Một 'bản án' kỷ luật kỳ lạ khi bác sĩ làm đúng quy trình?

Một bác sĩ ở Gia Lai xử trí lấy thai nhi đúng quy trình, quy định nhưng vẫn chịu hình thức kỷ luật.

Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình giải thích về nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Kỷ luật bác sĩ phẫu thuật đúng quy định, đúng quy trình?

Khoảng một tháng trước, ngày 15/8, chị Nguyễn Thị Hồng Đào (SN 1994, trú tại P. Yên Thế, TP. Pleiku, Gia Lai) có biểu hiện chuyển dạ nên được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để sinh. Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, Trưởng khoa Sản bệnh viện được chỉ định thực hiện ca phẫu thuật lấy thai nhi thành công. Tuy nhiên, ngày xuất viện, trên giấy ra viện ngoài nội dung lấy thai nhi còn thể hiện nội dung chị Đào bị rách bàng quang.

"Cả đời làm Bác sĩ của tôi cứu nghìn người nhưng khi sự cố thì gần như chẳng ai bảo vệ tôi. Tôi đơn phương độc mã trước búa rìu dư luận và cả trước lãnh đạo của mình. Nếu là Bác sĩ trẻ chắc họ sốc lắm, động lực phấn đấu và năng lượng để sáng tạo trong chuyên môn gần như bị triệt tiêu".

Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Người nhà của sản nhi đã đến gặp bác sĩ Bình đề nghị cam kết chịu trách nhiệm việc này nhưng bác sĩ Bình từ chối. Trước sự từ chối này, người nhà bệnh nhân đã làm đơn cầu cứu đề nghị báo chí vào cuộc giúp đỡ. Sau khi báo chí đăng tải, nhiều ngành chức năng và cả Bộ Y tế cũng chỉ đạo kiểm tra vụ việc.

Ngày 14/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Nguyễn Đình Tuấn sau khi nhận được kết luận của hội đồng y khoa đã ký báo cáo gửi Bộ Y tế, UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan chức năng kết luận vụ việc.

Theo đó, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do sản phụ có vết mổ cũ gây dính nhiều. Quá trình mổ lấy thai, bóc tách dính giữa bàng quang và tử cung nên gây thủng bàng quang.

Theo Sở Y tế Gia Lai, việc bác sĩ Bình "lấy thai cho sản phụ Nguyễn Hồng Đào là đúng chỉ định, đúng quy trình". Kết luận này cũng nêu "quá trình mổ lấy thai gây thủng bàng quang là do sự cố y khoa ngoài ý muốn".

Trả lời Báo Giao thông, bác sĩ Phạm Bá Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: Trường hợp này là sai sót ngoài ý muốn, với thầy thuốc là sai phạm. Vì bất cứ ca mổ nào cũng phải an toàn cho người bệnh. Bệnh viện Họp hội đồng khoa học và hội đồng bệnh viện đều mời bác sĩ Bình tham dự.

Việc xử lý cho bác sĩ Bình nghỉ ngơi một thời gian không phải là hình thức kỷ luật mà để cho tâm lý anh ấy ổn định. Tâm lý như hiện nay thì không thể để anh Bình trực tiếp mổ, để an toàn cho anh ấy và cũng an toàn cho người bệnh.

Cũng theo ông Mỹ, bác sĩ Bình bị xếp loại sai phạm nên cắt các khoản thưởng ngoài lương theo quy chế.

Sự cố bất khả kháng?!

Để giúp độc giả hiểu rõ cụm từ "sự cố y khoa ngoài ý muốn", Báo Giao thông đã gặp và trao đổi với bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật lấy thai nhi gây rách bàng quang của sản phụ.

Bác sĩ Bình cho biết, trước khi phẫu thuật đã thông báo cho người nhà về tai biến có thể xảy ra trong quá trình lấy thai nhi.

Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân này từng phẫu thuật lấy thai nhi một lần nên việc tai biến trong quá trình phẫu thuật lần 2 sẽ tăng lên. Quá trình phẫu thuật, bàng quang bám dính vào thành tử cung do hậu quả của vết phẫu thuật trước nên buộc phải bóc tách bàng quang ra khỏi diện bám của cơ tử cung, rạch cơ tử cung để lấy thai nhi.

"Trước tính mạng của mẹ và thai nhi, tôi buộc phải xử lý như vậy. Ngay sau khi sự cố xảy ra, tôi đã mời hội chẩn với bác sĩ trực lãnh đạo và Bác sĩ Khoa ngoại để báo cáo sự việc và tiến hành xử lý sự cố bằng cách khâu lại bàng quang đúng quy trình", bác sĩ Bình nói.

Nói thêm về điều này, bác sĩ Bình cho biết: "Người phụ nữ chưa phẫu thuật lấy thai lần nào thì bàng quang bám vào tử cung nhờ một lớp màng mỏng ở đoạn eo tử cung. Đây cũng là vị trí mở tử cung để lấy thai nhi ra. Khi phẫu thuật lần đầu, việc dính này bóc tách rất dễ nên khó tổn thương tới bàng quang. Những phụ nữ đã có phẫu thuật lấy thai trước đó, khi mang thai lại, bàng quang sẽ dính liền với tử cung. Nên, khi phẫu thuật lại việc bóc tách tử cung ra khỏi bàng quang sẽ khó khăn và dễ tổn thương cho bàng quang hơn", bác sĩ Bình giải thích.

Vị trí bóc tách bàng quang với tử cung để lấy em bé trong phẫu thuật lấy thai nhi. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Không ai bảo vệ tôi

Bác sĩ Bình cho biết: "Sau sự cố, gia đình bệnh nhân bắt tôi phải viết cam kết nếu có vấn đề gì với bệnh nhân, bác sĩ phải chịu trách nhiệm. Tôi có giải thích cho gia đình bệnh nhân rằng, tôi làm cho bệnh viện, xảy ra sự cố y khoa thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm chuyên môn với cơ quan, với nhà nước. Tôi không thể đơn phương viết cam kết với bệnh nhân theo yêu cầu được. Cả đời tôi làm việc, 32 năm cả nghìn trường hợp phẫu thuật nếu ai cũng đề nghị tôi viết cam kết như thế thì làm sao tôi viết được", bác sĩ Bình nói.

Về hình thức kỷ luật, Sở Y tế Gia Lai đồng ý với đề xuất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai là đình chỉ bác sĩ không tham gia trực và phẫu thuật trong vòng 3 tháng kể từ ngày 11/9. Bệnh viện này cũng "cắt" các chế độ phụ cấp ngoài lương từ 11/9-31/12/2018 của bác sỹ Bình.

Trước kết luận trên, bác sĩ Bình tỏ ra khá thất vọng vì theo kết luận là "đúng quy định" và "đúng quy trình" nhưng vẫn bị chịu hình thức như kỷ luật.

"Hơn 32 năm làm việc trong ngành Y, tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn vì một hình thức kỷ luật lạ đời như thế.

Đáng ra tôi không lên tiếng, nhưng từ khi xảy ra sự cố, chẳng ai trong Ban Giám đốc bệnh viện động viên, hỏi thăm tôi một lời nào. Nay lại ra một hình thức như kỷ luật này khiến tôi quá bức xúc. Chẳng ai lên tiếng bảo vệ nên tôi buộc phải lên tiếng tự phải bảo vệ mình", bác sĩ Bình nói.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/mot-ban-an-ky-luat-ky-la-khi-bac-si-lam-dung-quy-trinh-d271869.html