Một bàn tay không tạo thành tiếng vỗ

Nếu ở đâu trong thế giới rộng lớn bao la ngoài kia, cũng có nguy cơ của bạo lực và tác động xấu đến sự phát triển hình thành tính cách và nhân cách con người, thì chí ít, chúng ta cũng hi vọng và ở chừng mực nào đó tin tưởng rằng, sau cánh cổng trường, đó là một thế giới an toàn và môi trường giáo dục tích cực với trẻ.

Tiếc rằng, gần đây, liên tiếp các công văn từ Cục Nhà giáo, từ Bộ GD&ĐT về việc làm rõ hành vi thầy cô giáo bị hành hung ngay trong lớp học đã khiến chúng ta có phần “hoảng hốt”: Rằng nhà trường đã không an toàn như trước và khi người lớn nhen nhóm bạo lực, thì hỏi văn hóa và nhân cách của trẻ sẽ như thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, tương đối giống nhau, rằng: Có phải con người bây giờ dễ nổi nóng và có xu hướng bạo lực hơn trước? Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng: Áp lực và sự biến đổi của cuộc sống, ảnh hưởng của công nghệ và nhiều nhân tố khác từ môi trường đã góp phần tạo nên một thế hệ mau nổi nóng. Điều đó thể hiện qua rất nhiều chuyện: Đánh nhau khi va chạm giao thông, cãi nhau trong gia đình, mà đỉnh điểm là mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn nhóm, dẫn đến hành vi phạm tội hình sự.

Môi trường học đường rất cần sự an toàn, trong sáng để trẻ có thể phát triển về nhân cách và văn hóa. Ảnh: P.T

Theo Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2013-2016, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý hơn 42.000 đối tượng, trong đó hơn 75% là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. So với trước đây, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, những hành vi bạo lực trong trường học ngày càng tăng và đa dạng.

Ngay cả với một đứa trẻ 2 tuổi, xu hướng nóng giận cũng bắt đầu nhen nhóm, nếu cha mẹ không cho sử dụng điện thoại, đứa trẻ đó bắt đầu nổi nóng, bứt rứt và không tập trung cho những việc khác.

Liệu có phải chỉ có internet là nguyên nhân khiến cho xu hướng nóng giận, hành vi bạo lực được tăng cao hay không? Trên thực tế, hành vi mới chính là nhân tố ảnh hưởng đến trẻ: Hành vi của người lớn, hành vi trong xã hội, hành vi trên internet.

Và vì cuộc sống có quá nhiều thứ có thể ảnh hưởng không tốt đến hành vi của trẻ đến vậy, nên ai trong chúng ta chí ít cũng mong mỏi: Ở môi trường giáo dục học đường, sẽ chỉ có những hành vi tốt và không gian tốt, cho sự phát triển của các em. Vậy, với những bậc phụ huynh lao vào trường đánh thầy cô giáo, thì thông điệp và hành vi muốn truyền tải của các bậc phụ huynh này là gì?

Chỉ chưa đầy một tháng, từ việc cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối ở Long An, đến thầy giáo ở Nghệ An bị người nhà của học sinh đánh, đã khiến cho không ít người hoảng hốt về hành vi ứng xử không đẹp của người lớn, lại ồn ào diễn ra ngay tại môi trường học đường.

Đáng nói nhất, mới đây, TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – đã ký văn bản gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An; Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An; Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An; Liên đoàn Lao động TP Vinh, tỉnh Nghệ An về việc bảo vệ giáo sinh thực tập tại trường Mầm non Việt – Lào (TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Vinh và trường Mầm non Việt - Lào vào hồi 8g ngày 22-3 -2018, tại trường Mầm non Việt - Lào đã xảy ra vụ việc giáo sinh thực tập Phan Thị Hiên bị phụ huynh Phan Thị Nghĩa là mẹ của cháu Trần Phan Đăng Khoa, học sinh lớp 5E hành hung khi phát hiện con có vết thâm ở chân, khiến thực tập sinh Phan Thị Hiên phải nhập viện điều trị và có nguy cơ sảy thai.

Hành vi của vị phụ huynh này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe và tinh mạng của người khác, tạo tâm lý bất an cho đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong hệ thống cảc trường mầm non trên toàn quốc, gây bức xúc trong xã hội.

Sau mỗi sự việc đó, người lớn bận bàn xem bên nào đúng, bên nào sai, nhưng không ai bàn xem hành vi đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ. Đem bạo lực đối đầu với đòn roi, chúng ta sẽ nhận lại một thế hệ nổi nóng và có xu hướng bạo lực hơn mà thôi.

Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận, xây dựng văn hóa con người là cần thiết nhất cho mọi sự phát triển. Đáng ra, theo đúng quy luật, khi kinh tế phát triển, khi đời sống con người ngày một cao hơn, thì văn hóa con người cũng phải được nâng lên một bậc.

PGS.TS Trần Hữu Quang (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã có lần cho rằng: Cần thẳng thắn nhìn lại coi có phải nền đạo đức xã hội ở Việt Nam đang có nguy cơ (hay đã) băng hoại, vì đã quá chú trọng những mục tiêu ngoại trị mà bỏ quên yêu cầu xây dựng một nền đạo đức tự trị hay không. Và để có thể làm điều này thì không phải chỉ cần xem xét lại triết lý giáo dục trong nhà trường và gia đình, mà còn phải cải tổ cả ở quy mô rộng lớn hơn đối với triết lý xã hội, hay nói chính xác hơn là triết lý quản lý xã hội.

Tất nhiên, có nguyên nhân mới có hệ quả, ở đây, thiếu tôn trọng thầy cô, mang bạo lực từ xã hội nhen nhóm vào môi trường học đường, có hành vi bạo lực với thầy cô, bạn bè…luôn là sai. Nhưng qua những sự việc trên, thầy cô giáo cũng cần xem lại phương pháp giáo dục của mình. Có thể, phương pháp đòn roi, trách phạt đã không còn phù hợp nữa, cũng có thể, hình thức trách phạt các em chưa phù hợp.

Một bàn tay không bao giờ tạo thành tiếng vỗ, cái lý tưởng nhất của giáo dục là sự kết hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa gia đình và nhà trường, nơi mà tư duy giáo dục của phụ huynh và nhà trường đồng quan điểm. Nhưng nếu có sự khác nhau, có sự chênh lệch nhất định, có nhiều cách để trao đổi lại, thay vì dùng bạo lực đáp trả.

Xây dựng văn hóa con người, rõ ràng không phải là chuyện riêng của nhà trường, trẻ nhỏ trưởng thành chịu tác động của tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nhà trường, gia đình, xã hội, phần đa tính cách của trẻ chịu tác động từ tính cách và hành vi của bố mẹ. Vì vậy, muốn trẻ nỏ trở thành một người người tử tế, có văn hóa, trước tiên, người lớn phải văn hóa, và đừng nhen nhóm hành vi bạo lực trong lòng các em.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mot-ban-tay-khong-tao-thanh-tieng-vo-112853.html