Moscow khai thác dầu tại Iraq-Libya: Cốc Mỹ mò, cò Nga xơi

Từ việc Nga khai thác khí-dầu tại Iraq-Libya, cho thấy nước cờ của Putin với các ván cờ Iraq-Libya cũng rất sắc sảo, chứ không chỉ với ván cờ Syria...

Nga tăng cường thăm dò khai thác khí-dầu tại Iraq

RT đưa tin, ngày 10/10, Tổng giám đốc Công ty dầu mỏ Iraq Dhi Qar (DQOC) Ali Warid Hammood cho hay Tập đoàn dầu mỏ PJSC Lukoil của Nga (LUKOIL) đã chính thức có kế hoạch khai thác dầu tại lô số 10 ở phía nam Iraq.

Theo kế hoạch của LUKOIL, việc khai thác sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2021.

Thời hạn này của Tập đoàn năng lượng Nga đã chính thức được Bộ Dầu khí Iraq chấp thuận. Hiện nay, tại lô số 10, việc thăm dò vẫn tiếp tục được thực hiện.

Vào tháng 3/2018, LUKOIL đã báo cáo dự trữ dầu có thể thu hồi tại mỏ Eridu ở lô 10, sau kết quả khoan giếng Eridu-1, vượt quá 2,5 tỷ thùng. Ông A. Warid cho biết đây là phát hiện lớn nhất ở Iraq trong 20 năm qua.

Tập đoàn dầu mỏ PJSC Lukoil của Nga đã chính thức khai thác khí-dầu tại Iraq

Lô si61 10 nằm ở phía nam của Iraq, thuộc các tỉnh Di-Qar và Muthanna, về phía tây của Basra và cách 120 km từ mỏ West Qurna-2. Chính phủ Iraq thông qua một hợp đồng với LUKOIL để thăm dò, phát triển và sản xuất tại lô số 10 từ năm 2012.

Kể từ khi dự án bắt đầu, các đối tác đã thực hiện thành công việc rà phá bom mìn trên toàn bộ lãnh thổ khu vực, thực hiện 2.022 km thăm dò địa chấn 2D và khoan giếng Eridu-1 sâu 3.168 m.

Từ cuối năm 2017, các hoạt động khoan dò tìm được thực hiện song song với khảo sát địa chấn 3D, được thực hiện bởi Công ty thăm dò dầu mỏ của nhà nước Iraq mà LUKOIL đã ký hợp đồng.

Sản xuất tại lô số 10 được tính trong 20 năm khi dự trữ thương mại được xác nhận, với khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa. LUKOIL sở hữu 60% cổ phần dự án và nhờ vậy trở thành nhà điều hành, 40% còn lại thuộc về Tập đoàn Inpex của Nhật Bản.

Trong một diễn biến khác, ngày 27/8, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã đưa dây chuyền sản xuất với công suất 800 triệu m3/năm trong khu phức hợp chế biến khí ở mỏ Badra, Iraq vào hoạt động, thông qua công ty Gazprom Neft Badra.

Theo thông báo của Gazprom Neft, việc đưa dây chuyền công nghệ mới này chính thức đi vào hoạt động là giai đoạn cuối của dự án tạo cơ sở hạ tầng chế biến khí đốt của tập đoàn này ở mỏ Badra.

"Với việc đưa dây chuyền số 2 trong khu phức hợp vào vận hành, chúng tôi hoàn thành việc thành lập một cơ sở hạ tầng chế biến khí hiện đại ở Badra, giúp đảm bảo tận dụng không ít hơn 95% lượng khí đồng hành.

Nhà máy chế biến khí đốt ở Badra là bộ phận quan trọng của Gazprom Neft trong một khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao đồng thời là yếu tố quan trọng của hệ thống năng lượng toàn khu vực", Phó giám đốc Gazprom Neft, Yakovlev cho biết.

Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao của Gazprom Neft ở Badra, Iraq

Tháng 12/2017, trong khuôn khổ của dự án này, dây chuyền đầu tiên với chu trình đầy đủ của nhà máy chế biến khí đã được đưa vào hoạt động. Tổng công suất của nhà máy xử lý khí là 1,6 tỷ m3/năm.

Mỏ Badra nằm ở tỉnh Wasit ở miền đông Iraq, có trữ lượng địa chất ước tính khoảng 3 tỷ thùng dầu. Trong tháng 3/2017, tổng sản lượng dầu khai thác được ở mỏ này đã lên đến 5 triệu tấn.

Tháng 1/2010, chính phủ Iraq đã ký hợp đồng với một liên danh các tập đoàn năng lượng gồm Gazprom Neft của Nga, Tập đoàn Kogas của Hàn Quốc, Tập đoàn Petronas của Malaysia và TPAO của Thổ Nhĩ Kỳ, cho dự án khai thác mỏ Badra.

Cổ phần của Gazprom Neft trong dự án là 30%, Kogas là 22,5%, Petronas là 15%, TPAO là 7,5%, còn cổ phần của chính phủ Iraq, được đại diện bởi Công ty thăm dò dầu khí Iraq (OEC), là 25%. Vì vậy, Gazprom Neft đóng vai trò điều hành dự án.

Dự án phát triển khu phức hợp xử lý khí đồng hành được thiết kế để hoạt động trong 20 năm với khả năng gia hạn thêm 5 năm. Nhờ dự án, Gazprom Neft đã kiếm được thêm nhiều nguồn lợi từ các thành phần hydrocacbon được sản xuất ở mỏ Badra.

Đặc biệt, tháng 9/2017 Gazprom Neft từng cho biết đã có 1,78 triệu thùng dầu được chuyển tới Mỹ trên tàu chở dầu New Solution. Đây là một giao dịch thương mại lớn nhất mà tập đoàn này thực hiện với khách hàng Mỹ.

Như vậy, Nga đã tiến hành thăm dò và khai thác khí-dầu tại Iraq gần chục năm nay, dù Moscow không trực tiếp tham gia vào việc lật đổ chế độ Saddam Hussein cũng nhưng không tham gia sắp đặt bàn cờ chính trị Iraq thời hậu Saddam.

Nga "hái quả ngọt" tại Iraq trong bối cảnh Mỹ - tác giả chính lật đổ Saddam Hussein và dựng lên một chính thể thân Mỹ tại Baghdad - phải gồng mình xử lý những "sản phẩm lỗi" phát sinh từ nước cờ của mình như IS hay lực lượng chống Mỹ.

Trong khi đó Mỹ phải lo xử lý những sản phẩm lỗi của mình

Không những vậy, nhiều lực lượng chính trị được Mỹ tạo dựng và kết đồng minh đã quay lưng Mỹ và ngả về Nga - trong đó có cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki - giúp nâng tầm ảnh hưởng cho Nga trong bàn cờ chính trị được chính Mỹ tạo dựng.

Nga khai thác dầu tại Libya và tận dụng tối đa ưu đãi OPEC dành cho Tripoli

Không chỉ tại Iraq, mà ở Libya - một ván cờ không hoàn hảo của Mỹ - Nga cũng đã hái quả ngọt, dù Moscow không tham gia lật đổ chế độ của Muammar Gaddafi và cũng không tham gia vào việc sắp đặt bàn cờ chính trị Libya thời hậu Gaddafi.

Còn nhớ ngày 10/7/2017, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya Mustafa Sanalla từng cho biết, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã bắt đầu khai thác dầu thô tại Libya.

Đặc biệt Libya là một trong hai quốc gia thành viên OPEC được miễn cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô vì ảnh hưởng của cuộc nội chiến. Đây là lợi điểm bị Libya lãng phí và Nga đã tận dụng triệt để.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/moscow-khai-thac-dau-tai-iraq-libya-coc-my-mo-co-nga-xoi-3367250/