hội xưa nhưng lại rất được lòng khán giả, kể cả khán giả trẻ. Không bàn đến kịch bản, diễn xuất, chỉ kể đến bối cảnh, phim đã nhận được cơn mưa lời khen.

Với những hạt sạn trên, “Mộng phù hoa” được kỳ vọng là bộ phim đáng xem đã không thật sự thành công như mong đợi cho dù diễn viên đẹp, diễn xuất tốt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với các nhà làm phim. Nếu muốn phim đề tài xưa chinh phục người xem, tạo được hiệu ứng truyền thông tốt ngay từ đầu thì trước hết, phim phải cho họ thấy được sự gần gũi, chân thật bằng bối cảnh đẹp, phù hợp với thời điểm được nhắc tới trong phim. Sau đó mới là kịch bản logic, chặt chẽ, diễn xuất tốt của diễn viên.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mong-phu-hoa-vi-sao-kem-hot-115698.html