Một bông hoa rừng lấp lánh

Hà Thị Cẩm Anh là con đẻ của xứ Mường Cẩm Thủy. Lớn lên từ xứ Mường nên những tác phẩm đầu đời và nổi tiếng của chị đều lấy từ mạch nguồn Mường Vang, Mường Ống, Mường Rặc ở thung lũng Si Dồ, huyện Cẩm Thủy. Thung lũng Mường với những cái tên rất Mường như cầu thang gỗ nhỏ chín bậc, cửa vóng, cơm lam, cọn nước, câu xường, lời khặp, khua luống, lăm vông, pôồn pôông, kin chiêng boọc mạy...

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh.

Những cái tên của nhân vật trong các truyện ngắn cũng là tên của dân tộc Mường. Cái nhìn của chị trong văn học là cái nhìn yêu mến thiết tha dân tộc Mường muốn phá bỏ tập tục ngột ngạt, cam chịu; sự trăn trở vò xé trong tâm can chị là những mất mát, đau đớn trớ trêu đè nặng lên cuộc sống của người dân tộc mình. Chị muốn tìm ra ánh sáng cho con đường lột xác của một dân tộc ít người nơi heo hút.

Hai mươi bốn truyện ngắn quyển 1 được Đề án bảo tồn phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam do Nhà văn Tùng Điển làm trưởng ban và Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam làm cố vấn vừa ấn hành khẳng định tên tuổi và vị trí của chị trên văn đàn Việt Nam.

Tôi miên man mấy ngày đêm với những cái tên truyện: Nước mắt của đá, Âu mậy, Suối lạnh, Bài Xường ru từ núi, Quả còn, Thằng Chính ngốc, Cưới chay, Một nửa của người đàn bà và tôi đọng lại, chìm đắm với truyện ngắn Gốc gội xù xì. Câu chuyện xảy ra ở một gia đình người dân tộc Mường. Gia đình có bốn người, người cha mất sớm do nhiễm chất độc da cam ở chiến trường. Còn lại ba người phụ nữ là mẹ và hai con gái. Người con gái đầu tên Sun trắng trẻo, xinh đẹp nhất Mường Vang:Nét mặt thanh tú, cái mũi thẳng, cái miệng tươi và đôi môi đỏ thắm của chị không theo năm tháng mà nhạt nhòa đi. Da chị vẫn trắng, nhất là khi chị chải đầu, tóc chị xõa ra dài tới chấm sàn làm cho tôi thích mê. Người con gái Mường Vang đẹp như thế, nhưng bạc phận. Chị bị một gã trai miền xuôi cám dỗ, ăn ở với nó có thai rồi nó biến mất. Chị đau đớn quằn quại, nhiều lúc muốn ăn lá ngón để chết. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con trong bụng, chị bình tĩnh và sinh ra thằng cu Hạnh: Thằng Hạnh bé con trở thành mặt trời nhỏ của mẹ tôi. Nó đem lửa từ Mường Trời về nhóm vào cái bếp khách đã tàn tro trong cái sàn nhà trống trải, xiêu vẹo của chúng tôi vào một đêm sương muối giá buốt. Trong nhà có thêm đứa trẻ như có thêm lửa ấm.

Nhưng cái đau đớn nhất của gia đình người Mường này là người con gái thứ hai. Cha chị đi chiến đấu ở chiến trường bị nhiễm chất độc da cam. Cha chết còn để lại di chứng cho người con gái thứ hai. Khi mẹ sinh ra chị - một người con gái dị tật, không có môi trên, mũi mãi chỉ là hai cái lỗ rộng hoác, đen ngòm. Mẹ và chị bị bao tiếng nhiếc móc, ỉ eo của người trong bản. Khi đã lớn, một ngày bất ngờ chị nhìn thấy hình mình trong cái sành đựng nước ở sàn chồ, chị hốt hoảng chạy thục mạng vào rừng như một con thú hoang. Chị chạy thục mạng vào rừng sâu cho đến khi gặp một gốc cây gội xù xì thì dừng lại, đau đớn và kiệt sức. Cây gội già, to đùng đã rỗng ruột, trên mình đầy những u trếu là nơi tá túc của người con gái Mường tật nguyền. Tác giả cho hai cái xấu gặp nhau, nương tựa vào nhau giữa rừng sâu, tưởng như không ai biết. Nhưng ngòi bút nhân văn của Hà Thị Cẩm Anh mở ra đoạn kết có hậu. Một chàng trai Mường vô tình nhìn thấy chị tắm suối, thân hình trắng trẻo, xinh đẹp đã theo dõi và đến một ngày anh đưa chị đi bệnh viện tỉnh chữa lại khuôn mặt, vá lại cái môi hàm ếch và cưới chị làm vợ, đem lại hạnh phúc cho chị.

Lấy nhân vật tôi để dẫn chuyện, với mạch văn giản dị, ngôn ngữ đặc trưng dân tộc Mường, Hà Thị Cẩm Anh mang đến cho người đọc một câu chuyện cảm động, một sự hy sinh mất mát, đau đớn và một chân trời mới mở ra cho những số phận éo le, bất hạnh bằng chính sự nhận thức về cuộc sống, bằng sự quật cường phá bỏ mọi rào cản, kỳ thị mà vươn tới hạnh phúc.

Truyện ngắn Nhà sàn cũ kỹ cũng lấy chất liệu và cảm hứng ở Mường Ống, huyện Si Dồ.

Nhân vật Hà Thị Cẩm Anh chọn để miêu tả là một chàng trai Mường tên Thà, Thà lớn lên cùng với rừng, với núi, với người Mường. Anh chăm chỉ làm ăn, giúp người Mường cùng làm ăn để bớt nghèo, bớt khổ. Anh có nhà biệt thự ở phố huyện, có nhiều sự yêu mến của người bản, có lòng tin và sự kỳ vọng nhiều ở người cha. Nhưng rồi một cơn gió độc thổi vào người anh, anh nghiện ma túy đến mức bán hết sạch. Anh trắng tay và đau đớn trở về bản, về rừng để chết. Nhưng cha anh và người Mường không kỳ thị, ghét bỏ mà cả bản chung tay cứu anh. Anh được trở về một chàng trai Mường tên Thà. Hãy xem một trích đoạn:

“Rất nhanh, Thà thọc tay vào túi áo, lôi nắm lá ngón ra. Ông Phần giật nảy mình, hai mắt trợn trừng khi nhìn thấy Thà tống gọn cả nắm lá ngón vào mồm nhai ngấu nghiến. Cũng nhanh bằng một cái chớp mắt, ông túm vội lấy cằm Thà bóp thật mạnh. Tình thương con, sức mạnh cuối cùng của người lính đặc công già dồn cả vào những ngón tay dăn deo. Thà đau đớn quằn quại nhưng không nuốt hết được nắm lá ngón. Ông Phần thò tay vào miệng Thà móc những cái lá độc đó ra, rồi cũng nhanh như cắt ông ấn nhẹ bàn tay vào ngực Thà, làm Thà nẩy mình lên rồi nôn thốc nôn tháo. Ông Phần ôm lấy Thà vừa khóc, vừa đặt con trai nằm gối đầu lên bậu cửa vóng...”.

Với trái tim nhân hậu của một nhà văn người dân tộc Mường, ngòi bút của chị dẫn dắt ta về một bản Mường với tình làng, nghĩa bản đầy thương yêu. Mỗi bếp lửa của bản đều đóng góp một chút, người tháo những chiếc nhẫn, cái khuyên, vòng bạc, người mở ví bỏ vào trong những đồng tiền còn ướt đẫm mồ hôi. Già làng Bùi Văn Quý thì dắt hẳn một con trâu buộc vào gầm sàn nhà ông Phần, góp cho thằng Thà trả nợ. Ông nói “Người Đồng Chan không bao giờ bỏ vợ, con, cháu của mình. Hôm nay bên đống lửa thiêng mà người Đồng Chan đã đốt lên, ta muốn nói một lời, nếu không có chuyện động rừng, động đất, động trời như hôm nay thì các bếp ở Đồng Chan cũng không phải bận lòng. Bếp nào, lửa đó... Nhưng mỗi khi Đồng Chan xảy ra việc lớn thì các bếp đều phải chung lo” .

Càng đọc càng thấy ngôn ngữ biểu đạt của Cẩm Anh thật mạch lạc, rất bản địa, lời văn cứ trong veo, hấp dẫn và mỗi chuyện lại sáng lên một tâm hồn Mường thiện tâm, thiện chí.

Đọc truyện ngắn Một nửa của người đàn bà cũng vậy. Một khung cảnh Mường, một thế giới Mường cứ hiện lên những mảnh đời đau đớn, éo le, nhức nhối. Chín truyện ngắn trong tập là chín bông hoa rừng, mỗi bông hoa một tình yêu. Tình yêu núi, yêu rừng, thiên nhiên của chị không xa lạ gì, chỉ là những con suối, khóm rừng, mái nhà sàn, con nước mà sao đọc lên ta cứ thấy rưng rưng, chờn vờn trong tình thương, nỗi nhớ. Quả thật, không có đất Mường sẽ không có Cẩm Anh. Nhưng không có những giọt mồ hôi và nước mắt ướt đẫm các trang viết thì cũng không có một nhà văn trung thực, thẳng thắn lên án cái ác, cái xấu; tôn vinh cái đẹp của dân tộc mình lung linh đến thế.

Hàng loạt giải cao của Hội Nhà văn, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, của các ngành, các tỉnh trao cho nhà văn Hà Thị Cẩm Anh cứ như người Mường Vang thu hái ngô lúa đem về chất đầy gác, đầy sàn, đầy cả kho ở ngoài sân vậy. Già làng nói: Cẩm Anh là một bông hoa rừng lúc nào cũng lấp lánh. Nó là con của Mường ta mà.

Trần Đàm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/mot-bong-hoa-rung-lap-lanh/99796.htm