Một chân dung cầm bút nơi gió bay

Nhân dịp tròn 1 năm nhà thơ Nguyễn Phan Hách (1944-2019) qua đời, nhà xuất bản Dân Trí đã ấn hành tuyển tập 'Nơi gió bay' gồm thơ, văn và nhạc.

Sinh ra và lớn lên tại làng Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tài năng văn chương của Nguyễn Phan Hách được phát lộ rất sớm. Năm 1958, khi đang học phổ thông, ông đã có truyện ngắn in báo Văn Nghệ. Tuy nhiên, thơ mới là hồn cốt của Nguyễn Phan Hách.

Khi còn làm cán bộ văn hóa ở quê nhà, Nguyễn Phan Hách đã có bài thơ “Làng quan họ” xao xuyến: “Sông Cầu làm bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ/ Những cánh buồm nhớ thương/ Câu ca đầu ngọn gió/ Mẹ giặt yếm bên sông/ Đêm trăng thanh hát gọi/ Con nuớc chảy lơ thơ/ Con cò đi lặn lội”. Bài thơ “Làng quan họ” được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành ca khúc “Làng quan họ quê tôi” nổi tiếng.

Khi chuyển lên công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Phan Hách có bài thơ “Hoa sữa” đắm đuối: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ/ Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc/ Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/ Vậy mà tan trong sương gió mong manh”. Bài thơ “Hoa sữa” được nhạc sĩ Thế Duy phổ nhạc thành ca khúc “Mối tình đầu” cũng nổi tiếng không kém.

Chỉ với hai bài thơ phổ nhạc ấy, đủ để Nguyễn Phan Hách ngất ngưởng đi giữa đời văn lẫn đời thường. Thế nhưng, ông vẫn miệt mài sáng tạo. Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Phan Hách tung ra cuốn tiểu thuyết “Cuồng phong” miêu tả những biến động ở nông thôn, gợi nhiều suy tư cho độc giả trước các đổi thay vật chất chóng mặt và trước các giá trị lương tri chênh chao. Sự dữ dội của tiểu thuyết “Cuồng phong” chứng minh rằng, một người luôn hiền lành và nhũn nhặn như Nguyễn Phan Hách vẫn thao thức khôn nguôi về phẩm giá người Việt trong những cơn bão thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, của lòng tham, của thù hận, của thương yêu.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách nhiều năm làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tuy nhiên, con người nghệ sĩ luôn lấn át con người công chức của ông. Nhiều đồng nghiệp đã dành cho nhà thơ Nguyễn Phan Hách nhiều thiện cảm. Nhà thơ Đặng Huy Giang chia sẻ: Tôi gặp Nguyễn Phan Hách không nhiều lần lắm. Nhưng tôi thích sự chân thành, thẳng thắn và cởi mở nơi ông. Và tôi còn thích hơn khi nhận ra ông là một nhà văn, nhà thơ luôn hướng tới cái mới để làm mới chính mình. Cái câu “đời đổi thay khi chúng ta thay đổi” dường như đã thấm vào Nguyễn Phan Hách một cách tự nhiên, từ lúc nào không hay”. Còn nhà thơ Vũ Từ Trang đánh giá: “Hình như chỉ có trong thơ, con người nội tâm của Nguyễn Phan Hách mới đươc giãi bày thành thật nhất. “Tôi có bao yêu thương/ Mà không có địa chỉ để gửi. Trước trang viết, ông không giấu nổi chút hoang mang. Tôi làm thơ để làm gì?/ Tôi làm thơ để cho đi nỗi buồn… Ngớ nga ngớ ngẩn giữa đời/ Ngất nga ngất ngưởng tưởng người khùng điên”. Sự cô đơn của kiếp người, ngỡ muốn giấu đi, mà không giấu nổi. Con người, đôi khi là hiện thân của cô đơn. “Giật mình tỉnh giấc đêm thu lạnh/ Cô đơn sương khói phủ mịt mờ/ Chỉ vầng trăng nhỏ bên song cửa/ Lẽo đẽo theo mình tự thuở xưa”. Nghiệp chữ nghĩa, đã đem lại cho nhà thơ Nguyễn Phan Hách nhiều vinh quang. Ấy nhưng nghiệp chữ nghĩa, ai cũng không tránh khỏi giây phút chán nản, thất vọng với chính mình. Có lúc, nhìn lại chặng đường đi qua, không khỏi buồn phiền. “Đánh đổi cả cuộc đời/ Lấy vài bài thơ nhỏ/ Đánh đổi bao tháng năm/ Lấy vài ba trang văn”. Đấy là tự khắt khe với chính mình, chứ như thành tựu văn học ông đã để lại cho đời, đó là kết quả đáng kể, mà bao người cầm bút cả đời không mơ được”.

Cả sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Phan Hách có 5 tập thơ, 4 tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tự mãn, mà ông luôn dằn vặt: “Bao nhiêu năm/ Tôi vật nhau với chữ nghĩa/ Chữ nghĩa vật tôi ngã chổng kềnh/ Và tôi cũng vật chổng kềnh chữ nghĩa. Để rồi, cho sự kết cục bi thương: Chữ nghĩa vứt vào sọt rác/ Còn tôi thì vào lò thiêu xác”.

Tuyển tập “Nơi gió bay” cũng giới thiệu 18 ca khúc do Nguyễn Phan Hách sáng tác sau tuổi 70. Chất liệu dân ca quan họ đã thấm vào tâm hồn ông và tự nhiên trôi chảy ra thành bài hát giàu chất trữ tình.

TUY HÒA

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mot-chan-dung-cam-but-noi-gio-bay-127015-127015.html