Một cách khai thác văn bản 'Đò lèn' của Nguyễn Duy

Mỗi con người đều có miền kí ức tuổi thơ - 'miền cổ tích' của riêng mình. Đối với Nguyễn Duy 'miền cổ tích' ấy lại gắn liền với hình ảnh người bà đôn hậu, bình dị và giàu tình yêu thương!

Điều này được thể hiện chân thực và xúc động trong bài thơ Đò Lèn. Bài thơ được viết vào tháng 9 năm 1983 trong dịp Nguyễn Duy trở về quê hương với những kí ức buồn vui đan xen. Tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn 12, tập 1. Đò Lèn có sức “dẫn dụ”, cuốn hút độc giả một cách lạ thường. Vậy sức hấp dẫn của nó được thể hiện như thế nào?

Sêkhôp từng nói: “Nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì không bao giờ là nhà văn cả”. Nguyễn Duy là một nhà thơ thực sự bởi vì ông có lối nói riêng. Trong Đò Lèn , tác giả sử dụng thể thơ tám chữ trong đó có xen một câu thơ chín chữ. Cả bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ bốn câu, gồm 193 chữ. Bài thơ sử dụng hầu hết câu trần thuật, không có câu hỏi tu từ hay câu cảm thán. Chính việc sử dụng thể thơ tự do và kiểu câu đó nên bài thơ có dáng dấp “như một câu chuyện kể, có cốt truyện, có nhân vật, có không gian và thời gian”(1). Dòng trữ tình của nhà thơ cũng men theo dòng tự sự này mà bộc lộ. Diễn biến của chuyện kể gồm ba phần:

- Hai khổ đầu: Nhớ lại những trò tinh nghịch thuở nhỏ.

- Ba khổ thơ tiếp: Cảm nhận và suy ngẫm về hình ảnh bà ngoại trong kí ức tuổi thơ.

- Khổ thơ cuối: Nỗi ân hận ngậm ngùi của người cháu khi tôi biết thương bà thì đã muộn.

Mỗi khổ thơ của bài thơ chỉ viết hoa ở chữ đầu dòng đầu tiên chứ không viết hoa đầu dòng ở các dòng thơ đồng thời cả bài thơ chỉ có một dấu chấm ở cuối bài. Cách trình bày hẳn có chủ ý tạo sự liền mạch về ý tưởng, cảm xúc trong mỗi khổ thơ và cả bài thơ.

Phải chăng mỗi khổ thơ mới trọn vẹn một suy nghĩ, một cảm nhận, cả bài thơ mới trọn vẹn một ý thơ - miền kỉ niệm về người bà yêu dấu - bóng dáng quê hương - bóng dáng tuổi thơ của nhân vật tôi? Sống trong kí ức thuở niên thiếu, tâm trí lần lượt gọi về những kỉ niệm, tác giả cho câu chữ trôi theo dòng cảm xúc cho nên ở bài thơ tám chữ này bỗng xuất hiện câu thơ chín chữ Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn tạo nên sự mất thăng bằng cho bài thơ, cũng vì vậy mà bài thơ có điểm nhấn, có âm hưởng mới lạ.

Cách sử dụng ngôn từ trong thơ ông đã tạo “ma lực” theo cách riêng làm nên sự rung động cho bài thơ. Nhà thơ viết về tuổi thơ của mình một cách chân thành, không tô vẽ như đang thủ thỉ giãi bày trực tiếp với người đọc bằng điệp từ: thuở nhỏ, tôi, bà, huệ trắng, hương trầm, bay,…

Cấu tứ chủ đạo của bài Đò Lèn nhằm tái hiện hình ảnh người bà trong hồi ức của tác giả. Bởi thế trong bài thơ xuất hiện nhiều lần hai đại từ nhân xưng: bà (8 lần) và tôi (6 lần). Ở đây có hai nhân vật chính: cháu (chủ thể trữ tình) và bà (đối tượng trữ tình) gắn liền với thời gian cụ thể: thuở nhỏ và không gian xác định ngay ở nhan đề bài thơ: Đò Lèn (quê hương của tác giả) nhằm xác lập điểm nhìn, tâm thế cho nhà thơ: Từ hiện tại nhớ về quá khứ, nhớ về tuổi thơ gắn liền với hình ảnh bà ngoại ở vùng quê dân dã, thân thuộc để từ đó khái quát nên một triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tất cả đều sinh động, thổn thức trong tâm tưởng nhà thơ. Thuở nhỏ được nhắc lại hai lần ở khổ thơ đầu như dòng cảm xúc về thời thơ ấu đang hiển hiện rõ nét trong tâm tưởng nhà thơ với những kỉ niệm cụ thể. Đáng lưu ý ở khổ thơ thứ năm từ bay xuất hiện ba lần ở hai khổ thơ liên tiếp: bay mất- bay- bay tuốt vừa khắc họa hiện thực chiến tranh khốc liệt vừa khẳng định tình cảm thiêng liêng của hai bà cháu.

Cùng với sự kết hợp với câu thơ thứ ba: Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết tạo nên giọng điệu mang sắc thái hài hước hóm hỉnh cho khổ thơ này. Mọi huyền thoại tuổi thơ có thể hão huyền vỡ tan, chỉ có hình ảnh người bà luôn sống bền chặt trong niềm tin tưởng, tôn kính của người cháu. Bởi lẽ trước sức mạnh của đạn bom ngay cả Thánh với Phật có thể bay mất nhưng bà ngoại thì vẫn vững vàng, kiên cường đi kiếm sống để nuôi cháu Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn. Hình ảnh người bà với cuộc đời vất vả, lam lũ (Thế giới “thực”) mãi sống trong miền cổ tích của người cháu! Ý thơ thật tự nhiên toát lên ý vị triết lý về đạo và đời, về thánh nhân và thường nhân!

Ấn tượng mạnh nhất khi đọc bài thơ này chính là sự xuất hiện “ngồn ngột” những từ chỉ địa danh. Bài thơ có sáu khổ trong đó có bốn khổ có từ chỉ địa danh, mười một địa danh được nhắc tới mười hai lần. Mỗi địa danh gọi về một kỉ niệm thời thơ ấu. Những địa danh này đều mang đậm nét văn hóa làng quê Thanh Hóa- những mảnh đất thân thuộc, gắn bó máu thịt với nhà thơ. Đó là không gian nghệ thuật của tác phẩm- “hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng” (3).

Đó là không gian mang đậm hồn cốt thơ Nguyễn Duy: “có niềm tự hào chính đáng về nhân dân mình, cùng với nỗi buồn thương chính đáng. Duy có những bài thơ buồn thương sâu sắc lắm, được in ra thì có sức truyền cảm lành mạnh, lay động lương tâm và va chạm những tâm hồn chai đá.”(4). Nhắc đến mỗi địa danh, mỗi kỉ niệm tác giả thường kèm theo nhiều động từ: ra, câu cá, níu, đi chợ, bắt, ăn trộm, lên chơi, đi đêm, xem, quyện, mò cua, xúc tép, đi gánh, luộc sượng, nghe thơm, giội, bay, rủ, đi bán, đi lính, lở, bồi, biết…- những từ ngữ này mang đậm hơi thở đời sống thường nhật làng quê, làm hiển hiện rõ ràng trước mắt người đọc miền thơ ấu của một đứa trẻ vùng nông thôn nghèo.

Nhớ về tuổi thơ mà tác giả không phủ lên đó lớp sương khói hoài niệm, thi vị hóa nó, ngược lại nhà thơ lại tôn trọng quá khứ, tái hiện quá khứ một cách chân thực, mộc mạc. Điều này thể hiện nét quen thuộc và mới mẻ trong quan niệm của tác giả về cuộc sống và bản thân ở quá khứ. Phải chăng vì vậy mà Chu Văn Sơn gọi Nguyễn Duy là “thi sĩ thảo dân”?

Tác giả sử dụng từ láy ít nhưng độc đáo, có giá trị tạo hình cao, ví dụ: lảo đảo, thập thững. Cả hai từ láy này đều thể hiện trạng thái ngả nghiêng, mất thăng bằng phần nào toát lên quãng tuổi thơ không mấy êm đềm của nhà thơ. Từ lảo đảo không mới nhưng lạ ở cách kết hợp trong câu thơ: Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng. Còn từ thập thững là một từ giàu sức gợi hình và biểu cảm: diễn tả bước chân khó nhọc, chênh vênh, không vững trên con đường gánh gồng ngược xuôi bươn bả của bà ngoại.

Bước cao, bước thấp có thể do đường gập ghềnh, do trời tối rét cũng có thể do kiệt sức vì mệt mỏi và tuổi già,… Từ láy này kết hợp với cụm từ những đêm hàn (lưu ý: tác giả dùng số từ không xác định những) nhằm để thể hiện bao nỗi vất vả, cơ cực âm thầm không thể đong, đếm được của bà ngoại. Câu thơ có sức lay động sâu xa tâm can người đọc!

Bài thơ tái hiện những kỉ niệm thời thơ ấu một cách chân thực, sinh động nên thật dễ hiểu khi tác giả sử dụng nhiều từ chỉ thời gian hoặc từ ám thị thời gian: thuở nhỏ, đôi khi, đêm, đêm hàn, cái năm đói, đi lính, lâu, xưa, khi,… Đây không còn là thời gian thực nữa mà là thời gian tâm tưởng, thời gian hoài niệm cho nên không có gì cụ thể, rõ nét mà nhòe mờ, mang tính ước lượng.

Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng những hình ảnh giàu sức gợi. Đó chính là những tín hiệu lạ, những “điểm sáng thẩm mỹ” của Đò Lèn. Hình ảnh: mùi huệ trắng, hương trầm được lặp đi lặp lại như một ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí nhà thơ (Hình ảnh này cũng được nhà thơ nhắc đến trong bài: ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…). Đó là sự gợi nhắc về tuổi thơ gắn liền với văn hóa quê hương, nguồn cội, với những đền, chùa, điệu hát văn phảng phất màu huyền thoại, cổ tích!

Đồng thời đó cũng là sự gợi nhắc những năm tháng cơ cực, bần hàn cái năm đói củ rong giềng luộc sượng nhưng vẫn ấm nồng yêu thương vì có bà chở che, nâng đỡ (cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm). Người bà hiện lên như tiên, Phật, thánh, thần trong quãng đời tuổi thơ của cháu! Hình ảnh dòng sông xưa ở khổ thơ cuối xuất hiện như một chứng nhân của quê hương đã trải qua bao thăng trầm, biến đổi: lở- bồi như dòng chảy thời gian đã cho và lấy đi biết bao thứ quý giá của con người! Khi đứa cháu lớn khôn khi tôi biết thương bà thì đã muộn- bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi nghe ngậm ngùi, xa xót biết bao!

Hình ảnh nấm cỏ- nhỏ bé, bình dị nhưng lại có sức khơi gợi sâu xa về nhân thế, về kiếp người. Hình ảnh chứa đựng bao nhiêu tâm trạng, nghĩ suy chất chứa trong lòng tác giả! Ra chiến trường cháu càng thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà ngoại, càng biết thương bà nhiều hơn nhưng bà đã đi vào cõi vĩnh hằng! Tình cảm sâu sắc và chân thành của người cháu đã muộn màng! Câu thơ vừa đau đáu vừa khắc khoải nỗi niềm về sự vô tâm vô tình của bản thân mình thời thơ ấu. Hãy biết nâng niu, quý trọng những gì mình có nhất là những người thân yêu! Đừng để khi mất đi ta mới thấy đau đớn, nuối tiếc, dằn vặt. Đó là điều mà nhà thơ muốn nhắc nhở chính mình và mọi người. “Câu thơ có giá trị thức tỉnh bất ngờ”, chứa đựng triết lí sâu sắc!

Giọng điệu chính là linh hồn của tác phẩm, là chất men dẫn lối đưa đường người đọc tìm đến một tấm lòng đồng điệu, một sự tri âm. Giọng điệu thể hiện cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là tiếng nhạc để chắp cánh cho lời thơ. Đọc Đò Lèn ta bắt gặp giọng điệu ngậm ngùi xen lẫn chất hóm hỉnh, dân dã khác với giọng thương nhớ, tha thiết trìu mến mang tính chất trang trọng trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt hay giọng thơ đằm thắm, trong trẻo trong bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Giọng điệu bài thơ thể hiện ở ba khía cạnh cơ bản:

- Ngắt nhịp: biến đổi linh hoạt, tự nhiên như khẩu ngữ (2/1/3/2; 2/3/3;2/2/4; 3/5; 4/4; 3/3/2; 2/2/2/3; 3/2/3;…) làm cho bài thơ quen thuộc, gần gũi nhưng sinh động, hóm hỉnh.

- Thanh điệu: Thanh bằng chiếm phần lớn (119/193) tạo nên giọng điệu kể chậm rãi, thâm trầm nhằm thể hiện được những suy ngẫm sâu sắc, bộc lộ thấm thía bao chiêm nghiệm về cuộc đời và con người của thi nhân.

- Gieo vần: Tác giả nhớ về quá khứ với cái nhìn trầm tĩnh, với nỗi niềm ân hận cho nên bài thơ chủ yếu gieo vần: chân- cách- bằng để trải ra toàn bộ những cung bậc tâm trạng đang trĩu nặng suy tư của cái tôi trữ tình.

Đọc bài thơ chúng ta dễ nhất trí với nhận định: Nguyễn Duy đã thực sự đóng góp vào nền thi ca Việt nam hiện đại một giọng trữ tình riêng giàu tính xã hội và đậm hương vị dân tộc (5). Bài thơ có nhan đề Đò Lèn- một địa danh nhưng hình tượng bao trùm là người bà. Dường như nhà thơ muốn san sẻ với người đọc quan niệm về quê hương: quê hương đó không phải chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên mà trước hết là nơi ta có những người vô cùng thân thiết.

Đò Lèn có sức lay động lòng người sâu xa bởi vì toàn bộ bài thơ đã “bộc lộ rõ một thế giới nội tâm có bản sắc” (6) của một hồn thơ với “tấm lòng thương mến đến tận cùng chân thật” (7). Đây là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Duy: giản dị, chân thực, có khả năng mở ra nhiều ý tưởng mới mẻ, bất ngờ, thú vị và gợi những suy ngẫm sâu sắc, có sự kết hợp hài hòa chất trữ tình và suy ngẫm về thế sự sâu sắc. Bài thơ như một nén nhang thành kính của nhà thơ tưởng nhớ vong linh người bà kính yêu! Nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng của chúng ta về tuổi thơ, về người thân và về quê hương. Đọc bài thơ chúng ta tin rằng, thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, và với nghệ sĩ, đó là một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn.

********************

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. (4), (6), Nguyễn Quang Sáng, Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy, Thơ Nguyễn Duy, NXB Giáo dục, 1998.

2. (1), (2), Trịnh Thanh Sơn, mục Bình thơ, báo Văn nghệ, số 7, 2004.

3. (3), Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Văn hóa thông tin, 2001, tr.209.

4. (5), (7) Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Duy- Người thương mến đến tận cùng chân thật, Tạp chí Văn học, số 10, 1999.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/mot-cach-khai-thac-van-ban-do-len-cua-nguyen-duy-3984759-c.html