Moscow trở lại lục địa đen

Châu Phi ngày càng trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế. Điều quan trọng là không được bỏ lỡ cơ hội

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nhập Châu Phi và Các vấn đề cộng đồng của Cộng hòa Togo, Robert Dusseil và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (từ trái sang phải) (Ảnh: Dịch vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao Nga / TASS)

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nhập Châu Phi và Các vấn đề cộng đồng của Cộng hòa Togo, Robert Dusseil và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (từ trái sang phải) (Ảnh: Dịch vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao Nga / TASS)

Tờ République togolaise mới đây viết: Sau nhiều năm vắng bóng, Moscow muốn giành lại chỗ đứng ở châu Phi và Nga có mọi cơ hội cho điều này.

"Moscow có một số lợi thế: không có quá khứ thuộc địa, trước đây đã có sự hỗ trợ cho các phong trào giải phóng châu Phi và đào tạo nhiều cán bộ trong các trường đại học của Liên Xô", tờ báo lưu ý.

Ngoài ra, Nga luôn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, ủng hộ khái niệm thế giới đa cực và quan tâm đến hợp tác kinh tế. Các thị trường nguyên liệu thô, ngũ cốc, thiết bị quân sự và an ninh, hàng không dân dụng, viễn thông và cơ sở hạ tầng đều có tiềm năng quan trọng đối với Moscow.

“Ngày nay, khát vọng của Nga không còn là ý thức hệ như thời Liên Xô, mà là nhằm mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế", République togolaise lưu ý rằng Moscow không ngần ngại sử dụng quyền lực mềm để trở lại châu Phi”.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Các vấn đề nước ngoài của Cộng hòa Togo, Robert Dusset, nói rằng Nga quan tâm đến việc phát triển các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh châu Phi, diễn ra tại Sochi vào năm 2019.

Ông Sergei Lavrov nhắc lại rằng, theo kết quả của Hội nghị, một Hiệp hội Hợp tác Kinh tế với các nước châu Phi đã được thành lập tại Nga, bao gồm đại diện của các bộ phận liên quan và các công ty lớn của Nga. Ngoài ra, một hiệp hội chính trị "Diễn đàn Đối tác Nga-Châu Phi" cũng đã được thành lập.

Ông Sergey Lavrov đã thông báo về việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi 2022, sẽ thảo luận về các vấn đề chống khủng bố và các mối đe dọa khác của thời đại hiện nay, cũng như các vấn đề về kinh tế và đầu tư.

“Ở đây chúng tôi vẫn đi sau một chút so với các quốc gia khác, nhưng kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi gần đây đã tăng khá nhanh. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm bù đắp khoảng thời gian đã mất trong những năm đó” - ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng một nền tảng vững chắc cho điều này đã được xây dựng từ thời Liên Xô và tất cả mọi người còn nhớ rõ điều này. Rõ ràng là, đã đến lúc Nga phải nhanh chóng đến với châu Phi.

Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Leonid Fituni - Phó Giám đốc Khoa học kiêm Trưởng ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định:

- Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế, khắc phục các vấn đề kinh tế mà phương Tây đã tạo ra cho Nga, và thoát ra khỏi vòng hạn chế đang được các quốc gia thực sự coi Nga là kẻ thù áp đặt một cách vô căn cứ.

Để phục hồi nền kinh tế, đảm bảo cho các ngành công nghiệp đang phát triển, Nga cần phải có thị trường để bán hàng, các đối tác kinh tế, các quốc gia và châu lục sẽ quan tâm đến sản phẩm của Nga.

Lục địa châu Phi là một trong những khu vực mà từ trước tới nay vẫn đối xử tốt với Nga, mặc dù thực tế là nó đang chịu ảnh hưởng thông tin khá mạnh mẽ của phương Tây.

Thực tế là họ không có phương tiện truyền thông nào riêng và những phương tiện truyền thông hiện có chỉ có tác động hạn chế đến khán giả. Khoảng 60% những gì xuất hiện trong không gian thông tin của châu Phi đều có nguồn gốc từ phương Tây.

Nhiệm vụ đặt ra là phải thiết lập các kết nối có lợi cho Nga. Nhưng rõ ràng là nếu mối quan hệ được xây dựng trên nguyên tắc chỉ có lợi cho bản thân thì phía bên kia sẽ không thể mặn mà.

Kiểu quan hệ đang được xây dựng sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi đầu tiên được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích kép: phía Nga sẽ đề xuất còn phía châu Phi sẽ dần hình thành ngày càng rõ ràng hơn những lĩnh vực mà họ quan tâm.

Đó là nền kinh tế kỹ thuật số, dược phẩm và sinh học, v.v. Bạn bè của Nga và kể cả những quốc gia không phải có mối quan hệ thân thiết ở phương Đông và phương Tây (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU) đã được giới thiệu về những lĩnh vực này từ lâu và đang phát triển quan hệ.

Nhiệm vụ được đặt ra đối với phía Nga là xác định các lĩnh vực lợi ích của châu Phi, cung cấp những gì Nga đang có, chiếm lĩnh các lĩnh vực còn trống, sẵn sàng thay thế các đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực đã chiếm lĩnh và đảm bảo lợi ích kinh tế cho mình.

Còn từ quan điểm chính trị, Nga dứt khoát dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, không cần tìm hiểu xem các nước châu Phi là tư bản hay xã hội chủ nghĩa. Không cần quan tâm quá mức tới việc họ muốn sống, muốn xây dựng kinh tế, nhà nước như thế nào. Đây chỉ là mối quan hệ hoàn toàn mang tính kinh doanh nhưng thân thiện.

Những gì châu Phi có thể cung cấp cho phía Nga? Trước hết, châu Phi có thể cung cấp thị trường cho các doanh nghiệp Nga, những doanh nghiệp đang cần bán hàng hóa và mang về tiền tệ.

Sau khi EU lôi kéo được thêm các nước thuộc Baltics và một số lãnh thổ khác thuộc Liên Xô cũ, thị trường của Nga giảm đáng kể và còn do một số hạn chế về hợp tác, hàng rào hải quan, v.v. được đưa ra.

Nhưng điều quan trọng trong quan hệ hai bên lúc này là cần phải theo nguyên tắc đưa ra cái gì anh có, cái gì tôi thích chứ không phải theo nguyên tắc chỉ đưa ra những thứ mang tính chất chào hàng.

Nga thì đang cần những thị trường có thể cảm nhận được sản phẩm của mình, và về mặt này, châu Phi luôn mở cửa cho phía Nga. Ngược lại, châu Phi cũng có thể cung cấp cho Nga nguyên liệu thô và khả năng thành lập các liên doanh, về hình thức thì là của họ, nên nhận được nhiều đặc quyền tại thị trường các nước phát triển.

Thực tế là trong khuôn khổ LHQ và WTO có một hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận hàng hóa của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém giàu có hơn, trong đó có các nước châu Phi. Nghĩa là, Nga sẽ có một cơ hội lớn để mở rộng thị trường, để phát triển.

Nhiều vấn đề như vậy đã được nói đến tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, và bây giờ các cơ hội hợp tác cụ thể đang được phân tích.

Và điều quan trọng nhất: Đừng nghĩ rằng Châu Phi là vùng đất sinh sống của những con người hoang dã và ít học. Châu Phi có khoa học riêng của nó và trong một số lĩnh vực số hóa, có một số nước còn đi trước cả Nga.

Vấn đề còn lại là, Nga có thể cạnh tranh mạnh mẽ như thế nào với EU, Trung Quốc và Hoa Kỳ tại thị trường châu Phi? Giáo sư Leonid Fituni cho rằng:

- Ngày nay chúng ta (Nga -ND) thực tế không xem xét vấn đề cạnh tranh, mặc dù chúng ta nhìn thấy vấn đề và có tính toán đến điều đó. Chiến lược của chúng tôi không mang tính cạnh tranh, chiến lược của chúng tôi là tập trung vào các ngách chưa có người sử dụng. Để bắt đầu di chuyển, trước hết cần phải có được chỗ đứng đã, để từ đó phát triển những lĩnh vực cơ bản.

Chúng tôi hiểu rằng sẽ có những kẻ “chọc gậy bánh xe”, và họ đã bắt đầu làm điều đó. Nhưng đối với vấn đề này, đã có những người chuyên nghiên cứu về Châu Phi, Viện Châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang phải tính toán điều này.

Nguyễn Quang (Theo “Svobodnaia pressa” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/moscow-tro-lai-luc-dia-den-3428263/