Một cách yêu văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam

Cách đây gần hai năm, khi Nguyễn Đức Lộc thành lập Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên chuyên nghiên cứu, kinh doanh về trang phục, đồ dùng cổ xưa, chúng tôi định thực hiện bài viết chân dung về một người trẻ biết yêu, biết quý văn hóa dân tộc.

Nhưng chợt nghĩ, cứ để xem chàng trai mới ở độ tuổi hai mươi, trông có vẻ thư sinh, nghệ sĩ này làm được những gì? Thật mừng, những dự định của Lộc đã bước đầu thành công, Ỷ Vân Hiên đang dần trở thành một thương hiệu uy tín.

Tiên phong một hướng đi

Quen biết Lộc đã lâu, từ khi Lộc còn làm quay phim cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam (VTC), nhất là khi sinh hoạt chung trong nhóm “Đình làng Việt”, chúng tôi biết Lộc là người yêu văn hóa truyền thống từ bé. Sinh ra trong gia đình có bố là nghệ sĩ hát chầu văn nên Lộc đã sớm tiếp xúc với tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của dân tộc. Những điệu hát văn thăng hoa, trang phục rực rỡ nơi phủ điện tôn nghiêm đã cuốn hút tâm hồn tuổi mới lớn. Lộc lại học giỏi môn sử, say mê đọc sách về lịch sử dân tộc, thường xuyên tham quan các di tích. Thế nên, có lần trò chuyện, chúng tôi nói đùa: Lộc là người có “căn” với văn hóa truyền thống!

Tham gia nhiều hội nhóm, Lộc biết lượng người yêu mến văn hóa truyền thống không phải là ít nhưng đa phần các thành viên đều… nghèo. Cùng lắm là chia sẻ kiến thức cho nhau, tham gia lên tiếng bảo vệ văn hóa truyền thống, thỉnh thoảng đóng góp kinh phí tổ chức sự kiện quảng bá... Nhưng chừng đó thôi là chưa đủ. Nhiều đêm, Lộc trăn trở phải làm điều gì đó để nhiều người biết đến vốn quý của dân tộc; để tinh hoa cha ông để lại tồn tại trong thời buổi hội nhập. Lại nghĩ đến các nước trong khu vực xuất khẩu văn hóa khiến lớp trẻ Việt Nam háo hức trải nghiệm mà không biết đến nguy cơ "xâm lăng văn hóa". Những suy nghĩ chín chắn trong nhiều năm đã thôi thúc Lộc và những cộng sự cùng chí hướng thành lập Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên vào ngày 8-8-2018 với mục đích: Nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

 Doanh nhân Nguyễn Đức Lộc trong cổ phục áo tấc. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Doanh nhân Nguyễn Đức Lộc trong cổ phục áo tấc. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Người quen lo lắng cho Lộc khi trải nghiệm cuộc sống còn ít, kinh nghiệm về kinh doanh là con số không, đã thế sản phẩm kén khách, nguy cơ “sập tiệm” rất cao. Lộc chỉ cười và lao vào công việc để vượt qua năm đầu “sóng gió”; đến năm thứ hai Lộc mới báo tin bắt đầu có lãi. Nghe Lộc kể về hai năm vừa qua, chúng tôi bất ngờ, nhận ra Lộc không phải là người mơ mộng, nghệ sĩ nửa mùa hứng lên là làm, tất cả đã có sự tính toán, cùng với nỗ lực theo đuổi đến cùng. Chọn mảng kinh doanh chính là cổ phục, ngoài chuyện Lộc có đam mê và hiểu biết, gia đình bên ngoại của Lộc có truyền thống làm nghề may nên Lộc không xa lạ với nghề này. Lộc còn nhận ra, nhu cầu hiện nay của một bộ phận người dân không chỉ là ăn no, mặc ấm nữa mà phải là ăn ngon, mặc đẹp. Thị trường cổ phục là “thị trường ngách” (niche market) được hiểu là một khoảng trống thị trường với một nhóm khách hàng riêng biệt, thế nên không phải lo cạnh tranh. Vấn đề chỉ là Ỷ Vân Hiên phải vừa làm đơn vị sản xuất, đồng thời còn phải kích cầu tạo ra nhiều khách hàng cho chính mình thông qua các hoạt động PR, quảng cáo, marketing…

Trước nay, nhiều người cho rằng văn hóa để di dưỡng tinh thần, tuyên truyền chủ trương chính sách… chứ ít để ý đến chức năng kinh tế khi sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt. Từ trước, Lộc đã tìm hiểu về luật pháp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên Lộc nhận định đây là “thời điểm vàng” hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nước nhà. Công nghiệp văn hóa ở quốc gia nào cũng đều khai thác “mỏ vàng” lịch sử văn hóa truyền thống để biến thành các sản phẩm văn hóa có khả năng sinh lời; đồng thời cũng là một cách để bảo tồn giá trị truyền thống không bị mai một. Chính vì thế, Lộc tạo ra một chuỗi cung ứng bên cạnh cổ phục là các dụng cụ, đồ vật, phụ kiện cổ xưa, thậm chí là không gian chụp ảnh, nhà hàng thiết kế theo lối cổ phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Nghĩ được là một chuyện còn làm được hay không lại là chuyện khác. Cái khó thường thấy ở những doanh nhân khởi nghiệp như Lộc là chuyên môn và đam mê có thừa nhưng kỹ năng quản lý, kinh doanh thì hạn chế. Không xuất thân là dân kinh tế nên Lộc phải mày mò đọc sách, hỏi bạn tìm thầy, học nhiều khóa học để lập chiến lược phát triển, quản trị doanh nghiệp, tổ chức sự kiện… sao cho hiệu quả. Nỗ lực của Lộc đã được đền đáp khi công ty làm ăn khấm khá và nhất là ước mơ tiên phong mở một hướng đi vừa kinh doanh vừa bảo tồn văn hóa truyền thống đã dần trở thành hiện thực.

Lan tỏa niềm tự hào văn hóa truyền thống Việt Nam

Đã kinh doanh thì chuyện lợi nhuận phải đặt lên trước tiên nhưng với Lộc điều quan trọng không kém là phải lan tỏa niềm tự hào văn hóa truyền thống Việt Nam đến với mọi người. Lộc say sưa kể bao câu chuyện chan chứa niềm vui, niềm tự hào của khách hàng khi khoác lên mình bộ cổ phục công phu. Đó là Đại sứ, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu hãnh diện mặc cổ phục tham gia các sự kiện quốc tế hay những du học sinh tự hào mặc cổ phục sánh bước cùng các trang phục truyền thống của các bạn học khắp năm châu…

Từ trước tới nay, khi nghĩ đến trang phục truyền thống Việt Nam, người ta hay nghĩ đến áo dài dành cho nữ, nam thì khăn xếp áo the. Nhưng thực ra đó là trang phục đều được sáng tạo đầu thế kỷ 20, cách tân từ trang phục cổ như áo ngũ thân cổ đứng, áo tấc… Ngay từ đầu, Lộc đã chọn cho mình con đường khó, đó là phỏng dựng cổ phục công phu, nghiêm cẩn nhất có thể. Lộc đã tập hợp một nhóm nghiên cứu riêng, có sự cộng tác của các chuyên gia như: Học giả, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức-tác giả công trình nổi tiếng “Ngàn năm áo mũ”; nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức; nghệ nhân, nhà phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc; nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ, dòng dõi tôn thất nhà Nguyễn… Lộc quan niệm, muốn có bộ cổ phục chân thực nhất, sát với lịch sử nhất thì phải dựa vào kết quả nghiên cứu lịch sử, khảo cổ đáng tin cậy. Mọi công đoạn đều phải được tính toán và thực hiện tỉ mỉ theo đúng nguyên tắc khoa học. Các bộ cổ phục tuân thủ chặt chẽ quy tắc may trang phục cổ, lựa chọn cẩn thận về chất liệu vải cổ truyền, gửi thêu tại các làng nghề truyền thống. Đối với Lộc, phải làm thật kỹ, vững vàng về cổ phục, sau đó mới có thể nghĩ xa hơn đến các sản phẩm thời trang cách tân lấy cảm hứng từ cổ phục.

Với sự cầu kỳ, kỹ lưỡng như vậy nên sản phẩm của Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên làm ra nằm ở phân khúc trung và cao cấp, một bộ cổ phục có giá thấp nhất là 3 triệu đồng. Số tiền tưởng lớn nhưng ngẫm lại không phải là đắt bởi nhiều người có thể bỏ ra số tiền lớn hơn để may một bộ comple-veston hoặc áo dài cách tân thì tại sao không thể may một bộ cổ phục để diện trong những dịp trọng đại? Nhìn ra thế giới, trang phục truyền thống công phu ở các quốc gia khác đều không hề rẻ, như mỗi bộ kimono của người Nhật phải tính giá cả nghìn USD. Với sự đầu tư chuyên sâu phục dựng, cổ phục của Ỷ Vân Hiên luôn được đánh giá cao bởi mang đậm hồn Việt, văn hóa Việt rõ nét. Nhiều khách hàng là doanh nhân nói rằng, nhờ có Ỷ Vân Hiên họ mới tự tin giới thiệu với đối tác rằng: “Đây là cổ phục nước Việt của tôi”. Nhiều người nước ngoài như Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov khi nhìn những bộ cổ phục do Ỷ Vân Hiên thực hiện đều tấm tắc ngợi khen, qua đó nhận định Việt Nam có một nền văn hóa truyền thống thâm hậu, phong phú được thể hiện rõ ràng trên cổ phục độc đáo.

Song hành với các hoạt động kinh doanh, thời gian qua, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên tích cực tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam qua cổ phục, đạo cụ do công ty thiết kế, sản xuất. Đáng kể nhất là phỏng dựng trang phục thời Lê trong hoạt cảnh tái hiện sân khấu hóa lễ ban quạt mang tên “Một thoáng Tết Đoan Dương thời Lê trung hưng” tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Công chúng đã thích thú, ngạc nhiên khi lần đầu tiên trực tiếp mường tượng cha ông hàng trăm năm trước đã mặc ra sao. Lộc và các cộng sự đã vất vả hàng tháng trời phỏng dựng lại trang phục của các quan nhất, nhị, tam phẩm; áo giao lĩnh (cổ chéo); áo viên lĩnh (cổ tròn) hay một số dạng áo đối khâm; các dạng áo của các lính y vệ như áo đa la; mũ đinh tự. Cầu kỳ hơn là phỏng dựng tục để tóc dài xõa từ đàn ông cho đến đàn bà theo đúng những ghi chép cổ xưa. Mới nhất, Ỷ Vân Hiên đã góp vốn hàng tỷ đồng bằng hiện vật để sản xuất phim truyền hình “Phượng khấu” về cuộc đời Từ Dụ Hoàng thái hậu (1810-1902). Một điều khác mà Nguyễn Đức Lộc cùng các thành viên Ỷ Vân Hiên mong mỏi là sẽ dần hình thành dòng phim cổ trang Việt Nam có cổ phục và bối cảnh được phục dựng sinh động, sát với lịch sử, qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam đến người xem một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất.

Đến Ỷ Vân Hiên những ngày này, ai nấy trong công ty đều tất bật để kịp trả sản phẩm đã ký kết với khách hàng. Các chuyên gia đúc kết: Một doanh nghiệp khởi nghiệp “sống” được phải vượt qua năm đầu, 2 năm để ổn định và sau 5 năm mới phát triển. Ỷ Vân Hiên đang phát triển đúng hướng, khiến Nguyễn Đức Lộc thêm tự tin về những gì mình làm đã có chỗ đứng và giá trị riêng. Điều này xuất phát từ niềm tin: Văn hóa và lịch sử là gốc của một dân tộc; một khi đã là cái gốc, cái nền thì luôn có chỗ đứng. Nguyễn Đức Lộc đã làm nhiều việc mà người lạc quan, mơ mộng nhất chắc cũng không dám nghĩ đến; và hơn hết Lộc đã truyền cảm hứng cho nhiều người quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/mot-cach-yeu-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-viet-nam-611461