Moscow chịu đau để cứu tuyến đường biển Bắc

Tìm cách thu hút các chủ tàu, hàng sử dụng tuyến đường biển Bắc, Nga có thể phải chấp nhận chịu thiệt.

Tuyến đường biển Bắc được cho là trọng tâm trong chiến lược phát triển Bắc Cực của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy có nhiều ưu điểm về thời gian và quãng đường thực hiện hải trình, các chủ tàu vẫn chưa chủ động lựa chọn tuyến hàng hải này trong vận tải biển bởi đi kèm quá nhiều rủi ro.

Một tàu phá băng của Nga di chuyển trên Tuyến đường biển Bắc.

Mới đây, Thứ trưởng phụ trách phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực Alexander Krutikov đã đề xuất các kế hoạch để thu hút các chủ tàu lựa chọn Tuyến đường biển Bắc thay vì hải trình đi qua kênh đào Suez.

Theo ông Alexander Krutikov, nếu lựa chọn hải trình qua Tuyến đường Biển Bắc vốn rủi ro hơn, các chủ tàu sẽ phải trả chi phí bảo hiểm gấp đôi và thuê tàu phá băng của Nga so với lựa chọn hải trình đi qua kênh đào Suez như hiện nay.

Để giảm bớt phần chi phí phát sinh bị cho là bất lợi đó, Thứ trưởng Nga đề xuất Nhà nước lập một công ty điều hành các tàu container phục vụ tuyến đường biển Bắc này.

Công ty này sẽ chi trả mọi chi phí cho bất kỳ rủi ro nào liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa quốc tế trên tuyến hàng hải này, bao gồm các rủi ro trong quá trình vận chuyển và sẽ thanh toán bảo hiểm với giá trị cao hơn.

"Công ty do Nhà nước điều hành sẽ lo chi phí vận chuyển ở Tuyến đường biển Bắc trong khi các chủ hàng tự trang trải các chi phí còn lại" - Thứ trưởng Krutikov cho hay.

Phần tuyến đường mà công ty này chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa là 3.000 hải lý từ Biển Barents tại biên giới Nga với Na Uy đến Eo biển Bering gần Alaska.

Thứ trưởng Nga cho biết, các tàu trung chuyển từ các cảng châu Âu và châu Á có thể đi xa tới cảng Murmansk ở Biển Barents và Kamchatka ở Viễn Đông, đưa hàng hóa đến các điểm trung chuyển. Từ đây, nhà khai thác container của Nga sẽ chịu trách nhiệm về hàng hóa.

Điều này làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển, vì các công ty nước ngoài sẽ không cần thuê tàu Bắc Cực và Nga cũng có thể giữ chi phí trung chuyển ở mức cạnh tranh.

Thứ trưởng Nga cho rằng, chi phí cuối cùng cho các công ty vận chuyển nên thấp hơn các chi phí hiện tại của tuyến đi qua kênh đào Suez, ít nhất ở giai đoạn đầu, nhằm quảng bá tuyến đường này.

Sau quá trình hợp tác vài lần, các chủ hàng sẽ quen và hiểu cơ sở hạ tầng trên tuyến đường biển Bắc, từ đó sẽ tới giai đoạn các chủ tàu sẽ tự thực hiện các quá trình vận chuyển hàng hóa, tuyến đường từ đó sẽ dần được thương mại hóa.

Nhà nghiên cứu Tuomas Kiiski tại Đại học Turku của Phần Lan ước tính, chi phí vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc có thể cao hơn khoảng 36% so với qua kênh Suez.

Nếu Tuyến đường biển Bắc có thể hoạt động trong vòng 225 ngày trong một năm, việc khai thác nó sẽ sinh lời cho Nga. Tuy nhiên, một năm chỉ có 4 tháng mùa hè để di chuyển qua tuyến đường này một cách thuận lợi. Nga nên cân nhắc về khả năng tăng thời gian sử dụng tuyến đường này.

Trong thời gian còn lại, vùng biển Bắc Cực được bao phủ bởi lớp băng dày với nhiệt độ xuống thấp tới âm 40 độ C. Điều đó đòi hỏi các tàu phá băng hoạt động tốn kém trong khi không đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa an toàn.

Theo như phân tích này, Moscow cần gia tăng các giá trị kinh tế khác như chi phí trung chuyển khi không thể làm tăng thời gian sử dụng của tuyến hải trình này trong năm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nga đặt ra kế hoạch sử dụng các nguồn ngân sách từ Nhà nước để giảm chi phí vận tải cho tuyến đường này có thể sẽ càng khiến nước Nga phải chịu lỗ trong một thời gian dài.

Thạch Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/moscow-chiu-dau-de-cuu-tuyen-duong-bien-bac-3389944/