Một câu hỏi đã có lời giải

Những ngày nghỉ lễ vừa qua, người dân và du khách thăm Hồ Tây chứng kiến một quang cảnh đặc biệt.

Đó là những chiếc cần cẩu cỡ lớn được huy động cùng lực lượng chức năng đang thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, di dời sàn chìm của Công ty CP Sông Potomac ra khỏi hồ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ.

Theo ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, đơn vị thực hiện cưỡng chế, việc tháo dỡ bắt đầu từ sáng 27/4, lực lượng chức năng sẽ làm cả những ngày lễ cho đến khi hoàn thành công việc. Trước mắt tập trung giải quyết dứt điểm bến cập du thuyền. Theo kế hoạch, trong quý 2 năm nay việc tháo dỡ tất cả phương tiện, sàn, thiết bị… sẽ hoàn tất, trả lại mặt nước Hồ Tây phong quang, sạch sẽ.

6 năm trước, ngày 7/2/2017, UBND TP Hà Nội đã ra Thông báo số 38/TB-UBND về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động của các DN kinh doanh trong phạm vi quản lý Hồ Tây; đồng thời xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để phương tiện ra khỏi lòng hồ.

Cho tới cuối tháng 4/2023, đã có 143/147 phương tiện được di dời ra khỏi
Hồ Tây, còn lại 4 phương tiện có kích thước và tải trọng bản thân lớn (3 tàu, 1 sàn) của 2 DN chưa chấp hành việc di dời. Trong đó, Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây có 2 phương tiện (tàu Nàng tiên cá 1 - Taboo, tàu Nàng tiên cá 2); Công ty CP Sông Potomac có 2 phương tiện (bến cập du thuyền sàn bị chìm, tàu Potomac).

Ở một động thái khác, cuối tháng 3/2023, UBND TP Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến cho dự thảo quy định quản lý Hồ Tây, trong đó có nêu các loại hình dịch vụ được phép hoạt động tại khu vực hồ này trong thời gian tới. Theo dự thảo, 12 loại hình dịch vụ sẽ được phép hoạt động tại Hồ Tây. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền pê-rít-xoa, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn. Các hoạt động kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ hay vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy tại Hồ Tây cũng có thể hoạt động trở lại.

Việc đưa dự thảo này ra lấy ý kiến đã được dư luận rất quan tâm bởi Hồ Tây vốn được coi là lá phổi xanh của Hà Nội, một thắng cảnh được người dân Thủ đô và cả nước ưa thích, thường xuyên lui tới. Có ý kiến tán thành nhưng cũng còn không ít băn khoăn. Đặc biệt, một câu hỏi đặt ra là: liệu cùng với việc Dự thảo nói trên được phê duyệt, 4 chiếc du thuyền nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" suốt 6 năm qua có được hoạt động trở lại?

Liên quan đến việc này, tại phiên họp Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế được tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các đồng chí tập trung di dời hết các tàu cũ còn lại, bảo đảm cảnh quan, môi trường của khu vực Hồ Tây. Việc đưa du thuyền hoạt động trở lại chưa vội tính đến. Sau này nếu có tính toán đến việc này thì cũng phải xem xét rất kỹ đến mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ".

Vậy là đã rõ. Với ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, với việc UBND phường Nhật Tân kiên quyết và khẩn trương thực hiện cưỡng chế, giải tỏa những con tàu ma, câu hỏi mà dư luận đặt ra đã có lời giải.

Người dân Thủ đô và cả nước chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng không gian Hồ Tây với vẻ đẹp thoáng đãng sau khi những con tàu cũ nát được tháo dỡ, trả lại lòng hồ phong quang, sạch sẽ. Và quan trọng hơn cả, với lời giải này, niềm tin của người dân vào sự kiên quyết của chính quyền, sự nghiêm minh pháp luật tiếp tục được củng cố.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-cau-hoi-da-co-loi-giai.html