'Một bộ phận cơ quan công quyền vẫn coi hợp tác với doanh nghiệp như ban ơn'

PGS, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ.

PGS, TS. Trần Đình Thiên

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải pháp nhằm thúc đẩy các dự án PPP đóng góp nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là những chủ đề được các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP” diễn ra sáng 8/11 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu, Bộ KHĐT, Thư ký Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 11/2019).

Theo đó, Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa các quy định tốt đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới.

Rành mạch hơn trong quản lý vốn

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, tháng 8/2019, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chủ trì và phối hợp cùng đại diện của Bộ GTVT, Sở GTVT tại các địa phương tổ chức chương trình khảo sát 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ Cần Thơ tới Quảng Ninh trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP.

Thông qua khảo sát, Hiệp hội nhận thấy có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua. Vướng mắc đầu tiên được nhà đầu tư nhắc đến là thể chế. Đây là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư PPP, cụ thể là nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn.

"Trước đây quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiện nay, đã có những quy định quản lý khác, nhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó", ông Chủng đánh giá.

Vì vậy, Dự thảo luật mới cần rành mạch hơn trong quản lý vốn, nên chia tách vốn đầu tư công và tư để quản lý và thứ 2 là vướng về quản lý dự án đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội VARSI nhấn mạnh.

 Toàn cảnh tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP”

Toàn cảnh tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP”

Hợp tác công tư cần bình đẳng theo luật

Một trong những điểm bất cập được các doanh nghiệp nêu ra trong Dự thảo Luật PPP là việc khu vực công - tư cần được bình đẳng trong Luật.

TS. Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, cần bình đẳng trong mối quan hệ dân sự giữa nhà đầu tư với Chính phủ mà đại diện là Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

"Theo ông Huệ, theo hợp đồng đã ký, doanh nghiệp đặt trạm thu phí ở đấy, tại sao một vài người đến đó gây rối, đếm xe. Thế hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp với Bộ GTVT có hiệu lực không. Ai bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư lúc này", ông Huệ đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khang, Phó TGĐ CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO bày tỏ những khó khăn của doanh nghiệp BOT hiện nay và đòi hỏi doanh nghiệp phải được tôn trọng, nếu hợp đồng bị điều chỉnh thì nhà nước phải có cách thức giải quyết đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.

"Từ khi vướng mắc, xung đột xảy ra, chúng ta cứ đổ cho chưa có Luật. Nhưng Luật chưa có thì có phải do lỗi của người dân hay doanh nghiệp hay không?", ông Khang bức xúc nói.

PGS, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ. Rõ ràng điều này là rất không nên.

Kể cả trong dự thảo luật PPP có bàn về cơ chế chia sẻ rủi ro, trong đó Chính phủ bù không quá 50% phần hụt thu và hưởng không ít hơn 50% phần vượt. Thì tư tưởng này hóa ra lại theo kiểu lỗ thì chịu ít mà lời thì ăn nhiều. Lợi ích của nhà nước trong các dự án PPP là lợi ích xã hội, lợi ích lâu dài chứ không phải lợi ích tính bằng tiền.

Một khó khăn hiện nay là giá phí. Các doanh nghiệp luôn muốn vòng đời dự án ngắn để nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, sẽ đẩy giá phí cao lên, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp vận tải. Do vậy, tôi đưa ra phương án vẫn kéo dài thời gian dự án, nhà đầu tư thu phí trong một thời gian, ví dụ là 10 năm, còn nhà nước phụ trách phần còn lại. Áp dụng mô hình này sẽ là giải pháp cho không ít các dự án BOT hiện nay.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/mot-bo-phan-co-quan-cong-quyen-van-coi-hop-tac-voi-doanh-nghiep-nhu-ban-on-3526748.html