Moscow nói trắng về Crimea, ông Zelensky sẽ bỏ ý định?

Tổng thống Putin sẽ không thảo luận về Crimea chung với vấn đề ở miền Đông Ukraine như Tổng thống Zelensky mong muốn.

Ngày 14/10, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã bình luận về ý tưởng thảo luận về vấn đề Crimea trong cuộc thảo luận về hòa bình Donbass theo định dạng Normandy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố đã đóng lại vấn đề Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố đã đóng lại vấn đề Crimea.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga nhấn mạnh, vấn đề Crimea trở thành lãnh thổ của Nga đã khép lại và Điện Kremlin loại bỏ mọi nỗ lực đàm phán liên quan đến vấn đề lãnh thổ này.

"Đối với câu hỏi về Crimea, trong bất kỳ định dạng nào, dù là Normandy hay định dạng khác đều không thể chấp nhận. Vấn đề này đã được khép lại" - người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Theo ông Dmitry Peskov, ít nhất theo định dạng Normandy, các quốc gia Nga, Ukraine, Đức và Pháp có thể quay trở lại để đàm phán về hòa bình ở miền Đông Ukraine.

“Chúng tôi không thể dành quá nhiều thời gian để theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi của ông ấy với các đại diện truyền thông. Nhưng những tuyên bố quan trọng của ông ấy đã được đọc và báo cáo lên Tổng thống (Vladimir) Putin” - ông Peskov cho biết thêm.

Bình luận của ông Peskov đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố vấn đề thu hồi Crimea về lại Ukraine sẽ là vấn đề tiếp sau khi Kiev giành lại được Donbass. Tuyên bố này được ông Zelensky trả lời báo chí trong cuộc họp báo marathon kéo dài 14 giờ đồng hồ liên tục, là cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống vào tháng 5 vừa qua.

Ông Zelensky hồi tháng 9 cho biết ông đã đề cập tới vấn đề Crimea trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Theo ông Zelensky, ông Trump đã hứa sẽ hỗ trợ Ukraine “lấy lại” bán đảo Crimea.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược châu Âu Yalta ở Kiev ngày 13/9, ông Zelensky tuyên bố “sẽ đấu tranh để giành lại Crimea”, và “không chỉ bằng lời nói suông”.

Hồi tháng 5, Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố Ukraine sẽ giành lại Crimea dù chặng đường để đạt được mục tiêu này không đơn giản. Ông Zelensky dự kiến sẽ đưa ra đề xuất trên nếu có cơ hội gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Kể cả ngay khi ông Zelensky nỗ lực ngoại giao để đối mặt với Tổng thống Vladimir Putin, ông Zelensky cũng khó có thể được chấp thuận bất cứ giải pháp đàm phán nào để giành bán đảo Crimea thuộc về Ukraine như trước nữa.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 tại Crimea, Nga đã sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ, trong khi chính quyền Ukraine và một số nước phương Tây không công nhận điều này. Vào thời điểm đó, 96,7% người Crimea đã chọn tách rời khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Liên Hợp Quốc đưa báo cáo nhân quyền, tố Nga dùng biện pháp thay đổi nhân khẩu học để "chiếm" Crimea.

Mới đây, trang tin tức UNIAN của Ukraine đăng tải một báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về tình hình nhân quyền tại Crimea và thành phố Sevastopol.

Trong đó, báo cáo nhận xét người Nga đã vi phạm các công ước quốc tế khi cố gắng tái định cư người Nga trên bán đảo Crimea và từ chối cấp quyền công dân cho những người Ukraine trên bán đảo Crimea. Đây được cho là hành động "cố gắng thay đổi nhân khẩu học" của Nga đối với Crimea.

Theo báo cáo này, ít nhất 947 cá nhân, đa phần là người Ukraine đã không được tòa án liên bang Nga chấp thuận là có quyền cư trú tại Crimea.

Phó Chủ tịch Ủy ban Thông tin của Liên hợp quốc của Nhóm Đông Âu (EEG) - ông Oleh Nikolenko được dẫn lời trong báo cáo cho biết, Nga đã áp dụng 2 chính sách song song.

"Một là ép những người không ủng hộ chính quyền mới ở Crimea phải rời khỏi bán đảo. Mặt khác họ đưa thêm 140.000 công dân Nga (giai đoạn 2014- 2018) đến bán đảo, bao gồm cả quân nhân. Con số này khiến bán đảo tăng dân số lên 5%, giúp ích cho nỗ lực thôn tính bán đảo, phục vụ hoạt động chiếm đóng của Nga" - ông Oleg Nikolenko cáo buộc.

Cuối tháng 12/2018, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công bố Nghị quyết ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền trên bán đảo Crimea, đồng thời cáo buộc chính quyền hiện tại "thiết lập bất hợp pháp luật pháp, quyền tài phán và chính quyền" trên bán đảo.

Bản Nghị quyết được soạn thảo bởi Ukraine đã được thông qua với 66 quốc gia ủng hộ, 19 phiếu chống, và đa số phiếu trắng (72 phiếu).

Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea Efim Fix đã chỉ trích Nghị quyết này.

"Nên thiết lập một Ủy ban và để họ tới Crimea. Họ có thể ghé thăm bất kỳ khu định cư nào họ muốn để xem xét về những cáo buộc. Thật xấu hổ khi các quốc gia bỏ phiếu cho một Nghị quyết mà họ không biết bản chất của vấn đề.

Nếu không thấy bất kỳ vi phạm nhân quyền nào, họ nên đến Quảng trường Lenin ở Simferopol (quảng trường trung tâm ở Crimea) và xin lỗi trước đám đông người dân Crimea" - ông Efim Fix tuyên bố.

Kể từ khi trở về lãnh thổ Nga, rất nhiều phái đoàn nhân quyền của châu Âu, bao gồm cả từ Mỹ đều tới bán đảo Crimea và ghi nhận tình trạng tích cực trên bán đảo.

Người dân Crimea cải thiện kinh tế nhờ lượng du khách lớn tới đây, gồm cả những du khách từ châu Âu và Mỹ.

Vấn đề năng lượng đã được làm chủ khiến người dân Crimea tự tin phát triển kinh tế mà không còn bị phụ thuộc vào đất liền Ukraine như trước khi sáp nhập vào Nga.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/moscow-noi-trang-ve-crimea-ong-zelensky-se-bo-y-dinh-3389518/